Học thi mùa World Cup
22:32', 21/6/ 2010 (GMT+7)

Mùa thi và ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, mới nghe chẳng thấy có mối quan hệ gì với nhau. Vậy nhưng, đối với những sĩ tử sắp bước vào giai đoạn “vượt vũ môn”, hay những sinh viên đang vật lộn với kỳ thi kết thúc học phần, thì cân đối thời gian cho việc ôn tập và xem bóng đá là cả một vấn đề nan giải…

Cái nóng của mùa hè và áp lực của mùa thi không đủ sức làm học sinh, sinh viên vơi đi tinh thần “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” trong mùa World Cup. Theo lịch, kỳ thi đại học bắt đầu vào đầu tháng 7. Nhiều sĩ tử đang ôn luyện thi đại học nhưng vẫn mê trái bóng Jabulani bắt đầu quên chuyện học hành, dù giải đấu chỉ mới bắt đầu. Hải, đăng ký thi vào ngành Sư phạm Vật lý, trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: “Ở lớp luyện thi của em, rất nhiều bạn đến lớp chỉ để… ngủ, vì đêm trước “chống mắt” xem bóng đá”.

 

Dù đang là mùa thi, nhưng rất nhiều sinh viên vẫn xem bóng đá hằng đêm. Ảnh: V.Q

 

Cậu học sinh quê ở Gia Lai này cũng thừa nhận mình là một “tín đồ” của môn túc cầu. Hải tỏ vẻ lo lắng khi mùa World Cup đang diễn ra mà kỳ thi đại học lại ở giai đoạn nước rút: “Em phải sắp xếp lại lịch học, tranh thủ thời gian học bài để tối xem bóng đá. Tuy rất mê, nhưng mỗi đêm em cũng chỉ coi 1 hoặc 2 trận đầu thôi, trận sau khuya quá, coi xong thì sáng hôm sau không lên lớp nổi”. Vì quỹ thời gian hạn hẹp, nên nhiều sĩ tử phải chọn cách “so bó đũa chọn cột cờ”, chỉ xem những trận hứa hẹn sẽ kịch tính, hoặc trận có đội tuyển mình hâm mộ thi đấu. Nhiều cô tú, cậu tú chỉ thầm ước kỳ thi đại học không diễn ra vào mùa World Cup!

Trong khi nhiều sĩ tử vì World Cup mà xao nhãng học hành, thì các bậc phụ huynh cũng lo ngay ngáy. Trước chỉ lo cho con chỗ nghỉ để ăn học, giờ lại thêm nỗi lo mang tên “quần đùi áo số”.

Sĩ tử thì như thế, còn sinh viên thì sao? Cũng chẳng khác gì mấy, bởi kỳ thi học kỳ II cũng đúng vào lúc khởi động mùa World Cup. N. Tỉnh, nam sinh viên lớp TH Sinh K30, Trường ĐH Quy Nhơn, phân bua: “Cũng khó nghĩ lắm chứ anh, bên học thi, bên bóng đá, bên nào cũng… quan trọng! Thi rớt thì có thể thi lại, nhưng xem Rooney, Ronaldo, Messi và những siêu sao khác đá bóng ở World Cup 2010 thì chỉ có một lần duy nhất thôi”. Thế nên, ở các khu trọ sinh viên hay ký túc xá đều nhộn nhịp mùa World Cup.

Sinh viên mùa World Cup phải học theo kiểu “mì ăn liền”, tức là học mọi lúc, mọi nơi có thể, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” để còn dành thời gian xem bóng đá. Cứ một đêm 3 trận mà hầu như trận nào cũng đông sinh viên xem. Giờ giải lao giữa hai trận, các sinh viên lại tranh thủ “nhai” lại bài vì sáng hôm sau phải thi tiếp.

Tuy nhiên, có không ít những sĩ tử và sinh viên “nén lòng” không xem bóng đá để tập trung cho mùa thi. Song, mỗi buổi tối, để tìm được nơi yên tĩnh tập trung học tập không phải dễ. Những tràng pháo tay cổ vũ cộng với tiếng la hét mỗi khi có pha bóng nguy hiểm làm cho nhiều người muốn học cũng không được, cuối cùng cũng chạy ra ngoài hưởng ứng. Trong môi trường tập thể thì World Cup cũng kéo theo không ít những phiền hà. Mất ngủ do bạn cùng phòng reo hò, ăn uống, nhiều người không nhịn được buông lời trách móc, có khi kêu ca với chủ nhà, song tình hình không cải thiện được mấy…

* * *

Khi những ngày đầu tiên trái bóng World Cup lăn trên đất nước Nam Phi, tôi lại nhớ về một người bạn từ thời sinh viên. World Cup 2006 tổ chức ở Đức, khi chúng tôi còn là sinh viên năm 2, chỉ vì cố thức xem trận đấu của đội Brazil ưa thích, người bạn của tôi đã trượt một môn chuyên ngành. Để rồi sau đó, phải thi lại, tích luỹ tới 2 lần, bạn mới trả được nợ, vừa kịp thời hạn xét điều kiện thi tốt nghiệp.

Và, cũng đã có không ít sĩ tử học khá giỏi, nhưng vì quá ham xem World Cup nên trượt đại học. Đối với các em, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” này là dồn hết trí lực cho kỳ thi đại học sắp đến. Yêu bóng đá là một sở thích hoàn toàn lành mạnh, song xét cho cùng, World Cup chỉ là một cuộc chơi. Có theo dõi trận bóng nào đó hay không vẫn không ảnh hưởng gì đến tương lai các em. Còn thi đại học, chỉ cần thua nhau nửa điểm trong kỳ thi thì số phận của hai con người sẽ khác nhau hoàn toàn. Mong rằng, các bạn trẻ biết nói không đúng lúc trước cám dỗ mang tên World Cup…

  • Việt Quân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phản ánh chất lượng dạy - học ổn định   (21/06/2010)
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri   (21/06/2010)
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng thăm và chúc mừng các cơ quan báo chí   (21/06/2010)
Nghĩ về nghề báo  (20/06/2010)
Niềm vui ngày gặp mặt  (20/06/2010)
Thực hiện sáng kiến “Bờ biển sạch từ trong ý thức cộng đồng”  (20/06/2010)
Báo chí Bình Định nỗ lực vươn lên tầm cao mới  (20/06/2010)
Bình Định khắc phục sự cố lệch điểm môn Hóa  (20/06/2010)
Đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương làm việc tại tỉnh ta   (20/06/2010)
Gặp gỡ các nhà báo Bình Định và doanh nhân đất Võ  (19/06/2010)
Gặp gỡ các nhà báo Bình Định và doanh nhân đất Võ  (19/06/2010)
Chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm  (18/06/2010)
Công tác trẻ em ngày càng được quan tâm   (18/06/2010)
Xây dựng 51 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo   (18/06/2010)
Gần 94% thí sinh đậu tốt nghiệp THPT   (18/06/2010)