Trong 6 tháng đầu năm 2010, Bình Định có 676 ca sốt xuất huyết (SXH) Dengue và sốt Dengue, tăng 50% so với cùng kỳ 2009; tập trung chủ yếu ở TP Quy Nhơn, huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát. UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch.
|
Phun hóa chất diệt muỗi bằng xe ô tô ở các tuyến đường lớn trên địa bàn TP Quy Nhơn. |
* Chưa có sự bất thường
Đến nay, Bình Định đã có 2 trẻ em tử vong do SXH độ IV. Trong đó, em Nguyễn Thị Bích Ngọc (11 tuổi, ở thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) bị suy đa phủ tạng và em Trần Xuân Trí (7 tuổi, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) xuất huyết tiêu hóa. Các ca SXH độ II, IV đang có xu hướng gia tăng. Số ca tử vong sẽ còn tiếp tục tăng nếu không được phát hiện điều trị sớm.
Với số mắc tăng cao tại TP Quy Nhơn và ổ dịch nhỏ xảy ra nhiều ở một số phường: Ngô Mây, Đống Đa, Trần Quang Diệu, nguy cơ dịch SXH bùng phát trên quy mô toàn thành phố rất lớn. Trên địa bàn tỉnh, trong tháng 6 đã có 163 ca mắc SXH, tăng gấp 2,6 lần so với tháng 5; trong đó sốt Dengue 128 ca chiếm 78,5%, SXH Dengue 35 ca chiếm 21,5%; số mắc ở trẻ em dưới 15 tuổi là 53 ca, chiếm tỉ lệ 32,5%. Tình hình bệnh SXH tăng mạnh vào trung tuần tháng 6 ở TP Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát. Từ ngày 1.7 đến nay, số ca bệnh tại các địa bàn nói trên tiếp tục gia tăng.
Qua kiểm tra một số ca bệnh tại TP Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn, mới xác định được 2 tuýp huyết thanh lưu hành SXH tại Bình Định là DI và DII. Tiến sĩ Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, cho biết: “Hiện nay, mật độ bọ gậy và muỗi ở các tỉnh khu vực miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng tăng cao, diễn biến dịch bệnh phức tạp. Một số địa phương trong tỉnh có sẵn mầm bệnh. Thực tế, SXH tăng mạnh thời gian qua chủ yếu do sự gia tăng vectơ truyền bệnh. Hiện cũng chưa ghi nhận tình trạng bất thường nào về ca bệnh SXH trên địa bàn”.
* Chính quyền vào cuộc chưa mạnh, người dân lơ là…
Ông Lê Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Ngoài nguyên nhân khách quan như quy luật dịch tễ, điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường tăng sinh muỗi vằn truyền bệnh SXH phát triển; SXH gia tăng còn do chính quyền địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ, trong khi việc huy động cộng đồng tham gia phòng chống dịch là cực kỳ khó. Khi xử lý ổ dịch nhỏ, ngành Y tế diệt lăng quăng và phun hóa chất. Phun hóa chất xong, nếu người dân không kiểm soát được lăng quăng cho tốt, một tuần sau muỗi đã xuất hiện trở lại. Chưa kể, công tác phòng chống dịch còn hạn chế do thiếu kinh phí”.
Dẫn chứng cụ thể, vào đầu tháng 7, kết quả kiểm tra tại các điểm “nóng” của TP Quy Nhơn cho thấy, mật độ muỗi, tỉ lệ nhà có bọ gậy và chỉ số lăng quăng vẫn cao hơn ngưỡng an toàn. Gần đây nhất, ngày 6.7, Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn đã tiến hành giám sát công tác diệt bọ gậy, lăng quăng, phòng chống dịch bệnh tại phường Thị Nại. Kết quả, theo ghi nhận của chúng tôi qua kiểm tra ngẫu nhiên 10 hộ dân ở khu vực 2 thì 3 hộ có các dụng cụ chứa nước có lăng quăng và bọ gậy gây bệnh; 5 nhà có muỗi vằn truyền bệnh SXH. Đặc biệt, tại một số hộ dân, tỉ lệ nhà có muỗi rất cao.
Bà Mang Lệ Hà, Phó chủ tịch UBND phường Thị Nại, cho biết: “Phường cũng đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông trong cộng đồng, nhưng người dân vẫn còn thờ ơ, chủ quan. Ngay trong tuần này, phường sẽ tiến hành họp mở rộng các ban ngành, đoàn thể, khu vực… để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, ra quân diệt bọ gậy”.
* Nỗ lực ứng phó
Tháng 7, 8 là thời điểm bước vào mùa dịch SXH. Ngành Y tế tỉnh đang áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh SXH trước khi có sự chuyển mùa (trong và sau mùa mưa) như: tăng cường giám sát dịch tễ bệnh SXH nhằm phát hiện sớm để xử lý, tránh dịch bùng phát; diệt bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi; tuyên truyền phòng chống dịch.
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ, quần áo treo trên vách. Muỗi vằn chích hút máu người cả ngày lẫn đêm. Gia đình cần phải đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá diệt bọ gậy. Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe…), thay nước bình hoa mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi. |
Hiện tại, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đang triển khai kế hoạch phun hóa chất diệt muỗi và chiến dịch diệt bọ gậy chủ động phòng chống dịch SXH tại 8 phường, xã trọng điểm: Ngô Mây, Nguyễn Văn Cừ, Thị Nại (TP Quy Nhơn); thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước); Cát Khánh, Cát Tiến (huyện Phù Cát), thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) và xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn). Ngay khi có kết quả giám sát chỉ số mật độ muỗi tại phường Thị Nại và Bùi Thị Xuân, chiều ngày 6.7, Sở Y tế đã có công văn khẩn chỉ đạo Đội Vệ sinh phòng dịch (Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn) khẩn cấp phun hóa chất diệt muỗi ở các phường này.
Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn cũng phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ Bình Định thực hiện giám sát và phòng chống véc tơ SXH; tiến hành thử nhạy kháng và đánh giá hiệu lực diệt sinh học của các loại hóa chất diệt muỗi; phối hợp tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi.
Hiện nay, toàn tỉnh đang “ráo riết” tập trung dập dịch; nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tham gia tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; ý thức tự giác diệt lăng quăng, bọ gậy, loại trừ nguy cơ phát bệnh của mỗi người dân.
|