Rộng lòng cùng sĩ tử
21:35', 6/7/ 2010 (GMT+7)

Hơn 80.000 thí sinh và gần nửa chừng ấy người nhà đưa con em đến Quy Nhơn dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 trong khi các khách sạn đã khóa sổ từ hai tháng trước. Nỗi lo chỗ trọ lúc nào cũng thấp thỏm trong họ. Trong tình cảnh đó, nhiều nhà dân ở Quy Nhơn đã mở rộng cửa “tiếp sức mùa thi”.

 

Những ngày thi vừa qua, bà Lã Thị Chương (ở số nhà 226 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn), luôn pha sẵn nước mơ chờ thí sinh đi thi về uống để lấy lại sức.

 

* Tấm lòng rộng mở

Cách đây gần 30 năm, anh Phạm Nhàn (quê ở Quảng Nam) về Quy Nhơn để thi, khi đến bến xe cũ (đường Ỷ Lan bây giờ) thì bị bạn xách hành lý đi lạc. Không còn gì trong tay, anh đứng giữa đường chực khóc. Một người đi đường thấy vậy đã đưa anh về nhà cho ăn ngủ, đến hai ngày sau mới tìm ra bạn. Lần này anh quay lại Quy Nhơn là để dẫn con đi thi, vẫn nguyên vẹn niềm tin sẽ không bị lạc lõng. Và đúng vậy, xe vừa xuống bến, các thanh niên tình nguyện đã tiếp đón cha con anh như người thân. Căn nhà anh được đưa đến gần điểm thi, thoáng mát, chủ nhà đón tiếp niềm nở. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng anh vẫn không kìm được xúc động: “Người Quy Nhơn rộng lòng và cởi mở. Vào những lúc này mới thấy được sự hào hiệp của họ”. Em Thới Bá Cao Thi ở Quảng Ngãi cũng tâm sự: “Chưa bao giờ đến Quy Nhơn nên trước khi đi em rất lo, không ngờ đến bến xe được chỉ dẫn nhiệt tình và giới thiệu chỗ ở miễn phí. Em nghĩ, cả trăm ngàn người về đây mà vẫn còn chỗ ở tốt thế này cho em, thật không còn gì bằng”. Hầu hết những thí sinh và người nhà mà tôi gặp đều có tâm trạng như vậy.

Ông Trần Văn Diệu, một tiểu thương ở thị trấn Diêu Trì, có hai căn nhà dùng để chứa hàng, nhưng năm nào cũng thu xếp để cho khoảng hơn 50 thí sinh đến trọ. Ông Huỳnh Văn Dũng nhà ở trước điểm thi Trường THPT số 1 Tuy Phước làm nghề bốc vác, còn vợ thì buôn gánh bán bưng ngoài chợ, hàng ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng đủ “đỏ lửa”, nhưng đã 5 năm nay, nhà ông trở thành địa chỉ tin cậy của chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Tuy nhà chật chội nhưng có năm, ông bà tiếp đón hơn chục thí sinh. Không chỉ cho ở miễn phí, gia đình ông còn chăm chút từng bữa cơm cho họ. Ngày thí sinh đi thi, bà bỏ chợ ở nhà nấu ăn. Bà Thử, vợ ông Dũng tâm sự: “Để các cháu ăn cơm bụi tôi không an tâm, lỡ đau bụng thì làm sao thi được”. Niềm vui của ông bà là sự trở lại thăm của thí sinh và gia đình khi có dịp…

Danh sách nhà ở giá rẻ và miễn phí ngày càng dài ra, những tấm lòng luôn trải rộng, nhiều gia đình đến tận tòa soạn báo để nhờ đăng tin chỗ trọ miễn phí cho thí sinh, có người rảnh rỗi cưỡi xe đi dọc đường xem thí sinh nào không có chỗ ở thì gọi về… Vậy nên lượng thí sinh về Quy Nhơn đông nhưng không có trường hợp nào thiếu chỗ ở.

 

Thí sinh cùng nấu cơm với gia đình ông Dũng- bà Thử.

