Với con cháu người đã khuất, xây mộ là làm tròn chữ hiếu. Với những người thợ xây mộ, đó là nghề kiếm cơm nuôi cả gia đình. Vì mưu sinh, họ chấp nhận làm việc trong một môi trường đặc biệt, xung quanh là những ngôi mộ, thường xuyên chứng kiến cảnh chết chóc, tang thương…
|
Nghề xây mộ luôn tiếp xúc với “nhà” người cõi âm.
|
* “Sống nhà, thác mồ”
Sau khi rời quân ngũ, 2 anh em Trần Minh Quang, Trần Minh Như (ở khối Thiết Đính Bắc, thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn) đi gõ cửa khắp nơi để xin việc làm. Ngoài quyết định ra quân và giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS, các anh không có một tấm bằng chuyên môn nào, nên đi đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu lạnh nhạt. Cũng may, thời gian phục vụ trong quân ngũ, Quang và Như biết tập tễnh nghề “cầm bay, trộn hồ”, nên hai anh em xin “đầu quân” vào làm cho nhóm thợ nề chuyên xây mả do anh Trần Ngọc Sơn làm “thầu khoán”.
Ban đầu do tay nghề còn non nên các anh chỉ làm những công việc phụ tập kết vật liệu cát, đá, trộn hồ… “Khổ nhất là công đoạn vận chuyển nước từ khu vực nhà dân lên nghĩa địa. Mỗi lần đi lấy nước phải vòng vèo xuống hố lên đồi, đi về gần 2 cây số mới đưa được nước tới điểm xây dựng. Sau một ngày làm việc, thân thể như rã rời, đôi lúc muốn bỏ việc, nhưng được anh em động viên, chia sẻ nên chúng tôi mới bám trụ với nghề đến ngày hôm nay”- anh Quang tâm sự. Anh Quang cho biết, vì tính chất nặng nhọc, độc hại của người xây mộ, nên tiền công bao giờ cũng cao gấp đôi những công việc tay chân bình thường khác.
Ở các nghĩa địa nhỏ, hoạt động xây mộ có phần nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Trong khi đó, đối với những nơi chôn cất có quy mô lớn, cánh thợ xây mộ được tổ chức khá bài bản. Ở nghĩa trang Bùi Thị Xuân, Đội quản lý nghĩa trang và dịch vụ mai táng (thuộc Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn) hiện có cả thảy 31 người, chia thành 4 tổ, được phân công công việc cụ thể. Ở đây, việc xây dựng các ngôi mộ cũng có những quy ước chung. Một ngôi mộ có bề ngang 1,4m, chiều dài 2,6m, đường đi bên hông rộng 30cm, đường đi trước và sau rộng 60cm. Đất mai táng được cấp lần lượt theo quy hoạch phân khu, mộ xây theo quy cách, kích cỡ đã định.
Ngoài thợ xây, tại các nghĩa địa, nghĩa trang còn xuất hiện những người làm dịch vụ “ăn theo” như cung cấp vật tư chuyên xây dựng, khai thác đá ong xây móng, vận chuyển cát, cung cấp nước, trang trí và lau chùi mồ mả trong dịp Tết. Anh Phan Văn Điệu, chuyên “chạy” vật tư xây mộ ở nghĩa địa Bồng Sơn, cho biết: “Từ khi nghĩa địa hình thành đến nay đã giúp cho hàng chục người dân có công ăn việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định, nhiều người thoát nghèo, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn”…
|
Đưa nước đến nơi xây mộ là một công việc vất vả.
|
* Đánh đổi...
Hơn 15 năm gắn bó với nghề xây “nhà” cho người quá cố, anh Trần Ngọc Sơn chưa tới tuổi 45 mà mái tóc đã bạc gần nửa, gương mặt xanh xám, sần sùi, hậu quả của một thời gian dài dầm mưa dãi nắng, tiếp xúc với hơi độc của vùng đất chết… Anh Sơn tâm sự: “Làm nghề đặc biệt này, anh em chúng tôi không phải không biết sự độc hại của nó, nhưng vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống nên không bỏ được”. Nhiều năm qua, đã có không ít người trong nhóm thợ của anh Sơn lặng lẽ bỏ nghề như ông Châu, anh Lập, anh Phong. Họ là những người có thâm niên trong nghề, nhưng thường xuyên bị các bệnh ngoài da, viêm mũi…, sức khỏe ngày càng giảm sút, không trụ nổi với công việc nặng nhọc, độc hại này.
Ở nghĩa trang Bùi Thị Xuân, cánh thợ xây mộ thường không phải lo thiếu việc làm. Cái đáng lo nhất đối với họ là sức khỏe. Ông Mười Dân chia sẻ: “Có những đợt cao điểm, chúng tôi phải làm việc cạnh những cái mộ vừa chôn xong khoảng 2-3 tháng, thời điểm thi thể phân rữa nhanh, khí độc rất nhiều. Dân xây mộ đặc biệt sợ nhất là thời tiết đang nắng bỗng đổ mưa, những tay “cứng cựa” nhất cũng có thể đổ bệnh ngay. Dù thoa rượu, dầu phụng rất kỹ, nhưng vẫn không tránh khỏi các bệnh về da”. Nói đoạn, ông cho tôi xem hai bàn tay lốm đốm sẹo, dấu tích còn lại của những lần bị lở loét do nhiễm độc.
Những người xây mộ như anh Sơn hằng ngày làm việc quẩn quanh bên trên thế giới người chết, tinh thần đôi lúc cũng “ớn lạnh”, nhưng không dám làm ẩu, làm cho qua chuyện để lấy tiền. Anh Sơn trầm ngâm: “Anh em ở đây thường nhắc nhở nhau, cũng nhờ những người ở “cõi âm”, mình mới có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, nên phải làm theo đúng lương tâm trách nhiệm của mình, không được đòi hỏi gì khác hơn ngoài những quy định của chính quyền địa phương”.
* * *
Hiện nay, giá cho một “chỗ nằm” ở nghĩa trang Bùi Thị Xuân là 294 ngàn đồng. Song, chi phí để xây dựng một ngôi mộ thì không có “khung” nào cả. Những ngôi mộ đơn giản chỉ tốn vài triệu đồng, song cũng có không ít ngôi mộ trị giá bằng cả căn hộ đẹp của người đang sống. “Dân mình vẫn quan niệm chết là hết, đâu còn phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Nhưng đến nghĩa trang mới thấy rằng, chính người sống đang tạo ra sự phân hóa giàu - nghèo, tạo ra sự bất bình đẳng cho cõi âm”- một thợ xây mộ ngậm ngùi nói.
|