Con gái - Phần cứng và phần mềm
7:18', 30/5/ 2010 (GMT+7)

Vì nhiều lý do, trong đó có đặc điểm công việc ít phù hợp với giới tính, không nhiều nữ sinh viên ngành công nghệ thông tin ra trường đi làm đúng với ngành đã được học, dù đó là một công việc thú vị. Những cô gái gắn bó với nào phần cứng, phần mềm, lập trình, đồ họa... trở thành những bông hoa ẩn chứa nhiều bí mật.

 

Công việc liên quan đến công nghệ thông tin đòi hỏi người làm phải tập trung cao độ và luôn cập nhật kiến thức mới. Ảnh: M.K

 

* “Em sửa máy”!

Những ngày đầu tiên nhận công việc tại nơi làm mới, đúng với chuyên môn ngành công nghệ thông tin đã được học, Tuyết Anh - công tác tại một bưu điện huyện trong tỉnh - mua ngay xe tay ga. Chẳng phải Tuyết Anh mê xe tay ga hay để “ăn mừng” sự kiện này, mà điều đó xuất phát từ thực tế công việc: chị được giao phụ trách chính phần cứng, tức sửa chữa máy vi tính. “Mình phải chạy xuống các điểm bưu điện ở xã để sửa máy. Đường thì giồng xóc, đa số máy phải mang về cơ quan mới có đầy đủ thiết bị để sửa, nên đi xe tay ga để có chỗ đặt máy ở sàn xe phía trước, chở cho tiện thôi mà - Tuyết Anh giải thích. Mà nếu không đi xe tay ga thì chỉ riêng một chuyện nhỏ xíu là chở máy vi tính sau xe máy sao cho không… rớt thôi cũng đã là một kỹ năng của riêng dân trong nghề rồi, chứ chẳng chơi”. Vì phụ trách phần cứng nên bất kỳ khi nào máy móc hư là Tuyết Anh lại lên đường, cho dù đó là ngày cuối tuần và nhà cách cơ quan hơn 10km.

Còn với Trân, dù không có chức danh IT nhưng một phần công việc chính của chị ở một công ty cổ phần tại Quy Nhơn liên quan mật thiết đến công nghệ thông tin. Học ngành công nghệ thông tin, nhưng sau nhiều lần chuyển chỗ làm, Trân mới được làm đúng chuyên môn của mình. Tuy nhiên, Trân không thấy tiếc mà quan điểm của chị là có thể ứng dụng kiến thức mình học trong nhiều lĩnh vực, bởi ngày nay công nghệ số đã trở nên phổ biến.

Công việc hiện tại của Trân liên quan tin học là tải nội dung lên website của doanh nghiệp, thỉnh thoảng cũng phải sửa chữa những hỏng hóc nho nhỏ liên quan đến phần cứng. Trân cười kể: “Có lúc mọi người trong công ty thấy tôi khệ nệ ôm máy tính leo cầu thang, hay tháo tung cái máy ra, họ ngạc nhiên hỏi: Em làm gì vậy? Trả lời: Em sửa máy. Họ mắt tròn mắt dẹt: Con gái mà cũng sửa máy hả?”.

Còn ở nhà, Trân rất có “uy tín” bởi nhà toàn đàn ông con trai nhưng không ai biết về máy móc. Vậy nên hễ máy vi tính, máy photocopy mà hư, hay khi cần nối mạng máy tính, (nhà chị Trân thành lập doanh nghiệp) là mọi người í ới gọi chị và “bóng hồng” lại ra tay.

* ... Và quên đón con

Đặc điểm của công việc liên quan đến công nghệ thông tin là đòi hỏi phải tập trung cao độ, sự năng động, sáng tạo, và một điều quan trọng là phải luôn cập nhật kiến thức mới, nếu không muốn tụt hậu. Chị Thanh Mai, từng có thời gian phụ trách khâu lập trình trong một doanh nghiệp lớn ở Quy Nhơn kể, chị rất tâm đắc khi có lần đi nhà sách và bắt gặp một ông lão bạc tóc đang mua sách lập trình tin học.

Với phụ nữ làm trong ngành công nghệ thông tin, thuận lợi dễ thấy nhất là phù hợp với sức khỏe, bởi công việc không đòi hỏi di chuyển nhiều, nên rất tiện trong lúc mang bầu, có con nhỏ. Tuy nhiên, cũng chính từ yêu cầu phải luôn cập nhật kiến thức mới mà những phụ nữ đã có gia đình, có con nhỏ lại gặp nhiều khó khăn trong nghề nghiệp. Chị Tuyết Anh kể: “Khi có con, tôi không còn thời gian rảnh rỗi để lên mạng, đọc sách học hỏi thêm, khó có điều kiện tập trung cao độ cho công việc”.

Chị Trân cũng so sánh: “Lúc trước, khi một công nghệ mới ra đời, mình có thể vô tư bỏ tiền túi mua sách hay một món gì đó liên quan và dành trọn thời gian để nghiên cứu nó. Nhưng giờ thì phải cân đo đong đếm để cân đối với quỹ thời gian và các khoản chi tiêu của gia đình, con cái”.

Chị Thanh Mai cũng cùng nhận xét khi cho biết, có những lúc, mải tập trung cho công việc, chị trễ giờ đón con hay quên bẵng việc gia đình, cơm nước. May là chồng chị hiểu công việc của vợ nên không phiền trách nhiều, bởi anh từng có… kinh nghiệm từ thời hai người còn yêu nhau. Hồi đó, không dưới một lần, anh đến đón chị ở cơ quan, chị nhắn “Chờ em một chút”. Và “một chút” ấy của chị kéo dài đến cả tiếng đồng hồ, mà chính chị khi “tỉnh” việc cũng ngỡ ngàng.

Dẫu vậy, những phụ nữ gắn bó với công nghệ thông tin như kể trên đều rất đam mê nghề nghiệp của mình và luôn ý thức khắc phục những hạn chế do điều kiện gia đình. Bởi hơn là một công việc, đó còn là niềm say mê, niềm tự hào về công việc và nghề nghiệp - một nghề mang tính hiện đại và luôn đòi hỏi người theo nó phải không ngừng tiến lên phía trước.

  • Minh Khương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT  (29/05/2010)
Cháy tại HTX nông nghiệp Đệ Đức  (29/05/2010)
Các giải nhất thuộc về 2 trường Tiểu học và THCS Lê Hồng Phong  (29/05/2010)
Xử lý thành công ca nhồi máu cơ tim nặng ở bệnh nhân trẻ tuổi  (29/05/2010)
Máy bay quân sự rơi, phi công thoát nạn  (29/05/2010)
Nên trẻ hóa đội ngũ cán bộ  (28/05/2010)
Xây dựng Đảng là yêu cầu thường xuyên   (28/05/2010)
Ở một đảng bộ “Trong sạch - vững mạnh tiêu biểu”  (28/05/2010)
Tổng kết chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm  (28/05/2010)
Tổ chức Đại lễ Phật đản PL. 2554  (28/05/2010)
Đẩy mạnh xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em  (27/05/2010)
Hàng năm có trên 80% học sinh đạt khá, giỏi  (27/05/2010)
Kỷ niệm 123 năm ngày mất nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng  (27/05/2010)
Bộ GD-ĐT kiểm tra việc chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ  (27/05/2010)
Vui mùa Phật đản   (26/05/2010)