CHỐNG THAM NHŨNG TRONG ĐỀ BẠT, BỔ NHIỆM CÁN BỘ:
Công khai, minh bạch là phương thuốc đặc trị
10:25', 4/6/ 2010 (GMT+7)

Thời gian gần đây, nhiều cuộc hội thảo quốc tế về chống tham nhũng ở nước ta đã được tổ chức. Gần đây nhất là hội thảo về chống tham nhũng trong giáo dục sau khi đã làm tương tự với lĩnh vực y tế, mua sắm tài sản công… Qua thông tin từ các hội thảo này, có thể rút ra một điều: tham nhũng vẫn là một trong những “vấn nạn” nhức nhối và là một “căn bệnh kinh niên” khó trị, do nó diễn ra ở mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là ở những ngành liên quan đến cuộc sống của người dân, đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp như: quản lý đất đai, xây dựng, xin giấy phép...

Thế nhưng, thực tế cũng cho thấy đó mới chỉ là dạng tham nhũng mang tính “phổ thông”, ở cấp độ “đời thường”. Trong xã hội còn tồn tại một thứ tham nhũng ở mức độ cao, tinh vi hơn. Đó là nạn “chạy chức, chạy quyền” trong guồng máy quyền lực của Nhà nước do những kẻ thoái hóa biến chất gây ra.

Việc chạy chức là hậu quả của cơ chế xin-cho trong công tác tổ chức cán bộ, là hệ quả tất yếu của nạn bè phái, phe nhóm “cánh hẩu” với nhau. Một khi người đề bạt và người được thăng chức coi việc đề bạt như một điều kiện để nâng cao quyền lực, hưởng thụ bổng lộc cao hơn, chứ không phải để cống hiến cho xã hội nhiều hơn thì tham nhũng trong việc bổ nhiệm cán bộ sẽ dễ diễn ra. Trong trường hợp này, người ta sẽ chỉ cất nhắc, đề bạt những người nằm trong “ê-kíp” của mình dù cho người đó không có năng lực… Không ít trường hợp, khi đề bạt cán bộ cho một chức danh nào đó đã xảy ra tình trạng đấu đá, tố cáo lẫn nhau gây mất đoàn kết nội bộ trầm trọng chỉ vì… “xung đột lợi ích” giữa các phe nhóm với nhau.

Chính vì thế mà vấn nạn chạy chức, chạy quyền đã từng là chủ đề khá nóng bỏng được đề cập tại diễn đàn Quốc hội. Theo đánh giá của không ít đại biểu, đây là một hiện tượng mà dư luận xã hội không thể không quan tâm. Nó cho thấy trong hệ thống quyền lực công đang vận hành đã và đang diễn ra một hiện tượng “rất không bình thường”. Đó là việc có những công chức trong bộ máy công quyền không coi công vụ là một việc làm để hưởng lương, để phục vụ xã hội, mà coi đó là điểm tựa, là vị trí, là điều kiện và thời cơ “vàng” để mưu lợi riêng... Không những thế, nó có nguy cơ trở thành một thảm họa một khi người ta coi chạy chức, chạy quyền là một khoản… “đầu tư” siêu lợi  nhuận (!).

Đây mới là thứ tham nhũng thật đáng sợ hơn, vì nó như một thứ “vi rút” biến thể, có “độc lực” rất ghê gớm, trở thành “căn bệnh di căn” khi có khả năng hủy hoại đạo đức công chức và vô hiệu hóa hiệu lực quản lý của chính quyền.

Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chạy chức chạy quyền trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ điều cần thiết là phải thực hiện công khai, minh bạch về tiêu chuẩn chức danh, nhu cầu nhân sự. Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế cho nhiều ứng viên cạnh tranh một vị trí lãnh đạo và các ứng viên này phải lên kế hoạch, trình bày chương trình hành động trước những người bỏ phiếu.

Mặt khác, cần phát huy trách nhiệm đóng góp của tập thể để làm minh bạch quá trình đề bạt, chọn lựa cán bộ. Lâu nay, các cách làm này hầu như chưa được thực hiện trong công tác tổ chức cán bộ ở nước ta. Nếu không cải tiến công tác tổ chức cán bộ theo hướng đề bạt cán bộ công khai, minh bạch và không phát huy vai trò giám sát của người dân, của các cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội thì khó ngăn chặn được nạn chạy chức chạy quyền.

Để chống tham nhũng trong việc bổ nhiệm cán bộ, phải tôn trọng tiếng nói của các tổ chức xã hội và người dân. Đồng thời, không thể để tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi trong cơ cấu tổ chức quyền lực. Cần phải có một cơ chế để đảm bảo cho nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, dù là đảng viên hay không đảng viên, cán bộ cao cấp hay cấp thấp. Thậm chí rất cần có chế tài mà theo đó, nếu cấp càng cao mà vi phạm thì lại xử càng... nặng thì mới có thể đẩy lùi tham nhũng triệt để.

  • Vũ Thanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cố gắng nhưng còn hạn chế  (03/06/2010)
Không có thí sinh vi phạm quy chế thi  (03/06/2010)
Rút tên 7 đơn vị ra khỏi danh sách gây ô nhiễm môi trường  (03/06/2010)
Nhân sự mới  (03/06/2010)
Phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng  (03/06/2010)
Hỗ trợ 80 đàn piano kỹ thuật số cho các trường tiểu học  (02/06/2010)
Chây ì trách nhiệm bồi thường - vì sao?  (02/06/2010)
Sáng tạo nâng cao chất lượng dạy nghề  (02/06/2010)
Nhiều doanh nghiệp tuyển lao động số lượng lớn  (02/06/2010)
Tự sản xuất nước tinh khiết  (02/06/2010)
Công an Bình Định đoạt giải Ba toàn đoàn  (02/06/2010)
Cụm thi Quy Nhơn đã bố trí các địa điểm thi  (02/06/2010)
20 tác phẩm đạt giải thưởng báo chí tỉnh Bình Định năm 2010  (02/06/2010)
Bắt đầu tiêm chủng vắc xin “5 trong 1” cho trẻ  (02/06/2010)
Chính thức đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên  (02/06/2010)