Nắng đứng bóng. Đứng trên cầu Hà Thanh nhìn xuống, từng dáng người lẻ loi giữa bãi cát mênh mang. Cặm cụi, tỉ mẩn, họ đào từng con phễnh nhỏ bé nằm dưới lớp cát bùn. Cuộc mưu sinh của những phận nghèo vẫn nhọc nhằn theo con nước đầy vơi…
|
Người đào phễnh dưới chân cầu Hà Thanh 2.
|
* Phễnh ngọt ngon...
Phễnh là một đặc sản của ngày hè, thường mỗi tháng chỉ được “ăn” phễnh 2 lần vào giữa và cuối tháng. Người đào phễnh canh con nước ròng, bắt đầu xuống bến sông từ 12 giờ trưa, kết thúc công việc lúc nhập nhoạng tối.
Người đào phễnh rành nghề thường “chê” phễnh đực vì phần ruột rất bé. Phải sành và tinh tường mới nhận ra phễnh đực, chúng nhỏ và lép hơn. Theo kinh nghiệm của bà Phạm Thị Cảnh (KV 6, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), phễnh nảy nở sinh sôi tại những mé nước, bùn dày; nhưng khi lớn lên, chúng di chuyển về những doi đất cao và khô hơn. Ở nơi mé đầm, biển, tuy phễnh dày nhưng nhỏ và non. Ở nơi cao ráo hơn, thủy triều rút, mặt cát tương đối khô, đi không bị lún bết, có nhiều tảng đất sét, đá sỏi, các loại ốc gạo, trai trú ngụ dày đặc là nguồn thức ăn dồi dào cho phễnh; do vậy phễnh thường to bằng ngón chân cái. “Không nơi nào có phễnh thơm ngon bằng phễnh ven đầm Thị Nại, sông Hà Thanh. Phễnh mập, chắc, thịt béo và thơm ngon”- bà Cảnh tự hào nói về đặc sản vùng đầm quê mình.
|
Đào phễnh góp phần cải thiện cuộc sống cho những người lao động nghèo.
|
Đồ nghề của người đào phễnh khá đơn giản: vá đào, rổ, bịch nilon hoặc giỏ xách để đựng phễnh. Phễnh đào xong phải đãi cho sạch cát. Phễnh lớn để ăn, nhỏ thì để làm thức ăn nuôi tôm, nuôi vịt. Bà Chín (KV 6, phường Đống Đa) kể: “Phễnh bây giờ vừa ít, lại nhỏ, chẳng bù cho mấy năm trước, phễnh xếp lớp, con nào con nấy to gần bằng ngón chân cái. Dù vậy, do người nuôi tôm, nuôi vịt ngày càng nhiều, nên phễnh cũng có giá, mấy năm trước loại phễnh chó chỉ vứt đi, giờ bán cũng được tiền”.
Không chỉ có phễnh, lẫn trong bùn cát còn có vẹm, xìa, ốc… là những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài những người chuyên đào phễnh, đào xìa để bán, cũng có không ít người tranh thủ lúc rỗi ra bờ sông kiếm ít đồ nấu canh, nấu cháo. Chỉ mùa nước cạn, trong vài giờ từ giữa trưa đến xế chiều, khi thủy triều rút, những món quà của thiên nhiên này mới lộ diện, bình thường phải lặn ngụp khó khăn mới có…
* Mồ hôi đổ xuống...
Đã hơn 2 giờ chiều, nắng vẫn bỏng rát. Lòng sông Hà Thanh nước đã rút hẳn, lộ ra một bãi đất bùn rộng lớn, đen sì. Gió nam lồng lộng đượm một mùi tanh đặc trưng của sông nước. Đã có thời, bờ sông dưới chân cầu Hà Thanh bị ô nhiễm nặng. Sau khi cầu mới đi vào hoạt động, con nước thông nên cát cũng sạch hơn.
Người đào phễnh dùng chiếc vá đào xuống mặt đất sâu chừng nửa gang tay, cặm cụi móc từng con phễnh bỏ vào chiếc rổ hay bịch nilon để bên cạnh. Đất cát dưới chân họ xới tung lên thành khoảnh lớn. Để lấy được phễnh ở mép sông, cần dùng thuổng đào sâu xuống lớp đất bùn, mệt nhọc, vất vả hơn. Cũng có những người bắt phễnh dưới lòng sông. Họ thường đi từng đôi, một người xúc, người kia sàng phễnh, làm từ lúc con nước xuống đến lúc nước lên, có khi kiếm được cả trăm ngàn đồng. Tuy được nhiều tiền, nhưng cực và nguy hiểm hơn; do ngâm mình dưới nước lâu, tối về tay chân rã rời, nhiều khi bị hàu cắt, hay đạp phải mảnh sắt, mảnh chai chảy máu là chuyện thường.
|
Từ 12 giờ trưa, Phương đã theo chị ra bờ sông, cặm cụi đào phễnh.
|
Những ngày này, bãi sông gần chân cầu Hà Thanh 2 thường có hơn hai chục người, đa số là phụ nữ, ngồi nhẫn nại đào từng vốc cát, tay nhặt lấy từng con phễnh. Có người cẩn thận bao tay, có người cứ tay không mà đào tới, quần áo người nào cũng nhèm nhẹp nước bùn. Tuy không phải là một nghề chính, song đào phễnh vẫn có sức hút đối với những người lao động nghèo, góp phần cải thiện cuộc sống. Chị Võ Thị Hiến, 36 tuổi, ở KV 4, phường Nhơn Bình, chia sẻ: “Nghề chính của tôi là làm muối. Năm nay muối rớt giá thê thảm quá, nên tôi phải xoay xở đủ đường. Mấy chị em gần nhà rủ nhau đi đào phễnh, kiếm thêm đồng ra đồng vào”.
Trong những người đào phễnh tôi gặp chiều ấy, có lẽ Nguyễn Đức Phương, ở KV 4, phường Nhơn Bình, là nhỏ tuổi nhất. Cậu bé mới 12 tuổi ấy là con út trong gia đình có 3 chị em, ba đi đánh lưới, mẹ làm muối. Từ 12 giờ trưa, em cùng chị gái học lớp 7 đã đến triền sông, đôi tay nhỏ xíu cũng thoăn thoắt đào. Dưới cái nắng gay gắt đầu mùa, thân hình nhỏ bé như thu lại. Phương ngồi bệt xuống đất bùn, cặm cụi đào, nói chuyện mà chẳng ngẩng mặt lên. Phương bảo, mỗi chiều em đào liên tục trong 5 tiếng, được gần 5 kg, bán với giá 8.000-10.000 đồng/kg, em có hơn 40.000 đồng, đưa cho mẹ chạy cơm, vừa để dành cho năm học mới.
* * *
Chia tay triền sông đầy nắng và gió mặn, tôi cứ ám ảnh mãi câu chuyện về cậu học trò nhỏ. Phương kể, năm nào em cũng đạt học sinh giỏi. Em sẽ cố gắng làm việc để có tiền đi học, để mai này được làm thủ tướng như vẫn ước mơ…
|