(BĐ) - Chiều 18.5, tại Hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTQVN tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2010).
|
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Bác. Ảnh: Văn Lưu
|
Tham dự Lễ Kỷ niệm có đồng chí Vũ Hoàng Hà, UV Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQVN tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các lực lượng vũ trang, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các chức sắc tôn giáo tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố và nhân dân TP Quy Nhơn.
Diễn văn do đồng chí Vũ Hoàng Hà, Bí thư Tỉnh ủy đọc tại Lễ Kỷ niệm đã ôn lại những chặng đường hoạt động cách mạng của Bác, những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Diễn văn nhấn mạnh: “Hiện nay tên Người là biểu tượng cho ý chí độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tư tưởng và công lao của Người đối với cách mạng Việt Nam và thế giới được cả thế giới ghi nhận và tôn vinh”.
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và đồng chí Lý Tiết Hạnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn thay mặt cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và tuổi trẻ toàn tỉnh, bày tỏ lòng biết ơn đối với Bác Hồ kính yêu, nguyện cố gắng ra sức phấn đấu bảo vệ, xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh.
Ra sức học tập và làm theo gương Bác, xây dựng quê hương giàu đẹp (*)
(Lược trích diễn văn của đồng chí Vũ Hoàng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đọc tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2010).
Hôm nay, trong không khí phấn khởi của tháng 5 lịch sử, với niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn, chúng ta tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, người sáng lập ra Đảng và Nhà nước ta và đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông, đất nước ta.
|
Đồng chí Vũ Hoàng Hà đọc diễn văn.
|
Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử quang vinh của Đảng Cộng sản Việt Nam, gắn liền với lịch sử đấu tranh và thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua.
Khi đất nước trong cảnh đêm dài nô lệ, dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến, nhân dân ta đã có nhiều cuộc nổi dậy đấu tranh để giành tự do độc lập với nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng đã lần lượt bị thất bại. Vượt qua tầm nhìn hạn chế của các nhà cách mạng tiền bối đương thời, cuối năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) đã quyết tâm tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân. Sau hơn 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm ra chân lý: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”. “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Tư tưởng về dân tộc và con đường giải phóng dân tộc của Người đã đáp ứng được yêu cầu của lịch sử, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, đồng thời đem đến cho dân tộc ta một hệ tư tưởng mới, hệ tư tưởng khoa học và cách mạng nhất của thời đại, đó là hệ tư tưởng Mác - Lênin.
Cùng với việc xây dựng đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng, Người đã tập trung công sức để xây dựng đội ngũ lãnh đạo cách mạng. Người đã chỉ rõ: Muốn có cách mạng thành công “phải có Đảng kách mệnh”, “Đảng có vững, cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy” và chính Người đã dày công vun đắp xây dựng các tổ chức tiền thân, tiến đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3.2.1930.
Từ khi có Đảng, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp cùng với Đảng lãnh đạo phát triển lực lượng cách mạng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức và tập dượt quần chúng nổi dậy với những cao trào cách mạng bùng nổ vào các giai đoạn 1930 - 1931, 1936 - 1939 và đặc biệt là cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật 1940 - 1945. Với sự lãnh đạo sáng suốt và nhạy bén của Người, Đảng ta đã kịp thời nắm bắt thời cơ, phát động Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền trong cả nước. Có thể nói, mỗi bước tiến và thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đều in đậm công lao và cống hiến của Người.
Qua 30 năm trường kỳ kháng chiến, thực hiện đường lối cách mạng và với sự lãnh đạo trực tiếp của Người, Đảng ta đã lãnh đạo dân tộc ta lập nên những kỳ tích có ý nghĩa thời đại: làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc; tiến hành 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
|
Văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Lưu
|
Hiện nay tên Người là biểu tượng cho ý chí độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tư tưởng và công lao của Người đối với cách mạng Việt Nam và thế giới còn được cả thế giới ghi nhận và tôn vinh. Nhiều đại lộ, quảng trường lớn ở nhiều nước được đặt tên Hồ Chí Minh. Tượng đài Hồ Chí Minh được xây dựng ở nhiều nơi trên thế giới. Ghi nhận những công lao quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và thế giới, khóa họp thứ 24 Đại hội đồng của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) họp từ ngày 20.10 đến 20.11.1987 đã ra Nghị quyết 24C/18.65- về tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990. Qua đó, UNESCO đã công nhận và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Bình Định vô cùng tự hào là vùng đất đã được người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến ở và học tập. Từ tháng 5 năm 1909 đến tháng 8 năm 1910, trên đường từ Huế vào Sài Gòn để xuống tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Người đã dừng chân học tập và sinh sống tại Bình Định. Trong thời gian ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành đã đến nhiều nơi, gặp nhiều người để tìm hiểu, tiếp cận với những tinh hoa văn hóa, những chiến công lừng lẫy của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, phong trào Cần Vương - Mai Xuân Thưởng, phong trào chống Pháp của nhân dân Bình Định những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Những truyền thống lịch sử, văn hóa và đặc biệt là tình cảm của quê hương, con người Bình Định đã trở thành hành trang theo Người trên dặm đường dài đi tìm đường cứu nước. Mặc dù những tháng ngày Nguyễn Tất Thành ở Bình Định, so với cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là không nhiều, nhưng đó là một giai đoạn lịch sử quan trọng của thời thanh niên để Người hun đúc chí nguyện ra đi tìm đường cứu nước. Đó cũng là sự kiện lịch sử rất đỗi vinh dự đối với quê hương Bình Định chúng ta.
Tự hào là một trong năm địa phương trong cả nước có gắn bó với thân thế, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Bình Định nguyện ra sức phấn đấu học tập và làm theo tấm gương của Người, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.
Thực hiện di huấn và tư tưởng của Người, bằng sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, Bình Định từ một địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, cơ sở hạ tầng lạc hậu, kinh tế chậm phát triển đã vươn lên trở thành một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với cơ sở hạ tầng phát triển khá đồng bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, quốc phòng an ninh được đảm bảo, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng được nâng cao. Với những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ, quân và dân Bình Định có quyền tự hào vì trong suốt 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ vĩ đại, Đảng bộ, quân và dân Bình Định đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, không quản ngại gian khó, anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, hăng say lao động sản xuất, cùng với cả nước làm nên những trang sử vàng của dân tộc, xứng đáng với thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.
Trong thời gian qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Bình Định ra sức đẩy mạnh và thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trong ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên; góp phần khắc phục tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có nhiều tiến bộ; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương của Bác đã có chuyển biến rõ nét; ý thức trách nhiệm với công việc và tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân ngày càng được nâng cao.
Tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, năm 2010 toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh tiếp tục học tập tư tưởng của Người về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Đặc biệt, năm nay là năm Đảng ta tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng, vì vậy yêu cầu đầu tiên đối với chúng ta là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, gắn với kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, mở rộng sinh hoạt dân chủ để tập hợp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân xây dựng văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh và văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng. Ra sức xây dựng Đảng bộ ngang tầm yêu cầu của thời kỳ mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của tỉnh nhà.
Nhân buổi lễ kỷ niệm trọng thể này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tập trung phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội gắn với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố và tăng cường quốc phòng - an ninh, quyết tâm đưa tỉnh ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(*) Đề bài do Báo đặt.
|