TRỢ GIÚP PHÁP LÝ LƯU ĐỘNG:
Mang luật đến với người nghèo
20:2', 13/6/ 2010 (GMT+7)

Có đi cùng Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh về các xã vùng sâu, vùng xa để trợ giúp pháp lý lưu động mới hiểu thấu được câu nói của các trợ giúp viên pháp lý “Chúng tôi đến thầm lặng mà ra đi cũng hết sức lặng thầm”. Dẫu vậy, các trợ giúp viên cùng với chiếc “ngựa sắt” của mình vẫn tiếp tục hành trình đưa pháp luật đến với người dân.

 

Cán bộ Trung tâm TGPL tỉnh đang trợ giúp pháp lý lưu động tại xã An Trung, huyện An Lão.

 

* Lặng thầm đưa luật đến dân

Tôi từng vài ba lần “lăn lộn” cùng các trợ giúp viên pháp lý tại các xã bãi ngang, vùng sâu, vùng xa của tỉnh nên phần nào thấu hiểu câu nói vui “chúng tôi đến thầm lặng mà ra đi cũng hết sức lặng thầm” kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trung tâm TGPL thường xuyên đến với những vùng còn khó khăn để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đi nhiều, đi xa là vậy nhưng phương tiện mà đoàn trợ giúp sử dụng để đi lại chỉ có xe máy. Vậy nên mới có chuyện “dở khóc dở cười” trong đợt trợ giúp lưu động tại một xã miền núi. Ông Phan Văn Hùng, trợ giúp viên pháp lý nhớ lại: Có lần, chúng tôi đi trợ giúp tại một xã miền núi của huyện Vĩnh Thạnh. Dù đã thông báo trước nhưng do đoàn đi bằng xe máy nên khi tới nơi, lãnh đạo xã tưởng chúng tôi là đội quân… tiếp thị.

Ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh, cho biết: Với hơn 80.000 văn bản quy phạm pháp luật, người dân khó mà tiếp cận hết được. Chỉ có đến tận nơi, tuyên truyền phổ biến cụ thể mới mong trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về pháp luật để họ nắm bắt và thực hiện trong cuộc sống. Để đạt hiệu quả cao, các cán bộ trợ giúp cần phải có nghệ thuật trong khi tuyên truyền. Bởi trình độ hiểu biết của phần lớn người dân còn thấp, nếu phổ biến theo kiểu điều này, khoản nọ một cách khô khan, cứng nhắc thì họ khó mà “nuốt” nổi. Cần phải lồng ghép luật vào các tình huống cụ thể xảy ra trong cuộc, như vậy người dân mới nắm bắt được rõ ràng những quy định của pháp luật. Nhiều trợ giúp viên, cộng tác viên, chuyên viên của Trung tâm đều có chung suy nghĩ: Sống trong xã hội pháp quyền, nếu không ứng xử đúng pháp luật, người dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc. Chính vì vậy, các trợ giúp viên của Trung tâm TGPL tỉnh sẽ tiếp tục hành trình đem luật đến với dân.

* Giúp dân lấy lại công bằng

Các trợ giúp viên không chỉ trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản về pháp luật mà còn trực tiếp giúp họ giải quyết những khúc mắc, bất công trong cuộc sống. Ông Huỳnh Văn Chưa nhớ như in việc Trung tâm TGPL đòi lại sự công bằng cho 6 hộ đồng bào người dân tộc H’re bị một số người lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt nương rẫy. Theo lời kể của ông Chưa: Các ông bà Đinh Văn Hải, Đinh Văn Đê, Đinh Thị Rái, Đinh Thị Đất, Đinh Thị Nởi và Đinh Thị Trân (cùng trú thôn 1, xã An Trung, huyện An Lão) bỏ công sức khai hoang một khu đất để trồng mì, trồng dưa. Năm 2002, ông Sinh khi đó là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão cùng một số người khác đã lợi dụng lòng tin và sự thật thà của 6 hộ nói trên để chiếm đoạt nương rẫy của họ. Khi 6 hộ dân mở đường trên chính khu đất mà họ vất vả khai phá thì ông Sinh lại ngăn cản vì cho rằng khu đất này ông đã làm sổ đỏ (!?).

5 tháng đầu năm 2010, Trung tâm đã trợ giúp cho 726 đối tượng (trong đó, tư vấn cho 635 trường hợp, tham gia tố tụng cho 89 người, đại diện ngoài tố tụng 2 trường hợp). Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 31 đợt TGPL lưu động, 67 buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật với gần 4.000 lượt người tham gia.

Trong lần trợ giúp lưu động tại xã An Trung, các trợ giúp viên biết được nỗi bất công mà 6 hộ dân phải chịu. Ông Chưa cho biết: “Nghe các hộ dân trình bày, chúng tôi rất bức xúc và quyết định phải giúp họ đòi lại sự công bằng. Sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện của 6 hộ dân, tôi viết bài “Lá đơn khởi kiện từ An Trung” đăng trên báo Bình Định ngày 14.5.2009. Sau khi báo đăng, các ngành chức năng đã vào cuộc và đến nay 6 hộ dân đã lấy lại được đất”.

Ông Ngô Văn Nề (trú thôn Phú Hà, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) cũng thông qua Trung tâm TGPL tỉnh mà giải được nỗi oan khuất phải chịu mấy mươi năm. Ông Nề tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được biên chế vào lực lượng Thanh niên xung phong làm đường sắt. Trở về quê hương, công lao của ông không được ghi nhận, có người còn không tin ông có đóng góp cho cách mạng. Ông tìm đến các cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh, kể cả Trung ương để được “minh oan”. Cái mà ông nhận được chỉ là những lời hứa suông của những người có trách nhiệm.

Tình cờ, ông biết được Trung tâm TGPL tỉnh và quyết định tìm tới. Niềm hy vọng của ông đã được đền đáp khi Trung tâm cử cán bộ trực tiếp tới nhà tìm hiểu và giúp ông hoàn tất các thủ tục để hưởng chế trợ cấp một lần. Ông Nề đã khóc khi nhận được quyết định- khóc vì đã được “minh oan”, khóc vì vẫn còn những người tận tâm làm việc để mang lại sự công bằng cho nhân dân.  

  • Văn Lực
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đầu tư trí tuệ vào 4 nội dung của đại hội đảng bộ cơ sở  (13/06/2010)
Nhiệm vụ của Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh rõ ràng hơn  (13/06/2010)
Xét tuyển 1.700 học sinh, sinh viên  (13/06/2010)
Chi 700 triệu đồng cho công tác tìm kiếm cứu nạn  (13/06/2010)
Cắt may thời nay  (12/06/2010)
Chuyện ở những “xóm nước mui”  (12/06/2010)
22 thí sinh đạt giải  (12/06/2010)
1 người hiến máu tình nguyện Bình Định được tôn vinh toàn quốc  (12/06/2010)
Cứu 18 ngư dân gặp nạn trên biển  (12/06/2010)
Tàu Bệnh viện USNS Mercy kết thúc hoạt động tại Bình Định  (11/06/2010)
100% số tổ chức cơ sở đảng đã tổ chức Đại hội   (11/06/2010)
Gắn với các phong trào thi đua   (11/06/2010)
Sơ kết dự án trợ giúp người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/dioxin  (10/06/2010)
Bắt đầu chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2010  (10/06/2010)
Khoảng 50% bệnh nhân AIDS được tiếp cận thuốc điều trị ARV  (10/06/2010)