 

* “Như sống ở nhà... ”

Anh Đặng Văn Tuyên (Phú Yên) chở con ra thuê phòng trọ ở đường Trần Bình Trọng, cho biết: “Gia đình chủ nhà rất thân mật, họ kê bàn cho học, quét dọn, lau nhà sạch sẽ, họ còn giặt quần áo giúp cho chúng tôi. Tôi nghĩ, mình là người rất may mắn”. Tôi gặp những phụ huynh đứng chờ con ở cổng trường thi, họ đều có những tâm sự như vậy. Ai cũng cho mình may mắn hơn và rất mến phục tình cảm của người dân ở đây. Sự thân thiện của gia đình làm người trọ thấy gần gũi như đang ở nhà của mình. Anh Tuyên cho biết thêm: “Nhà trọ rất hiểu tâm trạng của chúng tôi nên luôn tạo điều kiện để chúng tôi được thoải mái”. Anh kể, trước khi đi thi, cô chủ nhà nấu một nồi cháo thịt, đậu cho các cháu ăn mong rằng nồi cháo đậu giúp các cháu tự tin, thi đậu.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở hầu hết các nhà trọ người dân rất nhiệt tình, ai cũng xem thí sinh như con cháu của chính mình. Anh Phạm Văn Quyền (Quảng Nam) đã cố gắng huy động mọi từ ngữ để thể hiện sự mến phục của mình đối với người Bình Định. Anh kể lại câu chuyện ngày đầu tiên đến Quy Nhơn, khi đang loay hoay tìm hỏi đường, một cụ già đã dừng lại chỉ dẫn rất tận tình và còn nhắc: nếu không có chỗ ở thì về nhà tui. Riêng chị Loan, quê ở Quảng Trị thì ngỡ ngàng khi được một “áo xanh tình nguyện” đưa về ăn ở miễn phí trong khách sạn cao cả chục tầng.

Những ngày này, Quy Nhơn đang dốc hết sức mình cho kỳ thi. Từ nhà chùa, cơ quan, công ty đến nhà dân, nơi nào có chỗ ở trống đều sẵn lòng mở cửa đón thí sinh; những thanh niên tình nguyện ngồi suốt ngày giữa những ngả đường hừng hực nắng chờ đưa từng thí sinh đến chỗ trọ. Cả những bác xe ôm cũng vào cuộc khi lúc nào cũng sẵn trên tay những tờ bản đồ hướng dẫn cho thí sinh.

Theo thống kê của Tỉnh Đoàn Bình Định, chương trình “Tiếp sức mùa thi” đã khảo sát được 30.500 chỗ trọ giá rẻ và miễn phí. Ngoài hệ thống khách sạn, nhà ở của người dân đã đóng góp một phần rất lớn trong việc giải quyết chỗ trọ cho thí sinh ở các điểm thi thuộc cụm thi Quy Nhơn.

  • Trường Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hàng trăm xe đầu kéo đang chờ… tài xế  (06/07/2010)
2.701 hộ thiếu nước sinh hoạt  (06/07/2010)
Tổ chức đội xe thồ miễn phí  (06/07/2010)
Phấn đấu xây dựng 20 xã, phường đạt tiêu chuẩn   (05/07/2010)
Mở rộng điều kiện chuyển tuyến bệnh viện ngoại tỉnh   (05/07/2010)
Thực hiện tốt chính sách đối với người có công  (05/07/2010)
Triển khai nhiệm vụ quân sự - chính trị  (05/07/2010)
“Cõng” cả tấn lúa cho con đi thi  (05/07/2010)
Ông trưởng thôn giỏi khuyến học   (05/07/2010)
Đề thi khó hơn năm trước!  (05/07/2010)
Đề cao y đức và đổi mới lề lối công tác  (04/07/2010)
Tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ…  (04/07/2010)
An toàn, nghiêm túc  (04/07/2010)
Hoa tay trên những nan gùi   (03/07/2010)
Khám bệnh và hỗ trợ trang hiết bị y tế trị giá trên 367 triệu đồng  (03/07/2010)