Kiểm tra, giám sát tài chính đảng:
Một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ
22:27', 4/6/ 2010 (GMT+7)

Công tác kiểm tra tài chính cơ bản đã được ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành thực hiện có nề nếp, theo quy trình và có tác dụng ngăn ngừa những khuyết điểm của các tổ chức Đảng và đảng viên trong lĩnh vực tài chính, tài sản của Đảng và thu, nộp đảng phí.

* Nhân sự ít, tâm lý ngại va chạm

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII đến nay, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã tiến hành 40 cuộc kiểm tra tài chính Đảng, tăng 122% so với nhiệm kỳ trước và phúc tra phần lớn các đơn vị đã được kiểm tra. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tiến hành 1 cuộc kiểm tra thu, chi ngân sách cơ quan tài chính của cấp ủy cùng cấp; 1 cuộc kiểm tra tài chính Đảng đối với các ban đảng và 9 cuộc kiểm tra tài chính cấp ủy cấp dưới. Ủy ban kiểm tra cấp huyện kiểm tra tài chính của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp 10 cuộc, kiểm tra tài chính cấp ủy cấp dưới 19 cuộc. Qua các cuộc kiểm tra này đã đề nghị thu hồi nộp về ngân sách hơn 32 triệu đồng do chi không đúng chế độ quy định. Ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh cũng đã tổ chức 1.819 cuộc kiểm tra thu nộp, quản lý và sử dụng đảng phí đối với tổ chức đảng, tăng gần 222% so với nhiệm kỳ trước. Qua kiểm tra có 324 tổ chức Đảng có vi phạm về thu, nộp đảng phí; có 94 tổ chức Đảng có vi phạm về quản lý, sử dụng đảng phí, phải thi hành kỷ luật 2 tổ chức Đảng và truy thu của đảng viên hơn 51 triệu đồng, truy thu của tổ chức Đảng hơn 38 triệu đồng.

Tuy nhiên, số lượt kiểm tra đối với cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp nói chung còn rất ít. Vẫn còn nhiều đơn vị không tiến hành kiểm tra và cũng chỉ kiểm tra chuyên đề về công tác phí, mua sắm tài sản, sử dụng nguồn đảng phí trích lại. Các cuộc kiểm tra còn thể hiện nhiều lúng túng, chất lượng chưa cao. Ủy ban kiểm tra Đảng ủy cơ sở thì hầu như không tiến hành kiểm tra. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, bình quân trong nhiệm kỳ, mỗi đơn vị cấp dưới chỉ được kiểm tra 1 lần; ủy ban kiểm tra cấp huyện, thành phố và tương đương chỉ kiểm tra được 19 cuộc, bình quân mỗi đơn vị trong cả nhiệm kỳ chỉ được kiểm tra hơn 1 cuộc; còn đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh, cũng như các khoản đầu tư trực tiếp về xây dựng cơ bản và công tác giám sát tài chính Đảng, thì những năm qua, ủy ban kiểm tra các cấp chưa chủ động kiểm tra, giám sát.

Nguyên nhân của sự kiểm tra, giám sát ít ỏi này là do biên chế cán bộ làm công tác kiểm tra chuyên trách tài chính Đảng của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy luôn dao động (2-3 người) nhưng lại thường xuyên có cán bộ đi học; năng lực, trình độ của cán bộ kiểm tra các cấp nói chung và kiểm tra tài chính Đảng nói riêng, trên một số lĩnh vực, có mặt còn hạn chế. Ủy ban kiểm tra cơ sở cấp xã có 1 chuyên trách còn các Đảng ủy cơ sở khác đều kiêm nhiệm. Nhiệm vụ thì nhiều song đa số cán bộ kiểm tra chưa được đào tạo về nghiệp vụ tài chính. Mặt khác, ủy ban kiểm tra các cấp có nơi, có lúc còn nể nang, e ngại trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tài chính đối với cơ quan tài chính của cấp ủy cùng cấp.

* Giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tài chính Đảng trong thời gian đến, cần xác định một số biện pháp cơ bản. Trước hết, hàng năm, ủy ban kiểm tra các cấp phải chủ động đề ra chương trình kiểm tra, giám sát tài chính đối với cơ quan tài chính của cấp ủy cùng cấp và cấp ủy cấp dưới có nội dung, đối tượng, thời gian cụ thể. Phối, kết hợp chặt chẽ theo quy chế phối hợp giữa cấp trên và cấp dưới, giữa ủy ban kiểm tra với cơ quan tài chính và các ngành chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tài chính Đảng. Cấp ủy các cấp cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Đảng; đồng thời, quan tâm đào tạo, tuyển dụng, bố trí cán bộ kế toán, phụ trách kế toán có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về tài chính kế toán để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Xác định rõ nội dung kiểm tra phù hợp cho từng đối tượng; thông qua công tác giám sát để xác định nội dung kiểm tra sát thực tế có tác dụng và hiệu quả cao. Kiểm tra tài chính Đảng có mục đích là nhắc nhở, chỉ ra những ưu, khuyết điểm để uốn nắn, khắc phục nhằm hoàn thiện hơn trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Đảng. Nhưng, đã kiểm tra, kết luận có khuyết điểm, vi phạm thì phải chỉ đạo khắc phục, xử lý dứt điểm những nội dung vi phạm để nâng cao hiệu quả và tác dụng của việc kiểm tra.

  • Mai Khoa

(Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bước đột phá trong lựa chọn, sử dụng cán bộ   (05/06/2010)
Mở lớp nghiệp vụ về chụp ảnh báo chí   (05/06/2010)
Được hưởng quyền lợi BHYT ngay tại bệnh viện   (05/06/2010)
Thôn Diêm Vân đang “khát” nước   (05/06/2010)
Chủ tịch UBND tỉnh tiếp Đại sứ Hoa Kỳ  (05/06/2010)
Không có thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi  (05/06/2010)
Mở đợt cao điểm phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh  (04/06/2010)
Công khai, minh bạch là phương thuốc đặc trị  (04/06/2010)
Cố gắng nhưng còn hạn chế  (03/06/2010)
Không có thí sinh vi phạm quy chế thi  (03/06/2010)
Rút tên 7 đơn vị ra khỏi danh sách gây ô nhiễm môi trường  (03/06/2010)
Nhân sự mới  (03/06/2010)
Phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng  (03/06/2010)
Hỗ trợ 80 đàn piano kỹ thuật số cho các trường tiểu học  (02/06/2010)
Chây ì trách nhiệm bồi thường - vì sao?  (02/06/2010)