“Bó tay” trước nạn hành khất?
21:42', 6/7/ 2010 (GMT+7)

Từ năm 2003, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án thu gom các đối tượng lang thang cơ nhỡ với mục đích làm cho phố phường văn minh, lịch sự hơn. Tuy nhiên, qua 7 năm thực hiện, tình trạng “cái bang” hoạt động vẫn không hề giảm, thậm chí còn nhiều hơn trước. Các đối tượng bị ngành chức năng tập trung, đưa lên Trung tâm Giáo dục xã hội, sau khi được người nhà bảo lãnh ra lại tiếp tục “bôn tẩu giang hồ” hành nghề cũ. Có người đã bị tập trung đến lần thứ tư, thứ năm vẫn cứ tiếp tục. Nói tóm lại, như “bắt cóc bỏ dĩa”.

 

Hai mẹ con cùng dắt nhau đi xin tại chợ Sân Bay, Quy Nhơn.

 

Theo tinh thần của Đề án thu gom người lang thang cơ nhỡ thì mọi địa phương đều có trách nhiệm tập trung các đối tượng lang thang vạ vật, xin ăn ngay trên địa bàn mình quản lý. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trịnh, cán bộ phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH tỉnh), thành viên của Tổ thường trực thu gom người lang thang cơ nhỡ thuộc Đề án của tỉnh (Tổ thường trực), thì các địa phương vẫn chưa tích cực thực hiện hoặc “đùn đẩy” trách nhiệm cho Tổ thường trực. “Đơn cử như huyện An Nhơn lâu nay vẫn lơ là công tác tập trung vì cho rằng địa phương không có tình trạng người lang thang, xin ăn (?). Hay như TP Quy Nhơn, chỉ thực hiện mỗi động tác là gởi công văn xuống cấp cơ sở, chứ còn việc trực tiếp thực hiện tập trung thì hầu như “đẩy” hết cho Tổ thường trực” - ông Trịnh nói.

Được biết, từ đầu năm 2010 đến nay, ngành chức năng đã tập trung được 50 đối tượng, trong số này, có nhiều đối tượng đã bị tập trung nhiều lần. Thậm chí, có người lâu nay vẫn hành nghề ở Quy Nhơn, sau khi bị điểm mặt nhiều lần đã chuyển địa bàn “hoạt động” ở Tuy Phước, An Nhơn. Có người đi xin ăn nhưng trong người có tiền, vàng trị giá gần chục triệu đồng.

Đáng phê phán hơn là không ít người coi sự sống bám vào xã hội, lợi dụng lòng tốt của người khác như một nghề thực thụ. Từ nghề ăn xin, họ mua sắm xe máy, tiện nghi trong gia đình chẳng thiếu gì. Chẳng thế mà, ở các chợ trong nội thành Quy Nhơn, xuất hiện không ít người già ăn mặc quần áo đàng hoàng, thậm chí còn mang cả cong ngọc, hoa tai vàng… đi xin. Buổi sáng họ đón xe buýt xuống các chợ ở Quy Nhơn “hành nghề”, trưa chiều lại về nhà. Cũng có những ông bố bà mẹ nhẫn tâm bắt con cái phải ăn xin để kiếm tiền, thậm chí còn đánh đập, chửi mắng con khi không kiếm được nhiều tiền hơn.

Thiết nghĩ, vấn nạn “cái bang” ngang dọc tung hoành không thể giải quyết rốt ráo nếu như trong xã hội vẫn tiếp tục còn người “nuôi dưỡng” họ bằng cách hào phóng với những bàn tay chìa ra… Đã  đến lúc chúng ta hãy nói không với những người ăn xin.

Quan trọng hơn nữa, phải có phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong việc ngăn chặn tình trạng tái diễn. Ngoài các chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo, cải thiện điều kiện sống, thì chính quyền và ngành chức năng cần có những biện pháp chế tài, xử lý thật nghiêm khắc những trường hợp cố tình tái phạm.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rộng lòng cùng sĩ tử  (06/07/2010)
Hàng trăm xe đầu kéo đang chờ… tài xế  (06/07/2010)
2.701 hộ thiếu nước sinh hoạt  (06/07/2010)
Tổ chức đội xe thồ miễn phí  (06/07/2010)
Phấn đấu xây dựng 20 xã, phường đạt tiêu chuẩn   (05/07/2010)
Mở rộng điều kiện chuyển tuyến bệnh viện ngoại tỉnh   (05/07/2010)
Thực hiện tốt chính sách đối với người có công  (05/07/2010)
Triển khai nhiệm vụ quân sự - chính trị  (05/07/2010)
“Cõng” cả tấn lúa cho con đi thi  (05/07/2010)
Ông trưởng thôn giỏi khuyến học   (05/07/2010)
Đề thi khó hơn năm trước!  (05/07/2010)
Đề cao y đức và đổi mới lề lối công tác  (04/07/2010)
Tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ…  (04/07/2010)
An toàn, nghiêm túc  (04/07/2010)
Hoa tay trên những nan gùi   (03/07/2010)