Sáng tạo nâng cao chất lượng dạy nghề
21:2', 2/6/ 2010 (GMT+7)

Phong trào sáng tạo, tự làm các thiết bị dạy nghề của giáo viên các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng một phần trang thiết bị còn thiếu; góp phần tiết kiệm và nâng cao chất lượng dạy nghề.

 

Thầy giáo Lê Hoàng đang thuyết trình thiết bị “Bàn thử kim phun xăng điện tử” tại Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp tỉnh năm 2010.

 

* Sáng chế để tiết kiệm

Từ khi thiết bị mang tên “Bàn thử kim phun xăng điện tử” của thầy giáo Lê Hoàng (Trường cao đẳng Nghề Quy Nhơn) ra đời, học viên khoa Công nghệ ô tô của trường có được những tiết học thực hành sinh động. Thiết bị thực hành này được xem là một mô hình đa năng, ứng dụng vào giảng dạy như các thiết bị thực tế, giảm khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.

Nói về sự ra đời của thiết bị, tác giả Lê Hoàng cho biết: “Ý tưởng về một thiết bị thực hành công nghệ ô tô đã nhen nhóm trong tôi từ lâu. Ngành ô tô đang phát triển mạnh, ô tô đời mới ứng dụng rộng rãi công nghệ điện tử trong điều khiển ô tô nói chung và đặc biệt là trong hệ thống phun xăng-đánh lửa điện tử. Qua thực tế dạy học và lao động sản xuất, chúng tôi nhận thấy cần có một phương tiện dùng để thử, kiểm tra kim phun xăng điện tử. Điều kiện trang thiết bị của xưởng thực hành ở trường còn thiếu trong khi ngoài thị trường chưa có loại đồ dùng có tính năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đặt ra. Sau một thời gian nghiên cứu, chúng tôi tiến hành làm thiết bị “Bàn thử kim phun xăng điện tử” nhằm mục đích đo được lưu lượng phun của từng kim phun, xác định được góc phun và chất lượng phun”.

Thầy Hoàng cho biết thêm, thiết bị này có ưu điểm không sử dụng bơm xăng mà sử dụng khí nén để đưa xăng đến kim phun nên an toàn; tránh được hiện tượng bơm xăng bị kẹt không quay được do ít sử dụng; thiết bị gọn nhẹ, dễ quan sát, dễ sử dụng.

Sáng chế trên đã được Hội đồng giám khảo Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm năm 2010 của tỉnh đánh giá là mang tính khoa học - kỹ thuật cao. Vì những lý do đó mà thiết bị “Bàn thử kim phun xăng điện tử” đã đạt giải Nhất cá nhân và được chọn tham dự Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ III - năm 2010.

Ông Ngô Xuân Thủy, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Quy Nhơn, cho biết: “Phong trào sáng tạo tự làm thiết bị dạy nghề của nhà trường bắt đầu cách đây 10 năm, khi lần đầu tiên trường tham gia hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc đạt một giải Nhất. Từ đó, mỗi năm nhà trường đều có 10 đến 15 thiết bị dạy nghề tự làm của các giáo viên, giúp tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng tiền mua thiết bị dạy nghề. Những sáng chế này khi áp dụng vào đào tạo đều sát với nhu cầu thực tế, nên học viên ra nghề có thể bắt tay vào làm việc ngay”.

 

Nhiều thiết bị dạy nghề tự làm đã được đưa vào giảng dạy tại Trường cao đẳng Nghề Quy Nhơn.

 

* Khuyến khích phát huy

Việc đào tạo công nhân, kỹ sư vận hành sản xuất trong công nghiệp ở các trường thường học nhiều lý thuyết, ít thực hành vì điều kiện thực hành rất khó. Nếu có, người học cũng chỉ được thực hành một cách riêng lẻ từng hệ thống, không đầy đủ nên giữa việc học và ứng dụng vào thực tế vẫn còn một khoảng cách khá xa. Xuất phát từ thực tế đó và nhu cầu giảng dạy tại Trường cao đẳng Nghề Cơ điện-Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, nhóm tác giả Khoa Kỹ thuật điện đã nghiên cứu, chế tạo ra “Mô hình hệ thống dây chuyền tự động hóa sản xuất”. Đây là thiết bị được chế tạo trên cơ sở nhu cầu thực tế sản xuất trong công nghiệp với các dây chuyền và thiết bị tự động hóa cao. Nhóm tác giả cho biết: Tự động hóa quá trình sản xuất đóng một vai trò quan trọng và ngày càng phát triển, bên cạnh đó, tự động hóa dây chuyền sản xuất ngày càng đòi hỏi tính phức tạp, nhiều tính năng công nghệ cao nhằm giám sát và nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm bớt nhân công. Vì vậy thiết bị này ra đời đã nâng cao chất lượng  đào tạo và đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Thiết bị “Cải tiến máy hàn tự động dưới lớp thuốc bảo vệ” của hai tác giả Đặng Công Trứ và Lý Xuân Hàn (Trường cao đẳng Nghề Quy Nhơn), vốn chỉ có chức năng hàn đường thẳng nay có thêm hai chức năng là hàn ống trụ và hàn vòng tròn. Thiết bị được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, như: cơ khí chế tạo, đóng tàu, gia công kèo sắt, nhà tiền chế…

Theo bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Trưởng ban tổ chức Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm tỉnh năm 2010, trong điều kiện kinh phí dành cho việc mua sắm trang thiết bị của các trường dạy nghề còn hạn chế như hiện nay, những thiết bị tự làm có giá thành thấp nhưng cho hiệu quả dạy và học cao, đáp ứng nhu cầu xã hội là điều mà tỉnh đang khuyến khích đội ngũ giáo viên của các trường dạy nghề phát huy tối đa.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều doanh nghiệp tuyển lao động số lượng lớn  (02/06/2010)
Tự sản xuất nước tinh khiết  (02/06/2010)
Công an Bình Định đoạt giải Ba toàn đoàn  (02/06/2010)
Cụm thi Quy Nhơn đã bố trí các địa điểm thi  (02/06/2010)
20 tác phẩm đạt giải thưởng báo chí tỉnh Bình Định năm 2010  (02/06/2010)
Bắt đầu tiêm chủng vắc xin “5 trong 1” cho trẻ  (02/06/2010)
Chính thức đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên  (02/06/2010)
46 thí sinh vắng mặt, đề thi vừa sức  (02/06/2010)
Du lịch “giải nhiệt” mùa hè  (01/06/2010)
Nhiều hoạt động nhân ngày 1.6  (01/06/2010)
UBND tỉnh tiếp chỉ huy tàu USNS Mercy và tàu Kunisaki  (01/06/2010)
Ngày 2.6, 25.277 thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010  (01/06/2010)
VSA ưu tiên hỗ trợ phát triển sinh kế nông thôn và giáo dục chuyên biệt  (31/05/2010)
Tàu bệnh viện USNS Mercy (Hoa Kỳ) đến Bình Định  (31/05/2010)
Tất cả đã sẵn sàng  (31/05/2010)