Cả thế giới đang sôi sục cùng World Cup 2010, trong đó có cả những cô nàng yểu điệu thục nữ. Và cái cách họ cảm nhận về bóng đá hay thể hiện tình yêu, niềm đam mê của mình với trái bóng tròn cũng rất phụ nữ...
|
Con gái cũng đam mê quả bóng tròn không kém giới mày râu. Ảnh: Quốc Linh
|
* Cuồng nhiệt
Những ngày tháng 6. Dòng status trên blog của nàng là “Đức ơi, yêu Đức vô cùng!”, rồi “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng tình yêu Đức không bao giờ thay đổi”. Những người chưa biết sẽ tin chắc anh chàng tên Đức nào đó thật may mắn vì có được tình yêu nồng cháy của nàng. Còn những bạn bè thân của nàng thì biết tỏng, cái thằng cha làm nàng mất ăn mất ngủ hàng đêm kia chính là cỗ xe tăng tuyển Đức đang tranh hùng tại World Cup ở Nam Phi.
Nàng ở đây là Thùy Dung, một nhân viên kế toán và là bạn thân của người viết. Kể về tình yêu của mình với trái bóng, chị Thùy Dung nhớ lại: “Hồi nhỏ, chiều nào đi học về tôi cũng ra xem mấy anh lớn trong xóm đá banh, thấy vui vui, ngồ ngộ. Đến năm 12 tuổi, tôi chính thức coi Euro 88 và nghiện luôn ngay lúc đó”. Thế nhưng, hỏi vì sao Thùy Dung thích bóng đá thì chị lắc đầu: “Không thể lý giải được, cũng giống như yêu đội tuyển Đức, yêu đến cuồng nhiệt và không biết vì sao”.
Tính từ đầu mùa World Cup đến giờ, Thùy Dung không bỏ sót trận nào. Còn trước đó, những trận bóng hay của giải Anh, Ý, Tây Ban Nha, cúp C1, chị đều không bỏ qua.
Thông thường, đa phần con gái mê bóng đá vì thích đội tuyển đẹp trai hay một vài cầu thủ đẹp trai. Quỳnh Thi - nhân viên bán hàng một shop quần áo ở Quy Nhơn - cũng không là ngoại lệ. Đội tuyển Ý với những anh chàng điển trai mặc áo màu thiên thanh mà “đến cái áo thi đấu cũng đẹp ơi là đẹp” - như Quỳnh Thi nhận xét, đã hút hồn cô từ lần tình cờ xem World Cup 2002. Dẫu bận bịu với việc bán hàng nhưng lúc nào rảnh là cô lại vớ lấy mấy tờ tin nhanh World Cup đọc ngấu nghiến, nhất là những thông tin liên quan đến đội tuyển mình yêu thích. Khuya, cô luôn cố gắng theo dõi những trận bóng lúc 1 giờ 30 sáng, vì hai trận lúc chiều tối bận bán hàng không tập trung xem được.
Cũng mê bóng đá không kém là chị Như Hoa, một phóng viên truyền hình. Vì bận bịu công việc nên chị Hoa chỉ có thể xem World Cup 1-2 trận mỗi đêm. Còn lại, sáng hôm sau chị lên mạng xem kết quả và bình luận. Đội bóng mà chị Như Hoa yêu thích nhất là đội của những chàng vũ công Samba Brazil, sau đó là Argentina và Ý, còn cầu thủ chị yêu thích nhất là Messi của Argentina. Thích vậy, nhưng cũng như Thùy Dung, chị Như Hoa bảo không biết mình thích bóng đá vì lẽ gì. Suy nghĩ mãi, cuối cùng chị kết luận: “Có lẽ vì đó là môn thể thao không biên giới, nó kết nối mọi người trên cả hành tinh này và tôn vinh tinh thần đồng đội”.
* Hào hứng và hồi hộp
Thức đêm xem World Cup nhưng Quỳnh Thi không độc hành bởi thường có mẹ thức cùng, dẫu mẹ Thi không mê bóng đá cho lắm. Để tăng thêm hào hứng, Quỳnh Thi kéo mẹ vào cuộc cá độ với “phe” còn lại là ba và hai anh trai. Phe nào thắng độ sẽ được chung một chầu cà phê và ăn sáng. Hỏi thắng hay thua, Quỳnh Thi cười hì hì: “Bữa giờ thua hoài, nhưng mà vui. Nhờ những lúc chung độ mà cả nhà có nhiều dịp hơn để ngồi cùng nhau, nói chuyện vui vẻ, từ đó gắn bó hơn”.
Còn với chị Như Hoa, khi được hỏi về tình yêu với môn thể thao vua này, chị sôi nổi hẳn lên: “Những cảm xúc mà bóng đá mang lại thật tột đỉnh: hồi hộp tưởng chừng muốn rớt tim, đội bóng mình yêu thích thắng thì niềm vui vỡ òa, chỉ có 1 huy chương vàng mà tưởng giá trị như 11 chiếc. Còn nếu thua, nỗi buồn cũng vô kể, buồn hơn thất bại của tất cả những môn thể thao khác”. Chính vì thế nên chị Như Hoa kể, mỗi khi đội Brazil thi đấu, trong chị tồn tại hai cảm xúc trái ngược nhau: vừa hào hứng xem, lại vừa hồi hộp đến mức không dám xem, nhất là những pha cận thành.
Thùy Dung bảo, mọi người nói con gái mê bóng đá đến cuồng nhiệt như chị là hiếm. Chị kể lại một kỷ niệm với bóng đá. Đó là đêm diễn ra trận chung kết Euro 1992, giữa Đan Mạch và Đức và chị phải đi xem nhờ. Đọan đường đi xem nhờ dài hơn 1km, vắng vẻ và ngang qua nghĩa trang, mà ngay cả lúc trời chạng vạng nhiều người đã không dám đi. Ấy vậy mà lúc 2 giờ sáng bữa đó, chị băng băng đi (dù bình thường chị Dung rất sợ ma), trong đầu chỉ có hình ảnh của đội tuyển Đức trong trận cầu sinh tử. Và đến giờ này, tôi cũng không thể hiểu tại sao lúc đó mình dám đi. Mọi người gặp tôi đi xem đều rất ngạc nhiên. Và khi hết trận thì tôi sực tỉnh, sợ không dám về, phải nhờ mấy ông anh họ đưa về” - chị Thùy Dung cười.
Còn nói về đội tuyển Đức, chị như người lên đồng: “Có thể mọi người sẽ nói tôi cực đoan, nhưng ngay cả lúc tôi thi đậu đại học cũng không thấy hạnh phúc, vui như lúc Đức vô địch Euro 1996. Chắc thiên đường cũng tuyệt đến thế là cùng! Còn khi Đức thất trận, thì có lẽ, đó là địa ngục. World Cup 2006, Đức thua ở bán kết, tôi đã cắn tay đến rướm máu để khỏi bật khóc và ngồi trong đêm như thế đến sáng”.
Có lẽ không chỉ với cánh mày râu, với phụ nữ, sự tuyệt vời với bóng đá cũng không ngoài ý nghĩa để giải trí, và cao hơn giải trí là để học những bài học về tinh thần đồng đội, khát vọng vươn lên. Chỉ có chút khác là con gái mê đá banh thì hơi thiệt thòi, như chị Minh Anh, một tín đồ của túc cầu giáo, nhận xét: “Khi đội nhà mình thắng, mình không thể… cởi áo ăn mừng”.
|