Nghĩ về nghề báo
21:2', 20/6/ 2010 (GMT+7)

Ngày Nhà báo Việt Nam 21.6 lại đến với tràn ngập lời chúc tụng, với xôn xao ước vọng đẹp đẽ cho nghề viết. Các nhà báo nghĩ gì về nghề nghiệp của mình?

* Nhà báo Hữu Vinh (Báo Bình Định): Tự hào và trách nhiệm

Tự hào và trách nhiệm không chỉ dành riêng cho nghề báo, nhưng với nhà báo hai khái niệm này phải luôn được ghi nhớ, tâm niệm.

Càng sống lâu với nghề báo, tôi càng thấy rằng “hành sự” của ngòi bút nhà báo không dễ dàng chút nào. Là một nhà báo thì mỗi sự việc xảy ra trong đời sống đều đáng quan tâm và anh phải chọn lọc đưa lên báo như thế nào để bạn đọc hiểu đúng chứ không thể im lặng bỏ qua. Người dân có quyền được thông tin, nếu nhà báo hay tờ báo không làm tròn nhiệm vụ thông tin cũng có nghĩa là anh chưa hoàn thành nhiệm vụ. Tất nhiên những thông tin qua kênh báo chí đến bạn đọc đều chọn lọc, là thông tin cần công khai, có liên quan đến xã hội, giúp bạn đọc hiểu đúng vấn đề diễn ra trong đời sống.

Bạn đọc luôn đòi hỏi những thông tin mới, hữu ích, vì thế trách nhiệm của nhà báo càng lớn. Tên tuổi của nhà báo được sống trong lòng bạn đọc là hạnh phúc của người làm báo.

 

* Nhà báo Hà Tùng Sơn (Đài PT-TH Bình Định): Không phát triển đồng nghĩa với tụt hậu

22 năm trong nghề, tôi thấy làm báo là một công việc vất vả triền miên nhưng lại mê hoặc người làm nghề. Vất vả vì công việc cứ cuốn đi như nước chảy qua cầu, không có điểm dừng. Còn mê hoặc vì nó luôn mới mẻ và sinh động. Người làm báo hình ở cấp tỉnh như chúng tôi ngày nay đang đứng trước những sức ép rất lớn: Vì yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền ngày càng cao đòi hỏi phải liên tục tăng cả về số lượng lẫn chất lượng các chương trình; và các chương trình sản xuất ra và phát sóng không chỉ đúng mà còn phải hay. Muốn vậy phải luôn đổi mới cách thể hiện cũng như nội dung và đề tài phản ánh. Mặt khác, trong sự nở rộ của hệ thống truyền hình cả nước từ trung ương đến địa phương trên nhiều phương thức truyền dẫn như hiện nay, khán giả có rất nhiều điều kiện để chọn lựa các kênh truyền hình. Nếu kênh chương trình của mình không có chất lượng, không hấp dẫn sẽ bị khán giả gạt bỏ. Đã qua lâu rồi cái thời bật TV lên chỉ thấy có một kênh của đài tỉnh. Và vì thế, với ai thì không biết, chứ với dân truyền hình mà sớm thoả mãn, chủ quan, chỉ biết có tồn tại mà không lấy phát triển làm đầu thì cũng đồng nghĩa với sự tụt hậu đấy.  

 

* Nhà báo Trần Bá Phùng (Báo Bình Định): Nhà báo cần có nhiều cơ hội để va chạm

Có thể có đến một vạn nhà báo đổ mồ hôi sôi con mắt thực hiện bổn phận xã hội của mình, và cộng đồng coi đó là lẽ đương nhiên. Nhưng chỉ một vài nhà báo làm bậy tức thì cái câu “nhà đài nói láo, nhà báo nói thêm”… sẽ hiện lên trong tâm thức, thậm chí trên đầu môi cộng đồng ngay. Và thường những điều tốt đẹp tan biến!

Hiện nay, cái thiếu rất quan trọng mà chúng ta thường ít để ý đến của nghề báo, đó là thiếu cơ hội va chạm học hỏi để xem người ta đang làm như thế nào. Các nhà báo cần có nhiều cơ hội để va chạm ngay cả với giới trong nghề để có sự phát triển về nghề và cả tờ báo, nếu không sẽ không thể thoát khỏi vùng trũng. Mặt khác, báo chí ở địa phương cũng cần phải có một hành lang nhất định để bứt phá, phát triển.

 

* Nhà báo Mai Thìn (Đài PT-TH Bình Định): Trách nhiệm khó khăn của nhà báo là bảo vệ lẽ phải

Thời sinh viên, khi mới tập tành viết cho các báo, tôi còn nhớ lời khuyên của một nhà báo đàn anh: Trách nhiệm nhà báo là phải bảo vệ sự thật. Lời khuyên ấy theo tôi suốt gần 20 năm làm báo, giờ đây tôi nghiệm ra cho mình trách nhiệm của nhà báo là không chỉ bảo vệ lẽ phải, mà còn phải bảo vệ người nghèo.

Đây là việc nghe có vẻ chung chung quá, nhưng lại là trách nhiệm vô cùng khó khăn trong giai đoạn hiện nay của nhà báo. Bởi, lẽ phải thường hay bị bẻ cong vì nhiều thế lực (kể cả thế lực nội tại của bản thân nhà báo), còn người nghèo thì hiển nhiên là phải chịu mọi thua thiệt trong xã hội.

Nhà báo là người thường xuyên trực diện với hai đối tượng cần được bảo vệ này, vì thế đòi hỏi anh không chỉ có năng lực chuyên môn, mà còn phải hội đủ bản lĩnh, sự khôn khéo và lương tâm, trách nhiệm công dân. Trong những năm gần đây, báo chí trở thành chỗ dựa tin cậy của công chúng, của người nghèo. Nhiều vụ tiêu cực, nhiều oan sai đã được làm rõ nhờ nhà báo; và cũng nhờ báo chí mà người nghèo mới có điều kiện nắm bắt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiếp cận với khoa học kỹ thuật để tự thoát nghèo.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Niềm vui ngày gặp mặt  (20/06/2010)
Thực hiện sáng kiến “Bờ biển sạch từ trong ý thức cộng đồng”  (20/06/2010)
Báo chí Bình Định nỗ lực vươn lên tầm cao mới  (20/06/2010)
Bình Định khắc phục sự cố lệch điểm môn Hóa  (20/06/2010)
Đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương làm việc tại tỉnh ta   (20/06/2010)
Gặp gỡ các nhà báo Bình Định và doanh nhân đất Võ  (19/06/2010)
Gặp gỡ các nhà báo Bình Định và doanh nhân đất Võ  (19/06/2010)
Chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm  (18/06/2010)
Công tác trẻ em ngày càng được quan tâm   (18/06/2010)
Xây dựng 51 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo   (18/06/2010)
Gần 94% thí sinh đậu tốt nghiệp THPT   (18/06/2010)
Lãnh đạo tỉnh thăm và chúc mừng các cơ quan báo chí  (18/06/2010)
Kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao giải thưởng báo chí   (18/06/2010)
Khẩn trương di dời lồng bè ở bãi tắm Quy Nhơn trong tháng 6.2010  (18/06/2010)
Cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm chính sách dân số   (18/06/2010)