Những ngày trước kỳ thi tuyển sinh đại học, đến Quy Nhơn ôn thi không chỉ là những “sĩ tử vai đeo lọ” mà còn có cả những bậc phụ huynh, không yên tâm việc ăn ở của con, cũng khăn gói đi theo. Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm nhưng họ có chung một mong mỏi con mình vượt qua vũ môn trong kỳ thi sắp tới.
|
Cầm phiếu đăng ký học luyện thi, ông Quế đặt tất cả hy vọng vào con. |
Anh Trần Xuân Quế, quê ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) quanh năm “bán mặt cho đất” làm rẫy nuôi sáu người con, lần đầu tiên có con chuẩn bị thi đại học nên tạm gác việc nương rẫy chở con đi ôn thi. Trên bàn tay còn sần sùi những vết gai cào của anh là tờ phiếu vừa đăng ký học cho con. Hơn 500 ngàn đồng tiền học, 250 ngàn đồng tiền trọ, còn lại 1 triệu đồng anh gói kỹ đưa cho con chi tiêu trong thời gian ở lại, chỉ giữ lại một ít để đổ xăng về. Số tiền đó, anh vừa phải bán thêm nửa chỉ vàng của người hàng xóm tốt bụng cho mượn khi nghe con anh đi học luyện thi. Anh kể: “Ở xóm có con đi thi đại học là sự kiện “to” lắm, tôi không có tiền định không cho con đi ôn nhưng bà con hàng xóm đã đến động viên, cho mượn. Họ nói đời mình khổ, phải làm sao đừng để con giống mình”. Đưa con đi ôn thi, anh chở theo cả niềm tự hào, sự hy vọng đổi đời của cả xóm. Lẫn vào niềm vui ấy là nỗi lo của người cha nghèo: “Tôi cũng chưa biết tính sao nếu nó đậu. Ở nhà có bốn con bò, không biết bán có đủ không”. Biết anh không có thông tin về chính sách cho sinh viên vay của Nhà nước nên tôi đã tư vấn cho anh. Nghe điều này, anh như vớ được phao, khuôn mặt mừng rỡ, tươi tắn hẳn lên…
Anh Nguyễn Chính Thi, quê ở Phù Cát, cũng lần đầu tiên đưa con đi ôn thi cho biết: “Ở Quy Nhơn có nhà bà con nhưng để con đi một mình tôi không yên tâm. Mình phải vào tận nơi để lo chỗ ăn, ở chu đáo cho nó”. Người cha chở theo một xe đầy, nào là sách vở, gạo, mắm, lo chỗ ở cho con xong ông lại lon ton chạy đi mua chiếu, gối, kem, bót đánh răng… Ông lo nỗi lo của cả người mẹ nhưng vẫn còn “sợ thiếu cái gì đó thì tội nó”.
Nhìn những hình ảnh ấy, tôi chợt nhớ đến câu thơ “Phận cha thấp, chí cha nung như lửa/ Con xúm xít học bài, mắt cha sáng bừng lên”. Vậy mà, hầu hết những người tôi gặp đều ít ai than phiền tiền bạc mặc dù họ rất nghèo. Ai cũng nói một câu chắc nụi: “ Không có thì vay!”. Quanh năm tảo tần, chắt chiu chi tiêu, nhưng nói đến việc học của con, ai cũng dốc hết sức mình.
|