Sáng 5.7, tại Hội đồng thi Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thang ở thôn Mỹ Hưng 1, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, thấp thỏm ngồi chờ con gái Nguyễn Thị Điệp. “Nó là đứa thứ hai trong nhà được đi thi đại học đấy. chị nó học xong cao đẳng, đã ra trường và đi làm trong Sài gòn rồi”- ông khoe. Nhà có 7 đứa con nhưng chỉ có 3 đứa sau này là được học hành đến nơi đến chốn, vì quá nghèo. Gia đình ông mới thoát khỏi hộ nghèo chưa được bao lâu, hiện vẫn còn trong danh sách “hộ cận nghèo”.
|
Cha mẹ luôn đồng hành với con trong mỗi mùa thi. |
Đợt thi này, hai cha con “lận lưng” 1 triệu bạc, vừa đủ chi tiêu trong mấy ngày qua. Sau đợt thi này, con ông sẽ tiếp tục thi đợt 2 và sau đó vào TP Hồ Chí Minh thi cao đẳng (15-16.7). Ông Thang tính toán: Tiết kiệm lắm cũng mất đứt 3 triệu bạc, tính ra cả tấn lúa chứ ít gì. Đó là lúa vụ đông, chứ vụ hè này thì phải hơn vì hạn nặng thế này, làm sao mà đủ nổi 250 kg lúa/sào. Không ít phụ huynh là nông dân người Bình Định gần đó cũng đồng tình: Một tấn lúa cho cả hai cha con đi thi là rất “tiện tặn”, bởi tiền xe đi vào TP Hồ Chí Minh hiện đã tăng gần gấp đôi so với ngày thường (320 ngàn-350 ngàn đồng/người/lượt).
Còn ông Trần Khắc Quyền, trồng cà phê ở huyện Krôngnô, Đắc Nông, thì để có tiền đưa con thi vào Trường ĐH Quy Nhơn (thi tại Trường tiểu học số 1 thị trấn Bình Định, An Nhơn) ông phải ứng tiền “cà non” của tư thương: “Hôm giá cà phê 20 (20.000 đồng/kg) tôi đã bán hết để trang trải nợ nần. Giá cà phê hiện 28 thì chẳng còn để bán. Được bao nhiêu tiền lại đầu tư cho vườn cà phê, nên khi đưa con đi thi phải ứng tiền trước”.
Phần đông phụ huynh khi thấy con làm bài không đạt như mong muốn, đều cố gắng an ủi, động viên con làm tốt môn sau. Nhất là các bà me, còn bàn với nhau không mua tập giải đề thi môn Toán, Vật lý vì sợ con thấy mà “mất tinh thần”. Ông Đoàn Ngọc Bình, ở TP Pleiku, Gia Lai thì bảo: “Tôi nói với con quan trọng là đậu tốt nghiệp THPT, chứ không đậu đại học năm này thì năm tới thi, không học đại học thì xuống cao đẳng, trung cấp. Có nhiều lối rẽ để vào đời chứ đâu nhất thiết vào đại học. Cha mẹ nào cũng muốn con đỗ đạt, nhưng không vì thế mà làm con mất tinh thần”.
|