Hãy cho trẻ một mùa hè an toàn, vui vẻ
19:2', 10/6/ 2010 (GMT+7)

Bởi, theo ghi nhận của các bác sĩ khoa Bỏng - Chấn thương, BVĐK tỉnh, số ca tai nạn thương tích ở trẻ em từ bỏng, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông… tăng cao trong thời gian trẻ nghỉ hè.

 

Ngày hè, trẻ em vui chơi, tắm biển cần có sự quản lý của người lớn. Ảnh: Hoàng Vân

 

* Trẻ hiếu động, người lớn lơ là

Ngày 30.5, bé Lê Đức H, 20 tháng tuổi, ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn nhập viện khoa Bỏng - Chấn thương trong tình trạng bỏng ở tay, chân mà thủ phạm chính là phích nước sôi để ngay cạnh đồ chơi của bé. “Thấy hai anh em đang chơi với nhau, nên tôi cũng không để ý lắm. Bây giờ đỡ rồi, cháu ăn uống, chơi ngoan, chứ mấy ngày đầu nhập viện thằng nhỏ cứ khó chịu, rấm rứt khóc mãi” - chị K, mẹ của cháu cho biết.

Phần lớn các ca bỏng ở trẻ em đều rơi vào nhóm trẻ dưới 6 tuổi. Nguyên nhân là cha mẹ chủ quan, lơ là trong việc chăm sóc các bé. Bé Nguyễn Mai C, 3 tuổi, ở xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, cũng nhập viện vào khoa Bỏng - Chấn thương vì bỏng cánh tay trái, phần ngực, bụng. Anh M, cha của bé C kể lại: “Bình nước sôi ở nhà thường vẫn để trên bàn cao, gia đình tôi không nghĩ là cháu với tay lấy nước uống. Tôi công tác ở Đảng ủy xã, vợ ở nhà nội trợ, túc trực ở bệnh viện gần chục ngày rồi. Giờ thấy cháu cười đùa, ăn uống ngon, gia đình cũng yên tâm, chứ nằm im như mấy ngày trước thì lo lắm”.

Bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, Trưởng khoa Bỏng - Chấn thương, BVĐK tỉnh, cho biết: “Vào mùa hè, bệnh nhân bỏng là trẻ em, chủ yếu ở nhóm 3-6 tuổi, chiếm 15-20% tổng số bệnh nhân của khoa, đa phần là bỏng do nước sôi, hiếm khi có ca bỏng do điện. Còn tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông ở trẻ em từ lứa tuổi tiểu học trở xuống cũng không phải ít, khoảng 5% số bệnh nhân của khoa. Nghỉ hè, trẻ có nhiều thời gian vui chơi hoạt động, leo trèo, chạy nhảy; chỉ cần một phút “sơ sểnh” của người lớn cũng sẽ dẫn đến tai nạn nghiêm trọng cho trẻ”.

* Cho trẻ một mùa hè vui vẻ

Ghi nhận tại khoa Bỏng - Chấn thương, nhiều trẻ nhập viện với thương tổn rất nặng. Tại khu điều trị dành cho bệnh nhân bị chấn thương, trên gương mặt của em Nguyễn Thị Thủy M, 15 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, vẫn còn hằn rõ sự đau đớn bởi ca phẫu thuật vết nứt nơi xương cổ và gãy đoạn xương ở vai, đùi chiều ngày 2.6. M nhập viện đã được nửa tháng bởi tai nạn giao thông do xe taxi gây ra.

Hay trường hợp của bé Lê Thị Mai, 5 tuổi, ở TP Quy Nhơn nhập viện cách đây hơn một tháng trong tình trạng bỏng nặng do nước sôi. Diện tích vùng da bỏng của bé Mai chiếm đến 40% từ vùng vai, cổ và lưng. Thương tâm hơn cả là trường hợp cháu H (ở TP Quy Nhơn) bị ngã vào nước sôi, với vết bỏng rất nặng, chiếm đến 70% cơ thể, từ vùng đầu trở xuống. Sau 2 ngày được cấp cứu tại khoa Bỏng - Chấn thương, cháu đã được chuyển viện lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.

Không chỉ nguy hiểm đến tính mạng, theo bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, các trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích rất dễ để lại các “biến chứng” hình thể và tâm lý về sau cho trẻ. Với các ca bỏng nhẹ sẽ gây biến chứng sẹo, nặng hơn là biến dạng cơ thể, co rút các khớp tay, chân buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật. Những trường hợp bỏng ở độ 5 - thường là bỏng do điện, axit - sẽ gây tổn thương mạch máu, cơ, xương, thần kinh. Trong khi đó, các trường hợp chấn thương do tai nạn sinh hoạt và tai nạn giao thông nhập viện vào khoa nặng nhất là gãy xương, hay các tổn thương khác phải phẫu thuật.

Mùa hè là thời gian trẻ được tự do nghỉ ngơi, vui chơi, tái tạo năng lượng sau một năm học vất vả và căng thẳng. Đây cũng là cơ hội để trẻ khám phá những điều thú vị của cuộc sống. Vì vậy, để trẻ có một mùa hè đầy ý nghĩa và vui vẻ, người lớn nên dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, đồng thời hướng dẫn trẻ kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi các tai nạn thương tích. Nếu trẻ ra khỏi nhà thì phải có sự nhắc nhở, quản lý của người lớn. Các tổ chức đoàn, hội nên có sự sắp xếp, tổ chức các chương trình hoạt động hè vui vẻ, bổ ích, phù hợp với từng nhóm tuổi.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị bỏng nên xử trí ban đầu bằng cách ngâm vùng bỏng vào nước lạnh sạch càng sớm càng tốt trong 5 - 7 phút để giảm mức độ phù nề; sau đó dùng khăn sạch hay vải sạch che phủ vùng bỏng, không để trẻ cào cấu vùng tổn thương của vết bỏng và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được sử dụng các biện pháp dân gian như bôi kem đánh răng, rửa vết bỏng bằng nước mắm hoặc đắp lá gây nhiễm khuẩn vết bỏng rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

  • Hiền Phương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đội tuyển lớp 5 đạt Huy chương Bạc   (09/06/2010)
Thêm 4 tỉ đồng đào tạo nghề cho 3.217 lao động nông thôn   (09/06/2010)
Đổi tên thành Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh   (09/06/2010)
Tổ chức kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9   (09/06/2010)
Dạy làm bánh miễn phí   (09/06/2010)
Bệnh da mùa hè   (09/06/2010)
Ứng dụng phẫu thuật tạo hình thành bụng ở phụ nữ   (09/06/2010)
“Nối dài tương lai” cho trẻ   (09/06/2010)
Chủ động các biện pháp để phòng chống thiên tai  (08/06/2010)
Phu cá  (08/06/2010)
Người cao tuổi An Nhơn thi đua “Nêu gương sáng”  (08/06/2010)
Thêm một văn phòng công chứng tư được thành lập  (08/06/2010)
70% người nhiễm HIV mới phát hiện là thanh niên  (08/06/2010)
Triển khai kế hoạch thu thập, xử lý thông tin cung, cầu lao động  (08/06/2010)
Tổ chức huấn luyện dân quân cơ động và tại chỗ   (07/06/2010)