Trong thời gian qua, các phong trào thi đua tiếp tục được phát động. Nhiều phong trào đã được toàn dân hưởng ứng tích cực như: “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng hũ gạo tình thương”, “Heo đất nghĩa tình”, “Hiến máu nhân đạo”…; phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nông dân sản xuất giỏi”, “Xóa đói giảm nghèo”… trong nông dân; phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong công nhân; phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử” trong ngành Giáo dục – Đào tạo; phong trào “Thi đua thực hiện 12 điều y đức”, “Sống và làm việc theo gương cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch” trong ngành Y tế; phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” trong Hội Phụ nữ; phong trào “Thanh niên đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng công sở văn minh, sạch đẹp” trong thanh niên; phong trào “Xứng danh anh bộ đội cụ Hồ” của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; phong trào “Công an nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ” và “Công an nhân dân học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” của Công an tỉnh; phong trào “5 xây, 5 chống” của Bộ đội Biên phòng… đã tạo nên phong trào hành động sôi nổi trong các cơ quan, đơn vị LLVT. Thông qua các phong trào thi đua, nhiều tập thể và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu và hình thức khen thưởng tương xứng đã thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
|
Khen thưởng kịp thời đơn vị có thành tích xuất sắc là động lực thúc đẩy phong trào thi đua. Ảnh: Q.K |
Tuy nhiên, các phong trào thi đua nhìn chung phát triển chưa đều, chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Do nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò, tác động của công tác thi đua, khen thưởng trong một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa đầy đủ nên sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng còn hạn chế; có nơi còn khoán trắng cho tổ chức, cá nhân cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng, trong khi nhiều nơi, đội ngũ cán bộ này còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; công tác phát triển, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến chưa được quan tâm đúng mức, do đó việc động viên phát triển nhân tố mới, mô hình mới còn hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế trên đây, cần tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng phù hợp với giai đoạn hiện nay. Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể cần nâng cao nhận thức về vai trò ý nghĩa của công tác thi đua, khen thưởng; coi thi đua, khen thưởng là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Quán triệt tinh thần của Chỉ thị số 39-CT/BCT ngày 21.5.2004 của Bộ Chính trị, xác định cấp ủy, tổ chức Đảng, thủ trưởng cơ quan đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở; chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp cần phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức chỉ đạo công tác thi đua, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Triển khai thực hiện Nghị định 42/2010/NĐ-CP ngày 15.4.2010 của Chính phủ, tiếp tục xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa sâu rộng hơn nữa, gắn các phong trào thi đua với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tăng cường công tác tuyên truyền, động viên cổ vũ phong trào thi đua, phát huy ý thức chủ động sáng tạo của mỗi người; phối hợp chặt chẽ với vai trò quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng trong việc tổ chức các phong trào thi đua. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực hoạt động, các phong trào được phát động cần bám sát mục tiêu, chỉ tiêu mà đại hội đảng bộ đề ra; có nội dung cụ thể, thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn; xác định nội dung, thời gian, đối tượng cụ thể, có triển khai, kiểm tra, sơ tổng kết và khen thưởng rút kinh nghiệm. Động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Đặc biệt chú ý các cá nhân là người trực tiếp lao động, làm việc, trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, quản lý, an ninh - quốc phòng, văn hóa - xã hội, cán bộ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới, quan tâm khen chuyên đề và đột xuất đối với tập thể và cá nhân có thành tích trên từng lĩnh vực hoặc có thành tích đột xuất.
|