Chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ghé Bình Định cách đây đã trăm năm có lẻ. Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa cũng đã qua hơn 40 năm rồi. Dẫu vậy, có một điều chắc chắn, thời gian chỉ có thể làm nồng ấm hơn tình cảm, sự kính trọng của người dân đối với Bác.
|
Cụ Nguyễn Thị Thế Ngân (hàng dưới, thứ tư từ phải sang) chụp ảnh cùng Bác Hồ tại Hội nghị năm 1964. Ảnh tư liệu
|
1. Với những người đã từng được gặp Bác, mỗi câu chuyện liên quan đến Người được kể lại vẫn còn nóng hổi, như vừa mới hôm qua đây thôi. Những câu chuyện ấy, tuy nhỏ nhưng ẩn chứa nhiều bài học giá trị.
Một trong số những người con Bình Định có may mắn nhiều lần được gặp Bác là cụ Nguyễn Thị Thế Ngân, 92 tuổi, cán bộ hưu trí thôn Phụng Sơn (Phước Sơn, Tuy Phước). Với cụ Ngân, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình chính là những lần được gặp Bác Hồ.
Ấy là thời điểm cuối năm 1964, cụ Ngân được chọn vào Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị “Quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ hòa bình”, tổ chức tại Hà Nội. Trong thời gian Hội nghị, cụ đã được gặp Bác Hồ 4 lần.
Cụ Ngân kể, lần gặp Bác làm cụ nhớ nhất là khi Đoàn được Bác mời cơm: Hôm ấy Bác giới thiệu những món như gà, cá, rau… do Bác sản xuất, “nhưng cơm thì Bác chưa làm ra được” - Bác nói. Tôi hiểu, khi Bác nói câu ấy là Người đang nghĩ đến đất nước Việt Nam với hơn 80% dân số là nông dân, chúng ta phải có chế độ xứng đáng với họ. Cũng từ đó, tôi học được ở Bác chữ “kiệm” rất cụ thể. “Kiệm là khi cần người ta có thể không tiếc cả ngôi nhà nhưng nếu không cần thì một chút cũng không nên lãng phí” - cụ đúc kết.
Cũng có may mắn được gặp Bác nhiều lần là cụ Lê Văn Đường, 85 tuổi, cán bộ hưu trí thôn Lương Thọ 1, xã Hoài Phú (Hoài Nhơn), nguyên Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh (1976-1990). Năm 1955, cụ Đường là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, công tác tại Tổng Công đoàn Đường sắt Việt Nam. Trong thời gian này, cụ may mắn được gặp Bác 5 lần. Lời Bác dặn dò khi ấy vẫn còn làm cụ nhớ mãi: “Miền Nam hãy đoàn kết với miền Bắc để giúp đỡ nhau học tập và công tác tốt; vì miền Nam ruột thịt, một người hãy làm việc bằng hai”. Thấm nhuần lời Bác dạy, cụ Lê Văn Đường làm việc không mệt mỏi và năm 1961 cụ đã được nhận một phần thưởng cao quý: Bằng khen của Bác Hồ.
Với cụ Đường, điều làm cho cụ cảm phục nhất là Bác rất quan tâm đến đời sống công nhân, cán bộ, học sinh. Cụ kể: “Tôi nhớ hồi còn học ở Trường Tổng LĐLĐ Việt Nam, khi đến thăm, Bác không vào hội trường - nơi tổ chức đón tiếp Người - mà đi vào nhà bếp, nhà ăn. Bác xem xét điều kiện vệ sinh của nhà bếp, chất lượng bữa ăn của học viên”. Tình yêu thương bao la con người của Bác, đặc biệt là những người nghèo khổ, khó khăn đã theo cụ Đường suốt đời. Để đến lúc 73 tuổi - cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi - cụ nhận trách nhiệm làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hoài Phú và gắn bó đến 8 năm với công việc này, có nhiều đóng góp rất đáng ghi nhận, chỉ với một lý giải đơn giản: “Từ chỗ Bác Hồ dạy phải thương dân mà tôi làm”.
