Chuyện ở những “xóm nước mui”
20:25', 12/6/ 2010 (GMT+7)

Để có cái ăn qua ngày, con cái được học hành, họ đã tìm ra cho mình những nghề kiếm sống mà nhiều nơi không có. Ban đầu chỉ một vài hộ hành nghề và thoát được nghèo, thấy vậy rất nhiều người sắm đồ mở quán nước mui. Và bây giờ, đã xuất hiện những “xóm nước mui” nơi những con đèo…

 

“Xóm nước mui” dưới chân đèo Nhông.

 

* Mưu sinh từ ống nước

Ông Văn Xuân Quý, 60 tuổi, ở tổ 6, khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân là người đầu tiên lên đỉnh Cù Mông mở quán nước mui từ năm 1990. “Trước, tôi bán quán cơm dưới chân đèo, song đất chật, quán nằm gần đường, mỗi lần xe dừng ăn cơm lại bị phạt do cản trở giao thông, tôi bèn tìm lên đỉnh Cù Mông. Hồi mới lên, ai cũng chửi tôi khùng, khi không lên ở cái nơi khỉ ho cò gáy, bốn mặt là núi đá”- ông Quý kể. Chọn đỉnh đèo làm nơi mưu sinh, ông bắt đầu dọn mặt bằng, dùng tay để chuyển đất đá, xây dựng quán nước mui đầu tiên trên đèo Cù Mông.

Thế nhưng, ông Quý vẫn chưa thể yên ổn làm ăn. Vì sân chật, mỗi lần xịt nước mui, nước chảy mạnh làm xói đường, lực lượng chức năng lại lên “ách”, ông phải “xuống núi”. Nhưng không lâu sau đó, ông trở lại, xin phép mở mô hình VAC ngay trên đỉnh đèo. Đồng thời, thuê người nổ mìn phá đá lấy mặt bằng, xây dựng nhà ở, quán xá kiên cố. Ông làm đường ống dẫn nước dài 3,5 km từ suối Mơ xuống, xây hồ chứa nước dung tích hơn 40m3, sắm ống dẫn nước mở quán nước mui.

Hơn 3 năm sau khi ông Quý đi “khai sơn phá thạch”, bắt đầu có những người tiếp theo lên mở quán nước mui. Đến nay, trên đỉnh Cù Mông đã có 7 hộ dân Bình Định mở quán nước mui, còn ở phía nam đỉnh đèo, dân Phú Yên làm nước mui cũng rất nhiều. Hầu hết người dân làm nước mui ở đây đều có thu nhập khá, đời sống ổn định.

Trong khi đó, ở hai bên chân đèo Nhông cũng xuất hiện những quán nước mui đầu tiên từ những năm 2000. Xóm Tân Nghĩa, thôn Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ nằm ngay ở phía nam đèo Nhông, ban đầu chỉ có 2, 3 quán nước mui, giờ đã có trên chục quán. Tính chung cả hai bên chân đèo, có gần hai chục quán nước mui san sát nhau. Hầu hết các hộ dân đều làm nghề nông, do lợi thế nhà gần đường nên mở quán nước kiêm luôn dịch vụ cung cấp nước mui để cải thiện đời sống. Chị Phạm Thị Thu, 43 tuổi, cho biết: “Cách đây hơn 5 năm, làm nước mui kiếm được khá lắm. Chứ bây giờ, người đông của khó, có khi cả ngày chẳng có xe nào vào quán mình, kiếm được chẳng là bao”.

Mỗi khi lên hay xuống đèo, các xe tải thường ghé vào quán nước mui, phụ xe tự dùng ống xịt nước làm mát lốp xe, bơm nước vào bồn, kiểm tra kỹ thuật trước khi xuống đèo. Vào mùa hè nóng bức, nhu cầu xịt nước mui của các loại xe tải càng tăng. Đối với dân nước mui, sướng nhất là khi ở vùng lân cận trời mưa nhưng chạy qua đoạn đường đèo trời lại nắng, lúc đó bà con “xóm nước mui” có việc mà làm, vì xe bị bùn đất bám đầy nên dừng lại để rửa. Hiện nay, mức giá phổ biến cho một lần xịt nước mui cho loại xe tải trung bình là 10.000 đồng, rửa xe là 30-50.000 đồng, đối với xe container mức giá tăng gấp đôi, gấp ba. “Sướng” hơn nữa là có bạn hàng đổ nước xe tôm đông lạnh, vừa khỏe vừa được nhiều tiền. Tuy nhiên, nói như ông Quý: “Làm nước mui cũng như người đi câu cá, có lúc cá dính liên tục, có khi chờ dài cổ chẳng con nào đớp mồi, nên phải biết kiên nhẫn!”...

