Không thể phủ nhận sự tham gia của nam giới trong ngành may mặc, tuy nhiên, chiếm số đông trong nghề này vẫn là phụ nữ. Xu hướng chuyên môn hóa trong nghề may ngày càng rõ ràng đã mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cũng như giúp nâng cao tay nghề, thu nhập cho nhiều phụ nữ.
|
Chị Hạnh, một thợ ráp quần áo có hơn 10 năm trong nghề, đang làm việc tại tiệm may Hoàng Jean. Ảnh: M.K
|
* Cắt cắt, may may
Cách đây chục năm trở về trước, một tiệm may mà chủ tiệm làm tất cả mọi việc từ cắt, ráp, làm khuy, sam lai, đơm nút..., với sự phụ giúp của người học nghề là chuyện phổ biến. Tuy nhiên, nay thì điều đó chỉ còn phù hợp với những người làm nghề nhỏ lẻ. Hầu hết các tiệm may đều có một đội ngũ thợ ráp riêng, và một số tiệm lớn thì thuê luôn thợ cắt.
Nhu cầu thợ cắt quần áo phát triển mạnh khoảng vài ba năm gần đây, khi nghề may phát triển hơn, đồng thời với việc chuyên nghiệp hóa nghề nghiệp. Đây là những thợ may không có điều kiện mở tiệm và yêu thích, hoặc có năng khiếu trong khâu cắt hơn là ráp. Một số tiệm may lớn ở Quy Nhơn như: Hoa Lai, Minh Thư, Lê Văn... đều thuê thợ cắt.
Một thợ cắt giỏi sẽ cắt chiếc áo, quần vừa với người đặt may, tôn những ưu điểm đồng thời che giấu những khiếm khuyết về hình thể của người đó, ví dụ như người ốm mặc vào sẽ thấy người đầy đặn, người quá khổ mặc sẽ cho cảm giác thon gọn hơn. Điều đó đòi hỏi, thợ cắt phải biết căn cứ vào chất liệu vải và dáng người cụ thể để gia giảm so với công thức chuẩn thì mới thành công.
Chị Trinh (hẻm 35/13 Võ Văn Dũng, TP Quy Nhơn), một thợ cắt có 14 năm trong nghề cho biết, khó nhất vẫn là khâu hình dung ra trong đầu “phoọc” áo, quần..., khi phải tự quyết định tỉ lệ các chi tiết như bèo, nút, đường viền..., bởi chủ tiệm chỉ cung cấp số đo và mẫu phác thảo trang phục chứ không ghi kích thước cụ thể các chi tiết. Ngoài việc mở tiệm làm riêng, hiện chị Trinh còn nhận cắt cho 2 tiệm may: một tiệm chị chuyên nhận cắt các loại áo khoác, vest, đầm; một tiệm chị chuyên cắt đồ kiểu, đồ bộ và áo sơ mi.
Thợ ráp quần áo, tuy nhìn có vẻ đơn giản và dù không phải động não nhiều như thợ cắt nhưng sự đóng góp của họ cho sự hoàn hảo của một sản phẩm may mặc cũng tương đương. Nếu chiếc áo có “phoọc” đẹp nhờ thợ cắt có tay nghề nhưng thợ ráp may đường kim mũi chỉ không sắc sảo thì áo không đẹp, và ngược lại.
Chị Hạnh, một trong số nhiều thợ ráp đồ cho tiệm Hoàng Jean (đường Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn), cho biết: “Tôi học nghề may tại tiệm này, nhưng khi ra nghề không có điều kiện mở tiệm nên ở lại đây làm thợ luôn”. Hiện chị Hạnh có thể ráp đủ loại quần áo, nhưng thế mạnh là đồ comple nữ.
* Thuần thục tay nghề, thu nhập khá
Không chỉ thợ cắt mà cả thợ ráp quần áo cũng đang đi theo hướng chuyên môn hóa công việc của mình. Có thợ chuyên cắt quần tây hoặc đầm, váy, sơ mi, và cũng có đội ngũ thợ ráp chuyên ráp từng loại: đồ kiểu, đồ bộ, vest, comple…
Theo những người trong nghề may, xu thế này mang lại ưu điểm là giúp người thợ thuần thục, thành thạo trong lĩnh vực chuyên môn của mình, nâng cao tay nghề, từ đó chất lượng sản phẩm làm ra tốt hơn, thu nhập cũng cao hơn. Như một thợ chuyên ráp quần tây chắc chắn sẽ may quần tây đẹp hơn những thợ có thể ráp đủ loại quần áo. Thợ cắt cũng tương tự như vậy. Một thợ ráp, nếu chuyên ráp một loại trang phục nhất định thì có thể có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, trong khi thợ ráp nhiều loại quần áo khác nhau thì thu nhập khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/tháng.
Việc chuyên môn hóa nghề may như trên không chỉ giúp cho đội ngũ thợ mà còn tạo điều kiện cho chủ tiệm may phát triển dịch vụ của mình. Khi công việc phát triển và chủ tiệm không thể “ôm” hết mọi công đoạn, họ sẽ tìm kiếm đội ngũ thợ có tay nghề để tải bớt việc. Khi đó, chủ tiệm chỉ làm công việc tiếp khách đến may đồ, tư vấn cho khách chọn kiểu, chọn vải và quản lý thợ.
Hiện nay, dù quần áo may sẵn rất đa dạng và rẻ nhưng nghề may đo không vì thế mà bị ảnh hưởng. Biểu hiện rõ nhất là nhu cầu thợ ráp quần áo hiện rất cao và cung không đủ cầu, bởi một thợ cắt sẽ cần 3 - 4 thợ ráp để tạo thành một ê kíp làm việc. Chị Hồng, chủ tiệm may trên đường Nguyễn Thái Học, đưa ra một ví dụ cụ thể: Nếu trước kia, thợ ráp phải tự đến tiệm để lấy đồ về, làm xong phải mang ra tiệm giao, thì nay, thợ ráp chỉ cần ngồi ở nhà chờ chủ tiệm mang đồ tới, rồi đến lấy đồ thành phẩm đi. Còn ở những tiệm bán phụ liệu nghề may - nơi được coi là tập trung nhiều thông tin trong nghề - câu chuyện được trao đổi nhiều nhất trong giới là: Có biết thợ ráp nào không, giới thiệu giùm tôi?
Nhu cầu thẩm mỹ, trong đó có thời trang ngày càng phát triển tỉ lệ thuận với sự đi lên của cuộc sống đã đưa nghề may đo đi theo hướng chuyên môn hóa, để làm ra những sản phẩm thời trang có chất lượng tốt hơn. Điều đó đã giúp tạo nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ - vốn chiếm số đông trong đội ngũ thợ may - từ đó nâng cao tay nghề và có thu nhập khá hơn.
|