Ngày 28.6.2000, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 55-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em”. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, công tác BVCS&GDTE ở tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
5 nội dung cơ bản của Chỉ thị đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ là: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy đảng ở cơ sở về tính cấp bách cũng như tầm quan trọng của sự nghiệp BVCS&GDTE trong tình hình mới. Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chương trình kế hoạch hành động vì trẻ em hàng năm và 5 năm. Xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc; hàng năm tổ chức Ngày gia đình trong tháng hành động vì trẻ em (từ 15.5 đến 30.6) nhằm thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tổ chức kinh tế, xã hội… các cấp và ở từng địa phương, cơ sở, từng khu dân cư cần tích cực tham gia công tác BVCS&GDTE. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở cơ sở.
|
Các tổ chức xã hội tặng quà Tết cho trẻ em nghèo ở Phước Thắng (Tuy Phước). Ảnh: Văn Lưu |
Các cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác BVCS&GDTE đối với sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương; sự quan tâm chỉ đạo của các cấp thể hiện thông qua Nghị quyết, Chương trình hành động vì trẻ em với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, nhất là các Chương trình hành động vì trẻ em ở cơ sở. Ủy ban DS-GD&TE trước đây nay là Sở LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực BVCS&GDTE, nhất là BVCSTE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; vận động nhiều tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa (năm 2003 có 214 em được trợ cấp nuôi dưỡng thường xuyên tại cộng đồng đến năm 2009 tăng lên 427 em; có 16 em được các doanh nghiệp nhận nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành và có hàng trăm em khác được các cấp bộ Đoàn nhận đỡ đầu, chăm sóc); vận động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em (năm 2000 Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh huy động 449 triệu đồng, đến năm 2009 tăng lên 3,3 tỉ đồng); 11/11 huyện, thành phố và 155/159 xã, phường thị trấn có quỹ bảo trợ trẻ em. Quỹ này hàng năm đã chi hàng trăm triệu đồng cho công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Các chỉ tiêu vì trẻ em đạt được trong 10 năm qua
159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, tỉ lệ 100%; trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 100%; học sinh tiểu học trong độ tuổi được huy động đến trường đạt 100%; giảm tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 31,8% năm 2001 xuống còn 20,33% năm 2009; 82,5% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 70% số hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chăm sóc dưới nhiều hình thức; 85% trẻ em được vui chơi giải trí. |
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị, đến nay công tác BVCS&GDTE ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Một số mục tiêu cơ bản trong chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn (2001-2010) đã đạt được như: Chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em (giảm tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 31,8% năm 2001 xuống còn 20,33% năm 2009); 159 xã, phường, thị trấn đạt chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học tỉ lệ 100%, 155 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập THCS tỉ lệ 97,48%; 82,5% dân cư nông thôn được dùng nước sạch và 70% số hộ gia đình nông thôn có hố xí hợp vệ sinh; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chăm sóc dưới nhiều hình thức và có trên 85% trẻ em được vui chơi giải trí.
Xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc luôn được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện vì xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc là một yêu cầu cấp thiết đối với cuộc sống xã hội, gia đình còn là một môi trường giáo dục không thể thiếu đối với trẻ em. Xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc được các cấp ủy đảng cơ sở chỉ đạo thông qua các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, “Xã phường phù hợp với trẻ em”, “Xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa”… Hàng năm có hàng ngàn hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Các phong trào nói trên đã thực sự thu hút các cấp, các ngành tham gia và được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo nên một phong trào rộng lớn trong xã hội, qua đó, nâng cao nhận thức của các bậc ông bà, cha mẹ đối với công tác BVCS&GDTE, góp phần tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ em, giảm các tệ nạn xã hội và các vụ vi phạm quyền trẻ em.
|