Tại Hội thảo chủ đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh” do Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19.5, thạc sĩ Lê Ngọc Danh đã phát biểu tham luận nhan đề: Thực hiện tốt nội dung “thường xuyên chăm lo củng cố quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân trong xây dựng Đảng” để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh. Có mặt tại Hội thảo, PV Báo Bình Định lược ghi dưới đây phần cuối ý kiến của ông.
…Cách mạng Việt Nam đang ở vào một giai đoạn đặc biệt, xã hội có nhiều biến đổi to lớn so với thời kỳ trước, làm nảy sinh một số vấn đề đáng chú ý trong công tác xây dựng Đảng. Trong đó cốt lõi là 2 vấn đề mở rộng dân chủ XHCN và xây dựng nhà nước pháp quyền.
|
Ảnh: Ngọc Hồng |
* Đẩy mạnh dân chủ hóa
Dân chủ là quyền làm chủ của nhân dân, có vai trò cực kỳ quan trọng đối với một thể chế chính trị. Nó có sức mạnh to lớn, là tiêu chí đánh giá một thể chế, một đường lối chính trị. Ở nước ta hiện nay, nhìn tổng thể, dân chủ phát triển không đồng đều giữa các nội dung dân chủ. Nguyên nhân có từ cả 2 phía: nhân dân và nhà nước. Về phía người dân, nhận thức về dân chủ còn nặng cảm tính; còn yếu về ý thức công dân nên dễ bị lợi dụng, kích động dẫn đến các hành động gây rối, vi phạm pháp luật. Có tình trạng dân chủ quá trớn, vi phạm quyền dân chủ của người khác… Về phía Nhà nước, thể chế pháp luật bảo đảm cho quyền dân chủ còn thiếu; một số cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền còn yếu cả về phẩm chất và năng lực; cơ chế vận hành chậm đổi mới. Chính vì vậy, Đảng phải kiên trì, giữ vững sự lãnh đạo đối với quá trình thực hiện dân chủ XHCN, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Và ngược lại, Đảng cũng phải dựa vào nhân dân, dựa vào những yêu cầu của xã hội để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó có 4 việc quan trọng là: thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp của nhân dân để dân thực sự biết, dân thực sự bàn, dân thực sự làm và dân thực sự kiểm tra; tuyển chọn được một đội ngũ cán bộ xứng đáng là những người lãnh đạo và là những người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tránh tình trạng khép kín trong công tác cán bộ; sớm hoàn chỉnh pháp luật và tăng cường thẩm quyền cho cơ quan chức năng nhằm chặn đứng tình trạng đặc quyền, đặc lợi của một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, nhất là trên lĩnh vực kinh tế; đổi mới hình thức tiếp dân mang tính chủ động hơn. Các cấp ủy có kế hoạch hàng tháng xuống cơ sở để tiếp xúc với nhân dân, kịp thời nắm tình hình, phát hiện những yếu kém của cán bộ, đảng viên. Hạn chế tính chủ quan, hình thức trong xây dựng Đảng là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
* Xây dựng nhà nước pháp quyền
Thuật ngữ “nhà nước pháp quyền XHCN” xuất hiện lần đầu tiên tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng khóa VII. Qua 4 nhiệm kỳ thực hiện, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN vẫn còn những hạn chế: bộ máy nhà nước chưa thực sự trong sạch, vững mạnh; quản lý nhà nước chưa thật sự ngang tầm với đòi hỏi của xã hội trong thời kỳ mới. Tổ chức bộ máy nhà nước vẫn còn cồng kềnh, phối hợp còn kém hiệu quả; mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý có lúc, có nơi chưa rõ… Vì vậy, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng nhà nước dân chủ XHCN Việt Nam qua đó góp phần xây dựng Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh, nâng cao được uy tín của Đảng đối với nhân dân, với toàn xã hội. Trước mắt cần thực hiện tốt 2 việc sau đây:
Một là, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước. Đối với Quốc hội, phải tăng tính hiệu quả trong tổ chức và phương thức hoạt động; tăng tính chuyên nghiệp và hiện đại của hoạt động Quốc hội, bảo đảm tính minh bạch và công khai. Đối với cơ quan hành chính nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia: cải cách về thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách nền tài chính công và nâng cao chất lượng (phẩm chất và năng lực) của đội ngũ CBCC nhà nước thông qua nhận xét, đánh giá của nhân dân. Đối với cơ quan tư pháp, phải thực hiện đúng các nguyên tắc trong hoạt động tư pháp: nguyên tắc độc lập, chỉ tuân thủ pháp luật của các chức danh tư pháp khi thực hiện quyền tư pháp; nguyên tắc trách nhiệm của các cơ quan, các chức danh tư pháp về những việc làm trái pháp luật của họ; nguyên tắc nhân dân tham gia, giám sát các hoạt động tư pháp; nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trước cơ quan tố tụng.
Hai là, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN gắn liền với việc phát huy cao hơn nữa vai trò tham gia của người dân xây dựng nhà nước, qua đó góp phần vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh. Thể hiện bằng việc tổ chức cho nhân dân tham gia sâu hơn trên các lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước; xây dựng các chính sách; đánh giá, nhận xét, chất vấn về hoạt động của bộ máy nhà nước, của các đại biểu được ủy quyền; thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, quyền đòi hỏi các cơ quan Nhà nước cung cấp những thông tin (theo quy định) để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra…
|