NHÂN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN TUY PHƯỚC LẦN THỨ XX
Hành trình đi tới tương lai…
21:59', 22/6/ 2010 (GMT+7)

Nếu chỉ tính lợi thế là cửa ngõ TP Quy Nhơn để làm bệ phóng phát triển thì Tuy Phước “ăn đứt” các địa phương. Nhưng rốt lại, Tuy Phước ở cuối nguồn sông Côn, “chớm nắng đã hạn, chớm mưa đã lụt” nên cũng không thể được coi là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp và thủy sản của tỉnh…

 

Một góc thị trấn Tuy Phước. Ảnh: Xuân Vinh

 

Cách đây chừng chục năm, Tuy Phước tự hào với mỹ danh “làng lúa, làng hoa”. Rồi các xã khu Đông một thời “ăn nên làm ra” từ tôm, lại điêu đứng vì tôm. Chỉ duy có lúa là Tuy Phước thành công bởi đã chuyển đổi được gần 7.000 ha sản xuất 3 vụ bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc, sản lượng lương thực có hạt trên toàn huyện lần đầu tiên đã vượt qua ngưỡng 100.000 tấn/năm. 

Bây giờ, cũng sản xuất nông nghiệp, nhưng nông dân vùng quê này đã và đang đổi mới cung cách làm ăn, mạnh dạn hơn, khoa học hơn. Giờ đây Tuy Phước đã xuất hiện những “ngôi nhà chim yến” - một loại vật nuôi mới cho sản phẩm cao cấp về hàm lượng dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế - mà trước đây chỉ có ở thiên nhiên. Hay sự xuất hiện của rất nhiều trang trại chăn nuôi theo quy trình khép kín công nghệ châu Âu.

Tuy Phước bước vào thời kỳ đổi mới bằng sự kết hợp hài hòa sức mạnh nội lực và sự hỗ trợ từ bên ngoài để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - hạ tầng kỹ thuật. Nếu giai đoạn 2000-2005, Tuy Phước huy động tổng vốn đầu tư hơn 1.260 tỉ đồng thì từ 2005-2010, vốn đầu tư xã hội trên địa bàn huyện đã tăng gấp 3 lần. Vốn này được huyện ưu tiên triển khai hàng chục công trình, dự án về giao thông, hệ thống thủy lợi, đê điều phòng chống lụt bão, cung cấp nước sinh hoạt, xây dựng chợ đầu mối, hình thành các cụm CN-TTCN…

Và, khâu đột phá có tính chất quyết định cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện trong những năm qua phải kể đến là CN-TTCN và TMDV. Khoảng 2.600 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN chưa hẳn là con số xứng với tiềm năng của huyện, nhưng tỷ trọng 39% cơ cấu dịch vụ và 23% công nghiệp - xây dựng đã phần nào tạo ra “cú hích” phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phá thế độc canh nông nghiệp với những khu đô thị phát triển mạnh hoạt động nội thương như: Diêu Trì, Tuy Phước, Phước Lộc, Phước Sơn, Phước Hòa… 

Bây giờ, Tuy Phước không còn nhiều diện tích đất để xây dựng các cụm CN-TTCN hoành tráng, thay vào đó, huyện đã chọn cách phát triển bằng những điểm TTCN vệ tinh mọc lên gần như ở 13/13 xã, thị trấn của huyện.

Đầu năm 2010, thị trấn Diêu Trì và Tuy Phước khang trang hơn với chiếc áo mới “nhà có số, phố có tên”. Những trung tâm thương mại ở bắc cầu Hà Thanh, khu đô thị đa chức năng từ cầu Ông Đô đến nhà máy xi măng ở thị trấn Diêu Trì; khu đô thị liên hoàn Kỳ Sơn (Phước Sơn) - Gò Bồi (Phước Hòa)… cũng hứa hẹn cho Tuy Phước diện mạo mới.

Không chỉ lo làm giàu, người dân Tuy Phước còn hướng đến những tiêu chuẩn văn hóa để có một cuộc sống giàu và đẹp theo đúng nghĩa của nó. “Huyện đã coi việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn là thước đo cho hiệu quả của hệ thống chính trị” - ông Nguyễn Minh Trung, Bí thư Huyện ủy nói.

Đã mấy nhiệm kỳ rồi, điều làm cho các vị lãnh đạo huyện như ngồi trên đống lửa là chuyện nước sinh hoạt cho người dân các xã khu Đông. Vài năm trở lại đây, huyện kiên quyết tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 7.000 hộ dân, kể cả vùng đò ngang cách trở nhất là Cồn Chim (Phước Sơn). Hay như chuyện công trình bờ tràn, cầu đã từng bước khắc phục những khó khăn về giao thông ở vùng rốn lũ; đồng thời kết nối giao thông liên vùng, đánh thức tiềm năng nhiều vùng đất và góp phần mở ra cơ hội phát triển giao thương, thỏa mãn ước mong bao đời của người dân.

Con số thu nhập bình quân đầu người của huyện đã tăng gấp 3 lần so với năm 2004 chưa hẳn là cao, nhưng chuyện vui là tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm rất nhanh. Chỉ 5 năm, huyện đã hỗ trợ xây mới 1.400 căn nhà cho hộ nghèo, thuộc diện chính sách và nhà bị sập do bão lũ. Phong trào văn hóa - thể thao; xây dựng làng văn hóa phát triển mạnh. Rồi, chuyện đầu tư, sửa chữa, xây mới phòng học cũng là nỗ lực rất lớn để gieo cái chữ cho con em vùng khó khăn sống gần đầm Thị Nại…

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đại biểu Quốc hội tiếp tục tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong tỉnh  (22/06/2010)
Học thi mùa World Cup   (21/06/2010)
Phản ánh chất lượng dạy - học ổn định   (21/06/2010)
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri   (21/06/2010)
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng thăm và chúc mừng các cơ quan báo chí   (21/06/2010)
Nghĩ về nghề báo  (20/06/2010)
Niềm vui ngày gặp mặt  (20/06/2010)
Thực hiện sáng kiến “Bờ biển sạch từ trong ý thức cộng đồng”  (20/06/2010)
Báo chí Bình Định nỗ lực vươn lên tầm cao mới  (20/06/2010)
Bình Định khắc phục sự cố lệch điểm môn Hóa  (20/06/2010)
Đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương làm việc tại tỉnh ta   (20/06/2010)
Gặp gỡ các nhà báo Bình Định và doanh nhân đất Võ  (19/06/2010)
Gặp gỡ các nhà báo Bình Định và doanh nhân đất Võ  (19/06/2010)
Chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm  (18/06/2010)
Công tác trẻ em ngày càng được quan tâm   (18/06/2010)