Mới đây, Sở LĐ-TB-XH tỉnh phối hợp Hội trợ giúp người khuyết tật (NKT) Việt Nam tổ chức Hội thảo đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT nhằm tháo gỡ những khó khăn để ngày càng có nhiều NKT tìm được việc làm.
|
NKT làm nghề đan mây tại Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm. Ảnh: N.Phúc
|
* Ít doanh nghiệp nhận NKT
Theo kết quả nghiên cứu của Sở LĐ-TB-XH, hiện nay có trên 50% NKT trong độ tuổi lao động đang tham gia lao động sản xuất, trong đó chủ yếu là khu vực nông nghiệp (chiếm 70%), làm việc trong các ngành dịch vụ buôn bán nhỏ chiếm khoảng 5%. Tuy nhiên, phần lớn những NKT có việc làm không ổn định trong các cơ quan, doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát ngày 1.10.2009 về việc sử dụng lao động ở 2.350 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ có 26 doanh nghiệp có sử dụng 206 lao động là NKT, chiếm tỉ lệ 1,1% về số doanh nghiệp và 0,2% về số lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp.
Hiện nay, chỉ có 2 doanh nghiệp dành riêng cho NKT đó là DNTN 18.4 chuyên lắp ráp xe lắc tay, lắp ráp và sửa chữa mô tô dành cho NKT và Công ty TNHH Thành Hiệp chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu; số lao động tham gia làm việc ở 2 doanh nghiệp này còn quá nhỏ. Còn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thì hầu như không nhận lao động là NKT.
Hầu hết lao động là NKT thiếu trình độ nghề nghiệp, thiếu kỹ năng làm việc cho nên chỉ tham gia những công việc không cần đào tạo như chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp. Hầu hết NKT khi tham gia hoạt động kinh tế mang tính chất phụ giúp là chủ yếu, như phụ giúp bán hàng, bán vé số.
NKT chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời do tính chất của sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nên cũng khó khăn cho doanh nghiệp khi phải bố trí việc làm phù hợp với sức khỏe, đặc điểm của NKT.
* Tạo cơ hội cho NKT
Giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho NKT trong thời gian qua được chính quyền và các đoàn thể quan tâm. UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, thành lập Quỹ việc làm nhằm hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề cho NKT. Thế nhưng, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chính sách liên quan đến NKT còn hạn chế, nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa nắm bắt được quyền và nghĩa vụ đối với NKT nên chưa sẵn sàng tham gia.
Theo ông Võ Đình Minh, Chủ DNTN 18.4, cái khó hiện nay là số NKT trong và ngoài tỉnh đến doanh nghiệp xin học nghề, làm việc thì đông, trong khi đó, nhu cầu mỗi năm chỉ nhận từ 4-8 người. Hiện doanh nghiệp đang xúc tiến xây dựng dự án để vay vốn ưu đãi, mở rộng nhà xưởng, thu hút thêm nhiều lao động là NKT đến học nghề, làm việc. Ông Minh cho biết: “Việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT cần sự chung tay góp sức của nhiều thành phần, nhiều người”.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 32.372 NKT (chưa tính số khuyết tật là thương binh, bệnh binh) chiếm khoảng 2,02% dân số. Trong đó, nam chiếm 56,78%, nữ chiếm 43,22%. Về nguyên nhân gây khuyết tật có tới 36% do bẩm sinh, 32% do bệnh tật, 26% do hậu quả chiến tranh và khoảng 6% do tai nạn lao động. |
Chị Nguyễn Thị Dư, Giám đốc Công ty TNHH Thành Hiệp, nơi đang giải quyết việc làm cho 40 lao động là NKT, cho rằng: Giải quyết việc làm cho NKT, không phải đơn thuần là chỉ nhận họ và cho họ việc làm mà doanh nghiệp phải từng bước chỉ dạy, hoàn thiện nghề cho họ. Bởi bản thân và tâm lý của NKT thường tự ti mặc cảm, tự ái thái quá nên gặp không ít khó khăn trong công việc, vì vậy phải hiểu và thông cảm cho họ. Phải bố trí công việc thích hợp, đối với những dạng tật khác nhau của NKT. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn về sức khỏe, tâm lý, NKT có những ưu điểm là chịu khó làm việc và khi có điều kiện, họ cũng phát huy hết khả năng của mình.
Theo chị Dư, để giải quyết việc làm cho NKT ngày càng nhiều thì các cơ quan, ban, ngành phải đứng ra tổ chức các hoạt động đào tạo nghề có địa chỉ cho NKT. Các doanh nghiệp cùng nhau tham gia đào tạo nghề phù hợp và sau đó nhận NKT vào làm việc. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho NKT, vì hiện nay có rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ của NKT chưa được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động là NKT.
|