Thảo luận về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), hầu hết các đại biểu Quốc hội đều quan tâm góp ý về các quy định bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền nêu ý kiến, trong hoạt động của các TCTD, vấn đề an toàn hệ thống phải được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt trong dự Luật cần có những quy định ngăn chặn được các cơ hội cũng như hành vi lũng đoạn của nhóm cá nhân, tổ chức thao túng hoạt động của TCTD, gây rủi ro cho an toàn của hệ thống ngân hàng.
Nhiều đại biểu tán thành chủ trương hạn chế các hoạt động cấp tín dụng trong nội bộ một TCTD. Theo đó, TCTD không được cấp tín dụng cho người quản lý, người điều hành hoặc pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát của TCTD cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của TCTD.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đưa ra các quy định về hạn chế tỉ lệ góp vốn theo hướng một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD; cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD.
Có đại biểu không tán thành với quy định các ngân hàng thương mại trong nước được phép mua, nắm giữ cổ phiếu của các TCTD khác vì cho rằng việc sở hữu vốn đan chéo lẫn nhau trong khu vực ngân hàng làm tăng nguy cơ rủi ro hệ thống. Trong khi có ý kiến cho rằng, quy định này là cần thiết, làm tiền đề cho việc sáp nhập nhằm nâng cao năng lực tài chính của các TCTD nhưng phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ do Ngân hàng Nhà nước quy định…
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị, sau này, khi Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng cần có các quy định cụ thể về việc kê khai nguồn gốc tiền của các cá nhân, tổ chức góp vốn thành lập TCTD.
|