Thí điểm đại hội đảng bộ trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy:
Bước đột phá trong lựa chọn, sử dụng cán bộ
22:21', 4/6/ 2010 (GMT+7)

Mặc dù mới ở giai đoạn thực hiện thí điểm, song chủ trương đại hội đảng bộ trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy bước đầu đã tạo một sinh khí mới trong bầu cử của hệ thống Đảng, góp phần tăng cường sự vững mạnh của hệ thống chính trị cơ sở.

Ở Bình Định, thực hiện Thông báo số 210-TB/TW ngày 22.12.2008 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 24-HD/BTCTW ngày 6.3.2009 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện chủ trương đại hội cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chọn 20 đảng bộ cơ sở để thực hiện thí điểm. Đến ngày 22.4.2010, cả 20 đảng bộ cơ sở này đã tổ chức xong đại hội. Có 2 đảng bộ tổ chức đại hội đại biểu (xã Phước Sơn (Tuy Phước) và phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn).

 

Kết nạp đảng viên mới để không ngừng xây dựng Đảng vững mạnh.

- Trong ảnh: Lễ kếp nạp đảng viên mới tại Trường THPT số 2 An Lão. Ảnh: Văn Lưu

 

Dù chỉ thí điểm có 20 tổ chức cơ sở đảng song việc đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đã phát huy nhiều mặt tích cực, trở thành khâu đột phá trong quá trình đổi mới công tác cán bộ; là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng.

Trước hết, việc đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đã khắc phục được tình trạng cấp dưới ỷ lại cấp trên còn cấp trên trực tiếp lại bao biện, làm thay cho cấp dưới, thậm chí có trường hợp định hướng cấp dưới bầu những người không đủ tiêu chuẩn, ít được tín nhiệm vào ban thường vụ, bí thư, phó bí thư. Mặt khác, trong điều kiện trình độ nhận thức và ý thức của đại biểu dự đại hội ngày càng nâng cao, nhu cầu dân chủ trực tiếp đang trở thành một xu thế tất yếu.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện hiệu quả việc bầu cử trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư?

Điều đáng ghi nhận qua 20 đại hội thí điểm ở Bình Định là công tác nhân sự được chuẩn bị rất chu đáo. Ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng quán triệt nghiêm túc các tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng cho ban chấp hành đảng bộ. Nhiều nơi đề ra tiêu chuẩn cho cấp ủy viên phải đảm bảo tốt nghiệp THPT và có trung cấp chuyên môn hoặc trung cấp chính trị trở lên. Trên cơ sở danh sách quy hoạch và rà soát bổ sung nguồn nhân sự đã được ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp phê duyệt, ban thường vụ tổ chức lấy ý kiến tham gia giới thiệu của đảng viên ở các chi bộ về nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư và các phó bí thư. Sau khi tổng hợp ý kiến giới thiệu của đảng viên từ các chi bộ trực thuộc, ban thường vụ báo cáo kết quả bước đầu cho ban chấp hành để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các chức danh về nhân sự, đồng thời tổ chức lấy ý kiến tham gia của đại diện Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương về nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, các phó bí thư. Sau đó, ban thường vụ đảng ủy tổng hợp đề xuất, báo cáo ban chấp hành đảng bộ thảo luận, biểu quyết (bằng phiếu kín thông qua danh sách giới thiệu nhân sự cấp ủy và các chức danh), báo cáo xin ý kiến ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo.

Thực hiện Kế hoạch số 36-KH/TU về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 37/CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, tính đến ngày 3.6, toàn tỉnh đã có 470 trong tổng số 880 tổ chức cơ sở đảng tổ chức xong đại hội, đạt tỉ lệ 53,41%. Các tổ chức cơ sở đảng còn lại phấn đấu đại hội xong trong tháng 6.

Rõ ràng với việc bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, các phó bí thư được các đảng bộ cơ sở thực hiện chặt chẽ hơn, dân chủ và công khai hơn; tạo sự thống nhất cao trong toàn đảng bộ. Nhờ vậy, khi bầu ban thường vụ, các đại hội điểm ở Bình Định đều bầu một lần; các nhân sự chủ chốt tái cử và mới bổ sung đều trúng cử. Bầu chức danh bí thư có nhiều người đạt tỉ lệ phiếu 100%. Với chức danh phó bí thư, một vài đảng bộ dự kiến nhân sự phó bí thư nhưng lại không trúng vào ban thường vụ… Đó cũng là dấu hiệu tốt trong quá trình đổi mới và hoàn thiện chế độ bầu cử trong Đảng.

Tuy nhiên, do quy định tổ chức đại hội cấp đảng bộ cơ sở không hơn 2 ngày trong khi các đại hội này phải tổ chức bầu ít nhất 5 lần, nên thời gian dành để phát biểu đóng góp những vấn đề kinh tế – xã hội, thúc đẩy phát triển rất hạn chế; có đại hội chỉ có một vài phát biểu đóng góp vào các báo cáo, các chỉ tiêu, phương hướng phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Khắc phục tình trạng này, một số đảng bộ cơ sở đã in các văn bản báo cáo tại đại hội gửi cho đảng viên yêu cầu góp ý từ trước ngày diễn ra đại hội.

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mở lớp nghiệp vụ về chụp ảnh báo chí   (05/06/2010)
Được hưởng quyền lợi BHYT ngay tại bệnh viện   (05/06/2010)
Thôn Diêm Vân đang “khát” nước   (05/06/2010)
Chủ tịch UBND tỉnh tiếp Đại sứ Hoa Kỳ  (05/06/2010)
Không có thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi  (05/06/2010)
Mở đợt cao điểm phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh  (04/06/2010)
Công khai, minh bạch là phương thuốc đặc trị  (04/06/2010)
Cố gắng nhưng còn hạn chế  (03/06/2010)
Không có thí sinh vi phạm quy chế thi  (03/06/2010)
Rút tên 7 đơn vị ra khỏi danh sách gây ô nhiễm môi trường  (03/06/2010)
Nhân sự mới  (03/06/2010)
Phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng  (03/06/2010)
Hỗ trợ 80 đàn piano kỹ thuật số cho các trường tiểu học  (02/06/2010)
Chây ì trách nhiệm bồi thường - vì sao?  (02/06/2010)
Sáng tạo nâng cao chất lượng dạy nghề  (02/06/2010)