Yêu quý, kính phục Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập Người, cụ Lê Văn Đường còn lập một tủ sách mà Hồ Chí Minh là tác giả, sưu tầm hơn 320 bức ảnh cuộc đời của Bác Hồ và đóng thành tập. Ngoài ra, cụ còn làm nhiều sổ tay, ghi chép lại những lời dạy của Bác một cách ngắn gọn và chia ra từng chủ đề: Mỗi tuần làm một việc, Một số mẩu chuyện về Bác, Rèn luyện suốt đời...
2. Còn câu chuyện sau đây là về một người, cũng như bao người dân Việt Nam khác, yêu quý, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đó là cụ Nguyễn Văn Đồng, 82 tuổi, quê Quảng Ngãi, từng có thời gian trú tại tổ 7 KV 8, phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn). Cụ Đồng vốn chỉ là một người dân lam lũ bình thường và chưa từng qua trường lớp hội họa nào, nhưng đột nhiên cách đây 5 năm, cụ cầm cọ và chỉ vẽ hình Bác Hồ. Đến nay, số lượng tranh Bác Hồ của cụ Đồng đã hơn 100 bức.
Cụ Lê Văn Đồng có một cuốn vở ghi lại tất cả cảm xúc, suy nghĩ của mình về vị cha già kính yêu của dân tộc bằng những lời lẽ rất mộc mạc. Ông viết: “Tôi rất tâm đắc về Bác Hồ, bởi đó là người đã đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Tôi yêu thương và rất kính trọng Người. Lúc nào trong trí óc tôi cũng có hình ảnh Bác. Từ đó, tôi say mê và đem hết tâm huyết để vẽ Bác. Tôi nguyện khi nào trái tim mình còn thoi thóp thì vẫn còn có hình ảnh Bác...”. Và cụ nói thêm: “Nếu luôn nghĩ về Bác thì sẽ không bao giờ làm điều xấu”.
Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã vì nước quên mình, vì thế, người Việt Nam nói chung và người dân Bình Định nói riêng cũng yêu kính Bác như cái cách Người đã hết lòng vì dân, vì nước. Khi nghe Bác mất, bà Phạm Thị Đời, một người dân TP Quy Nhơn, đã nhờ người viết 2 tấm bài vị “Nguyễn Ái Quốc”, “Hồ Chí Minh” (đều bằng chữ Hán) để thờ. Cũng với tấm lòng ấy, bà Phạm Thị Biết, một cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng trong vùng địch, khi được một anh bộ đội tặng cho tấm tranh lụa vẽ hình Bác Hồ, đã coi như báu vật và cất giữ cho đến ngày giải phóng. Nhiều năm sau khi Bác mất, đồng bào huyện Vĩnh Thạnh đã lên rừng tìm những tấm gỗ lim đẹp nhất để chuyển ra Bắc góp phần xây Lăng Bác Hồ.
3. Bình Định là nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi ấy còn là chàng thanh niên đầy nhiệt huyết Nguyễn Tất Thành, đã ghé và lưu lại hơn 1 năm trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Mỗi địa danh ở Bình Định nơi Người từng lưu lại như vẫn còn đâu đây bóng dáng, bước chân Người. Này huyện đường Bình Khê (thị tứ Đồng Phó, xã Tây Giang, Tây Sơn) - nơi Bác đến thăm cha; này là Trường “Đốc học” ở thị trấn Bình Định (An Nhơn); này Trường Pháp - Việt Quy Nhơn, nhà ông giáo Phạm Ngọc Thọ (TP Quy Nhơn) - nơi Người ở để học thêm tiếng Pháp... Những địa điểm nói trên, dẫu dấu tích còn lại không nhiều nhưng đều rất quý giá đối với người dân Bình Định.
|