 

Vào những ngày trời nắng gắt, nhu cầu xịt nước mui của các xe tải đường dài là rất lớn.

 

* Chuyện sau dòng nước

Theo những người mở quán nước mui lâu năm ở thôn Diêm Tiêu, dịch vụ nước mui ban đầu xuất phát từ Trung Quốc. Một người nói nửa đùa nửa thật: “Thật ra, gọi là nước mui cũng không chính xác lắm, vì bây giờ, cánh tài xế xe tải chỉ cần “nước lốp” chứ không hẳn là “nước mui”. Xe tải đường dài luôn chở quá tải, có xe chở lượng hàng hóa nặng gấp 4 lần tải trọng của xe, do đó lốp xe rất nhanh nóng, dễ bị nổ, cần phải xịt nước liên tục để làm mát. Tôi nghĩ, đến một ngày không xa, khi nhà nước ta làm tốt công tác kiểm soát, thanh tra giao thông, chấm dứt tình trạng xe chở quá tải như hiện nay thì các quán nước mui cũng hết đất sống”.

Ngoài nước mui, hầu hết các quán nước mui trên đỉnh Cù Mông đều mở thêm dịch vụ sửa chữa ô tô, bán cơm gà… Ông Quý tâm sự: “Đêm, xe tải chạy dập dìu, người làm nước mui thì không phải ai cũng đủ sức thức đêm liên tục, vì vậy, ai chịu khó thức cả đêm thì kiếm được nhiều tiền hơn. Rồi cũng phải làm thêm đủ thứ mới đảm bảo thu nhập, nuôi con cái học hành”. Ông Quý có 3 người con, 1 gái 2 trai. Ông rất tự hào về những đứa con của mình, nhất là 2 cậu con trai, một là thạc sĩ ngành xây dựng đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh, một đang du học tại Nhật Bản ngành chế tạo ô tô…

Ông Quý cho biết, trước đây ông cũng từng cung cấp nước cho các xe tắm heo. Tuy nhiên, vì mùi hôi thối làm hàng xóm khó chịu nên ông không làm nữa. Trong khi đó, ở “xóm nước mui” dưới chân đèo Nhông, dịch vụ tắm heo vẫn còn phổ biến, ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, điều dễ nhận thấy ở đây là địa điểm để xe đậu xịt nước mui quá chật hẹp, có xe đậu lấn cả lề đường. Nước mui chảy lênh láng, làm lề đường ướt nhẹp, phần nhựa đường thì trơn trượt, phần nền đất thì nhão bùn, rất nguy hiểm. Rất ít quán nước mui dẫn nước thải ra sau vườn nhà mình, đa số vô tư để nước chảy tràn lan…

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
22 thí sinh đạt giải  (12/06/2010)
1 người hiến máu tình nguyện Bình Định được tôn vinh toàn quốc  (12/06/2010)
Cứu 18 ngư dân gặp nạn trên biển  (12/06/2010)
Tàu Bệnh viện USNS Mercy kết thúc hoạt động tại Bình Định  (11/06/2010)
100% số tổ chức cơ sở đảng đã tổ chức Đại hội   (11/06/2010)
Gắn với các phong trào thi đua   (11/06/2010)
Sơ kết dự án trợ giúp người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/dioxin  (10/06/2010)
Bắt đầu chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2010  (10/06/2010)
Khoảng 50% bệnh nhân AIDS được tiếp cận thuốc điều trị ARV  (10/06/2010)
Mở lớp học múa và thanh nhạc miễn phí  (10/06/2010)
Chủ tịch UBND tỉnh tiếp Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba  (10/06/2010)
Hãy cho trẻ một mùa hè an toàn, vui vẻ  (10/06/2010)
Đội tuyển lớp 5 đạt Huy chương Bạc   (09/06/2010)
Thêm 4 tỉ đồng đào tạo nghề cho 3.217 lao động nông thôn   (09/06/2010)
Đổi tên thành Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh   (09/06/2010)