Cải cách nền hành chính phải được tiến hành trên cơ sở các nghị quyết và nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong cải cách hành chính (CCHC) phải xuất phát từ mục tiêu: xây dựng Nhà nước ta thành một “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và các quy chế phối hợp, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan và cả bộ máy nhà nước.
|
Ngành Hải quan đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.
- Trong ảnh: Hải quan Bình Định làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cho các đơn vị. Ảnh: Trần Hoa Khá |
Đến nay, CCHC đã đạt được những kết quả nhất định. Qua cải cách, hệ thống thể chế, luật pháp tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện, hình thành thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp hơn và bảo đảm ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước trong điều kiện mới. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Thể chế, luật pháp về quản lý tài chính công được tích cực xây dựng và từng bước hoàn thiện. Thủ tục hành chính và các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương từng bước được nâng cao.
Tuy vậy, nền hành chính nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém. Hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, vừa chồng chéo vừa không rõ ràng, tính ổn định không cao. Hệ thống pháp luật nước ta so với các nước chưa phải là nhiều nhưng do công tác pháp điển hóa của chúng ta còn hạn chế, nên khi áp dụng pháp luật chúng ta như lạc vào “rừng luật”, nhất là pháp luật về kinh tế thị trường, về đất đai, về thương mại... Trong quản lý hành chính, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan nhà nước chưa đủ rõ, vẫn còn chồng chéo, bỏ sót và chưa bao quát hết các lĩnh vực quản lý nhà nước; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chưa phù hợp.
Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước ta hiện nay còn một tỉ lệ không nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu của công việc. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Thể chế luật pháp về quản lý tài chính công tuy có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn bất cập và thiếu đồng bộ. Thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước chưa tương xứng với yêu cầu. Những yếu kém, hạn chế của CCHC đã làm cản trở tiến trình phát triển của đất nước.
Trước thực trạng này, CCHC phải tiến hành đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực: cải cách thể chế, pháp luật và thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính với mục tiêu: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại; đội ngũ cán bộ công chức có đủ phẩm chất, năng lực; hệ thống cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Để thực hiện được mục tiêu và các nhiệm vụ nói trên, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách nền hành chính; thực hiện đồng bộ CCHC với cải cách lập pháp. Vấn đề quan trọng hàng đầu của cải cách lập pháp hiện nay là thực hiện việc pháp điển hóa hệ thống pháp luật, tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng trong từng lĩnh vực và phải được cập nhật.
Để lãnh đạo cải cách nền hành chính thành công, Đảng đã có nhiều chủ trương tập trung chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá. Các cơ quan Nhà nước, nhất là Chính phủ đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện CCHC theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010, Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình tiếp tục CCHC giai đoạn 2010-2020.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về CCHC, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã và đang triển khai thực hiện các nội dung cải cách một cách nghiêm túc. UBND tỉnh đã có Quyết định số 155/2002/QĐ-UB ngày 30.10.2002, ban hành kế hoạch CCHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2002 – 2005; Quyết định số 100/2006/QĐ-UB ngày 20.9.2006, ban hành kế hoạch CCHC giai đoạn 2006 - 2010 và hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo thực hiện Quyết định 30/QĐ-TTg ngày 10.1.2007 của Thủ tướng về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010.
CCHC là công việc vừa cấp bách vừa lâu dài, đòi hỏi các cấp ủy đảng cần chỉ đạo cụ thể, chặt chẽ, sát đúng trên từng lĩnh vực. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến việc thực hiện công vụ mà đối với Bình Định, chúng còn là động lực cần thiết cho sự phát triển KT-XH mà mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh, nhất là Khu kinh tế Nhơn Hội.
(Trường Chính trị tỉnh) |