Vĩnh Thạnh là một trong 62 huyện nghèo của cả nước nên đời sống của đại bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn không ít khó khăn. Trình độ dân trí của bà con các dân tộc thiểu số còn thấp là một cản trở lớn trong việc đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình của Mặt trận Tổ quốc nhằm làm chuyển biến nhận thức của đồng bào; để từ đó phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội; từng bước đẩy lùi các luật tục lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa mới.
|
Nhân dân làng Tà Điệt, xã Vĩnh Hảo làm cây nêu đón mừng lễ hội.
|
Trong điều kiện đó, vai trò các già làng, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số là rất cần thiết. Chính lực lượng này đã giúp tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan.
Tuy nhiên, đây là việc làm hết sức khó khăn. Thực trạng một số yếu tố của truyền thống văn hóa, thiết chế xã hội cũ nhưng tốt đẹp bị xáo trộn, pha lẫn với lối sống mới chưa được chọn lọc làm lúng túng cả các cấp chính quyền, các nhà quản lý văn hóa trong việc giữ gìn, bảo lưu truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Với các thế lực thù địch, đây lại là dịp thuận lợi để chúng tiến hành các hoạt động gây rối nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nắm bắt kịp thời thực trạng nói trên, các già làng, người có uy tín ở Vĩnh Thạnh đã kết hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, công an và các đoàn thể địa phương chủ động tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống, tạo động lực cho sự ổn định và phát triển của huyện.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống. Thế nhưng, vẫn còn một số ít bà con, nhất là đối tượng thanh niên lười lao động, đua đòi nên bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục làm những điều sai trái. Do vậy, các già làng, người có uy tín đã cùng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương vận động, khuyên bảo bà con chăm chỉ làm ăn để nâng cao đời sống, chăm lo cho con cái học hành, không để thất học, mù chữ rồi bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt; vận động nhân dân giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình như bảo tồn các loại cồng, chiêng, các lễ hội văn hóa, nghề dệt thổ cẩm...
Bằng khả năng của mình, các già làng, người có uy tín sẵn sàng chia sẻ với bà con những gì mình biết, mình hiểu; từ các cuộc họp, dịp lễ hội, cả lúc bà con tập trung sản xuất. Qua những lời lẽ tuyên truyền khéo léo, có khi chỉ là cuộc trò chuyện thân tình về cuộc sống hàng ngày, về cách làm ăn… những già làng, trưởng thôn ở vùng đồng bào dân tộc đã góp phần củng cố niềm tin của bà con vào Đảng, chính quyền, khuyến khích bà con chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế; vận động thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, giữ gìn an ninh trật tự. Có khi là những câu chuyện kể về những việc mà đồng bào cần cảnh giác, không nên nghe, không nên tin lời kẻ xấu xúi giục; làm cho mọi người thấy rằng Đảng, Nhà nước đã quan tâm để mọi người có cuộc sống sung túc, no đủ từ chính sách giảm nghèo, định canh- định cư, làm đường giao thông, chăm lo cho lớp trẻ được đi học.
Hoạt động của những già làng, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Thạnh chủ yếu tập trung vào các nội dung như: giáo dục con cháu, vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ dòng tộc hoặc trong làng trên cơ sở tập tục của dòng họ, của làng; trực tiếp xét xử các cá nhân vi phạm phong tục, tập quán trên cơ sở các quy định của dòng tộc, buôn làng. Vận động nhân dân đoàn kết, thực hiện các cuộc vận động do chính quyền tổ chức hoặc làng đề ra... Bên cạnh đó, các già làng, người có uy tín luôn chú trọng kết hợp vận động đồng bào nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và giữ gìn sự bình yên ở mỗi buôn làng.
Dân số Vĩnh Thạnh có gần 30 ngàn người, trong đó có 8.196 người thuộc 12 dân tộc thiểu số, chiếm 27,4%. Dân tộc Bana là dân tộc thiểu số bản địa, đông nhất với 8.051 người; còn lại là các dân tộc thiểu số khác như: Thái, Dao, Mường, H’re,... từ các tỉnh phía Bắc và địa phương khác chuyển đến cư trú do quá trình di cư tự do. Họ sống tập trung ở 30 thôn, làng thuộc 8 xã, thị trấn. Qua các giai đoạn lịch sử cách mạng của địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số một lòng đi theo Đảng, có tinh thần yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, là lực lượng có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT, đồng thời cũng là nguồn lao động xã hội to lớn cho sự phát triển KT-XH miền núi. |
|