Năm học 2009-2010 là năm học đầu tiên thực hiện việc đánh giá, xếp loại học sinh (HS) tiểu học căn cứ vào điểm kiểm tra của học kỳ (HK) II theo Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT. Mặc dù mục đích của thông tư này là nhằm giảm áp lực điểm số đối với HS bậc tiểu học, nhưng kết thúc năm học 2009-2010, không ít giáo viên vẫn băn khoăn…
|
Đánh giá, xếp loại HS theo Thông tư 32 “có lợi” cho HS hơn. - Trong ảnh: HS Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn).
|
* HS khá, giỏi đều tăng
Kết thúc năm học 2009-2010, tỉ lệ HS đạt loại khá, giỏi của Trường tiểu học Ngô Mây (Quy Nhơn) - trường tiểu học có sĩ số HS đông nhất tỉnh (1.419 HS), lên đến 86,2%, cao hơn nhiều so với kết quả của năm học trước đó (58%). Theo ông Phạm Quảng, Hiệu trưởng nhà trường, thì tỉ lệ HS khá, giỏi tăng bởi cách tính điểm theo Thông tư 32 có lợi cho HS hơn: “Quy định chấm điểm mới cho phép làm tròn từ 0,5 thành 1 điểm, thì chỉ riêng bài kiểm tra môn tiếng Việt được làm tròn đến 3 lần (gồm đọc, viết và kiểm tra định kỳ). Với cách chấm điểm này thì HS không những đủ điều kiện lên lớp, mà còn dễ dàng đạt xếp loại từ trung bình lên loại khá, từ khá thành giỏi”.
Nói về tỉ lệ HS khá, giỏi của trường năm nay, cô Lê Thị Phương Đông, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Khuyến kể chuyện: “Hôm tôi thông báo với thầy hiệu trưởng rằng tỉ lệ HS khá giỏi của trường là 85,6%, thầy đã ngạc nhiên hỏi lại: Cao đến thế hả cô? Năm ngoái, tỉ lệ này chỉ 60%”.
Kết thúc năm học 2009-2010, năm đầu tiên thực hiện việc đánh giá, xếp loại HS theo Thông tư 32, nhìn chung tỉ lệ HS khá, giỏi ở các trường tiểu học đều tăng. Theo nhận định của các hiệu trưởng, do cơ chế cho điểm “thoáng” đã đẩy tỉ lệ HS đạt loại khá, giỏi tăng hơn so với những năm trước.
Một số giáo viên cũng cho biết, việc thực hiện tính điểm theo Thông tư 32 khiến công việc cuối năm của họ cũng “nhẹ nhàng” hơn nhiều. “Mấy năm trước, giờ này là bận tối mắt với cộng, chia điểm trung bình các HK, rồi từ đó mới tính điểm trung bình cả năm, thì nay chỉ căn cứ vào điểm làm bài kiểm tra học kỳ II…” - một giáo viên Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn) cho biết.
* ...vẫn băn khoăn
“Cách làm tròn điểm phần nào đã không đánh giá đúng thực lực của HS. Chẳng hạn như trường chúng tôi, tỉ lệ HS khá giỏi như vậy là hơi cao, nếu đúng thực chất chỉ khoảng 65-70%. HS trung bình chỉ 11,7% là thấp, chưa phản ánh đúng thực lực của HS. Tôi cho rằng, đánh giá HS là phải đánh giá cả một quá trình phấn đấu rèn luyện toàn diện chứ không thể trông vào mỗi một kỳ thi…” - ông Quảng băn khoăn.
Một phó hiệu trưởng (xin được giấu tên) dẫn chứng thêm: Đợt kiểm tra HK II vừa qua, Trường có một số trường hợp HS học giỏi, nhưng khi làm bài kiểm tra do sức khỏe không đảm bảo hoặc sơ sẩy, khiến một môn thi chỉ đạt điểm trung bình hoặc khá, kéo theo kết quả xếp loại học lực cả năm cũng bị tụt hạng theo. Và cũng có những trường hợp ngược lại. Nhưng đáng tiếc nhất là trường hợp những HS lớp 5 đã 4 năm liền luôn được xếp loại HS giỏi, có một bài kiểm tra đạt điểm hạng trung bình hoặc khá thì năm học cuối không được xếp loại giỏi. “Nhiều phụ huynh thắc mắc và chúng tôi đã giải thích, song có người tỏ ra không thông suốt. Nếu tính điểm theo thông tư cũ (điểm chung các HK cộng lại chia đôi) thì các HS này đỡ thiệt thòi hơn. Với HS lớp 5, đề bài kiểm tra do Phòng GD-ĐT ra, nên cũng khó mà đề nghị cho các em kiểm tra lại…” - cô phó hiệu trưởng nói.
Trong Thông tư 32 cũng có quy định: Đối với những trường hợp HS có điểm kiểm tra định kỳ bất thường so với kết quả học tập hàng ngày thì được kiểm tra bổ sung. Tuy nhiên, một hiệu trưởng cho rằng, chỉ khi nào giáo viên chủ nhiệm hoặc phụ huynh đề nghị được kiểm tra thì mới tổ chức cho thi lại. “Người ta chỉ ý kiến khi điểm thấp, chứ mấy ai ý kiến khi điểm cao bất thường đâu…” - ông nói.
Một số hiệu trưởng khác cho biết, sau kết quả kiểm tra HK II, trường đã tổ chức cho số HS thi lại khi thấy điểm số bất thường. Tuy nhiên, trường hợp này cũng không nhiều lắm. Ông Võ Văn Ẩn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền, cho biết: “Khi thấy một số HS học trung bình, khá nhưng bài kiểm tra đạt điểm giỏi, hoặc ngược lại, chúng tôi đã cho kiểm tra lại ngay. Kết quả chấm điểm lần này đã phản ánh đúng thực lực học của HS”.
Một số giáo viên tiểu học cho rằng việc đánh giá, xếp loại HS dựa vào kết quả kiểm tra của học kỳ II sẽ khó tạo động lực cho HS phấn đấu cho cả một năm học. Các em học tập dễ lơ là trong HK I, nhưng lại “cuống cuồng” cho HK II. Trong khi tâm lý của HS tiểu học là thích chơi hơn học, chưa có ý thức tích lũy kiến thức. Chính giáo viên cũng phải chịu áp lực lớn… vì sợ HS sơ sẩy, làm bài không tốt ảnh hưởng đến kết quả thi đua của lớp, ảnh hưởng đến thành tích của chính mình…
Một số phụ huynh tâm sự, trong kỳ kiểm tra HK II họ cũng bị áp lực, lo lắng, sợ con làm bài thi không tốt…
|
|