Phu cá
20:26', 8/6/ 2010 (GMT+7)

Ngày mới của Cảng cá Quy Nhơn thường bắt đầu từ nửa đêm hôm trước. Tiếng máy ghe thuyền, tiếng người í ới gọi nhau nhộn nhịp cả cảng. Phu cá dẫu không lên tàu ra khơi theo những chuyến biển dài ngày nhưng cũng gắn đời mình với biển, với cá, với cảng, đó là những người sống bằng sức lao động của mình ngay tại cảng cá. Công việc của họ là chuyển cá từ ghe lên bờ, xay đá, ướp cá bằng đá và chuyển cá lên xe đi các tỉnh. Trong số này, làm việc tập trung nhất là các tổ lao động làm công cho các chủ nậu cá với việc xay đá, ướp cá và chuyển cá lên xe.

 

Ướp và chuyển cá lên xe lạnh. Ảnh: N.S

 

Anh Hải, nhà ở phường Đống Đa, một người gắn bó với công việc này đã lâu cho biết: Ở đây có bao nhiêu nậu thì có bấy nhiêu tổ làm cá thế này, tính cả cảng cũng đến vài trăm người. Tổ của anh gần 20 người, cả nam lẫn nữ. Mùa biển lặng, cá nhiều, anh ra cảng từ 12 giờ đêm hôm trước, làm đến trưa hôm sau. “Mà cũng vô chừng lắm. Có khi cá về liên tục, cả ngày chỉ nghỉ được 1 - 2 tiếng, mệt quá thì thay nhau nghỉ, nhưng có ngày cũng ít việc lắm. Biển giả mà”.

Mùa nào thức nấy. Vừa hết mùa cá dưa gang, giờ đang mùa cá ồ. Những ngày này, những chuyến xe đông lạnh chờ ở cảng để chở cá đi các nơi đầy ắp cá ồ. Sau khi chất các khay đá xay lên xe đẩy, anh Hải đẩy đến chỗ xe lạnh đang chờ và thoăn thoắt thảy chúng lên xe. Ở trên xe, anh Lắm - một đồng nghiệp cùng tổ với anh Hải - vừa sắp các khay cá đã được ướp đá do một xe đẩy khác chuyển đến, vừa bưng các khay đá rải lên cá một lớp đá nữa. Trong xe, hơi lạnh từ đá bốc lên nghi ngút, trắng xóa, nhiều khi chẳng rõ mặt người làm.

Chị Gái, một người gắn bó với công việc này đã lâu cho biết: Chị làm ở cảng cá cũng gần 15 năm rồi. Chồng chị cũng làm cùng nghề với vợ. Vì hai vợ chồng phải đi làm từ khuya nên việc nhà cửa, con cái cũng nhiều vất vả. Sáng dậy, con trai lớn của chị tự đến trường, còn con gái nhỏ thì chị nhờ dì của cháu cho ăn và dẫn đến lớp.

Nhịp sống ở cảng cá phụ thuộc vào biển, vào cá. Ở đó có những người bắt đầu công việc của mình từ lúc nửa đêm với việc gánh cá từ ghe lên bờ, ướp cá, đóng thùng cá cũng như các loại hải sản khác, hấp cá, và nhiều công việc hậu cần nghề cá khác. Chính họ đã góp phần làm nên sức sống cho nghề cá. Và ngược lại, biển và cảng cũng đã nuôi sống nhiều người như vậy.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người cao tuổi An Nhơn thi đua “Nêu gương sáng”  (08/06/2010)
Thêm một văn phòng công chứng tư được thành lập  (08/06/2010)
70% người nhiễm HIV mới phát hiện là thanh niên  (08/06/2010)
Triển khai kế hoạch thu thập, xử lý thông tin cung, cầu lao động  (08/06/2010)
Tổ chức huấn luyện dân quân cơ động và tại chỗ   (07/06/2010)
Tuyển 1.070 học sinh dân tộc thiểu số vào các trường PTDTNT  (07/06/2010)
Nâng cao năng lực kinh doanh cho 450 nữ chủ doanh nghiệp nhỏ  (07/06/2010)
Khánh thành khu điều trị kỹ thuật cao   (07/06/2010)
Thi vào lớp Toán – Tin, tỉ lệ “chọi” sẽ thấp hơn   (07/06/2010)
Mỗi thầy cô là một tấm gương   (07/06/2010)
Thực hiện giao dịch điện tử đối với công tác tuyển sinh đi học nước ngoài  (07/06/2010)
Vai trò của già làng, người có uy tín ở Vĩnh Thạnh  (06/06/2010)
Thu gom 15m3 rác trôi trên biển mỗi ngày  (06/06/2010)
300 thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi 2010  (06/06/2010)
Tổ chức tốt Hội thi phòng cháy chữa cháy  (06/06/2010)