Có thể nói, gùi là một trong những vật dụng phổ biến nhất trong đời sống của đồng bào người dân tộc thiểu số. Đối với họ, chiếc gùi không chỉ là đồ đựng thuần túy mà còn là vật trang trí, thể hiện óc thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người đan. Những bàn tay tài hoa đã biến những sợi giang, sợi mây thành những chiếc gùi tinh xảo…
|
Đinh Văn Lơi, người đan gùi cao tuổi nhất ở Cà Bưng. |
1.
Nhiều lần đến làng Cà Bưng, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tôi được nghe người dân nơi đây nói về những chiếc gùi thân thuộc và những “bàn tay vàng” làm nên chúng. Người Bana có nhiều tên gọi khác nhau tương ứng cho mỗi loại gùi sau khi đan, tùy theo mục đích sử dụng của từng loại. “Proong” nhỏ đựng các vật dụng trong gia đình như thuốc men, kim chỉ; “proong” trung để đựng lúa, nan nhỏ, dày; “proong” lớn đựng mì, nan to, thân gùi có vô số lỗ vuông chừng 1cm2 để rút nước, rút đất khi rửa mì; “kroo” là loại gùi đi rẫy, đựng dao rựa dành cho đàn ông; “poom” nhỏ như nắm tay, đựng lúa giống để trỉa trên rẫy; “xui” giống cái lờ dùng để bắt cá bắt cua của người Kinh… Thật khó để kể hết “họ hàng” nhà gùi!
Trong ngôi nhà sàn của gia đình Đinh Văn Phô có đến hàng chục cái gùi lớn nhỏ. Cầm ra một cái “proong” trung, Phô chỉ cho tôi “pan” (chân gùi), “sao” (nan đứng), “nang” (nan ngang), “pout” (quai mang)… Anh còn cho tôi xem một chiếc “sác” được cất kỹ như bảo vật của gia đình: “Nó được 31 tuổi rồi đấy, từ hồi ba mẹ mình lấy nhau. Giờ vẫn chưa hư hỏng gì”. Quả vậy, chiếc gùi nhỏ được coi là quà cưới trong phong tục cưới hỏi của người miền núi này vẫn còn rất chắc chắn.
Chàng trai Bana này còn tiết lộ: “Cái gùi chỉ có đàn ông đan, nó chứng tỏ sự trưởng thành của họ, người nào đến tuổi lấy vợ chưa biết đan thì bị dân làng cười chê, khó lấy vợ lắm!”.
|
Gùi- một vật dụng phổ biến, một biểu trưng văn hóa của người dân tộc thiểu số. |
2.
Ở gần cuối làng Cà Bưng có một ngôi nhà sàn bé tẹo như vừa vặn một người ở. Một người đàn ông ngoài tám mươi ngồi bên bếp lửa, tỉ mẩn vót từng sợi giang. Ông là Đinh Văn Lơi, người cao tuổi nhất ở Cà Bưng sống bằng nghề đan với hơn 60 năm gắn bó với những nan gùi. Giờ đã có tuổi, tay chân ông có phần chậm chạp, tuy vậy đường nan vẫn còn sắc sảo lắm. Để đan được một cái gùi cõng lúa, ông phải mất khoảng 4 ngày, bán được 200 ngàn đồng.
Theo anh Nguyễn Trọng Sang, cán bộ văn hóa của xã Canh Thuận, người đan gùi đẹp nhất Cà Bưng phải nói đến Rah Lan Tâm. Năm nay 65 tuổi, nhưng Rah Lan Tâm đã biết đan thành thạo từ lúc 15 tuổi. Ông chia sẻ: “Nghề đan thường do cha dạy cho con, từ đời này qua đời khác. Người giỏi cũng mất 1 năm mới đan thành thạo, còn để làm nên những cái gùi đẹp thì cần nhiều thời gian hơn nữa”.
Ông Tâm bảo, để có được một cái gùi, khâu đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu, chủ yếu là giang và mây. Giang chặt về vót thành nan, phơi khô trong 10 ngày, sau đó vót lại cho đẹp. Mây dùng để làm quai gùi là mây đát (mây nước), cũng được phơi nắng khoảng 2, 3 ngày. Để có được những chiếc gùi đẹp và bền, khâu phơi nan, vót nan rất quan trọng. Người có kinh nghiệm, chọn được giang tốt, thì gùi để lâu lên màu nâu đỏ rất đẹp mắt.
Để vót nan gùi phải dùng cái mác có cán dài; lưỡi sắc, nhỏ, hình bán nguyệt. Những người đan gùi giỏi giữ gìn cái mác rất kỹ, bởi khi bàn tay đã “quen hơi” với mác, các nan gùi sẽ được vót dễ hơn. Và, “tuyệt chiêu” của những “bàn tay vàng” chính là kỹ thuật vót nan đều tăm tắp, nan có độ cong vừa phải.
Trong câu chuyện về những chiếc gùi, Rah Lan Tâm nhắc tới con trai Lơ O Đơn với lòng tự hào không giấu giếm. Đơn cũng có tài đan không kém cha mình, hơn nữa anh còn có năng khiếu về xây dựng, có thể tự mình làm được cả nhà sàn!
Ở Cà Bưng, hầu như người đàn ông nào cũng biết đan gùi, song số người đạt được trình độ tinh xảo như cha con Đơn chỉ đếm trên một bàn tay. “Người đan gùi cũng giống như con cái mình đi học, có đứa mới học lớp 1 lớp 2, nhưng cũng có đứa lớp 9 lớp 10”- Ral Lan Tâm hóm hỉnh nói.
|
Vót nan là công đoạn quan trọng, thể hiện “tuyệt chiêu” của những “đôi tay vàng”. |
3.
Gùi của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường được trang trí hoa văn tinh xảo, không chỉ là vật dụng gia đình mà còn là một sản phẩm du lịch độc đáo. Trong khi đó, gùi của người dân tộc thiểu số Bình Định đơn giản hơn nhiều về mặt hình thức. Ban đầu, họ đan gùi chỉ để đổi lấy công cụ sản xuất. Dần dần, trước nhu cầu của thị trường, người ta mới tính đến chuyện bán gùi, song vẫn còn mang tính nhỏ lẻ ở phạm vi làng xóm.
Người đan gùi lâu năm nhìn cái gùi là biết người đan; có lần đi chợ, nhìn một lượt, Ral Lan Tâm phát hiện có 4 cái gùi do mình làm. Đan gùi không đơn giản là tạo ra một vật dụng, mà còn gửi gắm vào đó niềm đam mê, sự trân quý đối với một biểu trưng văn hóa của đồng bào dân tộc. Dù thu nhập từ việc đan gùi không lớn, song họ phải đan thường xuyên, vì lâu không làm, tay mất cảm giác, vót nan không đều, tay đan không chặt nữa.
Khi cuộc trò chuyện với chúng tôi gần vãn, Rah Lan Tâm kể về chuyện đi rừng hái giang, hái mây. “Trước đây, chỉ cần quanh quẩn quanh nhà cũng dễ dàng tìm được nguyên liệu. Giờ, để hái được giang, mây, mình phải đi ròng rã hai ngày trời, vào sâu trong rừng kìa. Rừng của mình, giờ cái gì cũng hiếm...”- ông nói, mắt đăm đắm nhìn về vạt rừng xa xa, như trĩu nặng một nỗi niềm ưu tư…
|