KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH NGUYỄN HỮU THỌ (10.7.1910 - 10.7.2010)
Bài I: Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ - Nhà trí thức yêu nước chân chính
9:53', 9/7/ 2010 (GMT+7)

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (1910 - 1996)

Ngày 10.7.2010, chúng ta kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, người trí thức yêu nước chân chính, nhà hoạt động chính trị – xã hội suốt cả cuộc đời gắn liền với những chặng đường lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc trong thế kỷ Hai mươi.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bí danh Ba Nghĩa, sinh ngày 10.7.1910, trong một gia đình viên chức tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Mới 11 tuổi, người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ đã xa gia đình một mình sang Pháp du học. Mặc dù hằng ngày tiếp xúc với văn minh phương Tây, nhưng người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ vẫn giữ được cốt cách con người Việt Nam, một dân tộc đang gồng mình chống lại ách thực dân. Sau 11 năm du học ở Pháp, trở về nước với tấm bằng Cử nhân Luật hạng ưu, luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm tập sự tại văn phòng luật sư  Đuy-kê-nay, sau đó mở văn phòng riêng ở Mỹ Tho; năm 1946, nhận chức Chánh án Tòa án tỉnh Vĩnh Long, rồi từ chức Chánh án lên Sài Gòn mở văn phòng luật sư tại nhà số 152 đường Đờ Gôn (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

Hành nghề luật sư trong những ngày cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp dìm trong bể máu; sau đó, khi đất nước vừa giành được độc lập chưa tròn một năm thì bị giặc Pháp trở lại xâm lược, chứng kiến những hành động dã man của bọn thực dân và tay sai tàn sát những người yêu nước; những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng... đã thức tỉnh lương tâm và trách nhiệm của người trí thức trẻ yêu nước Nguyễn Hữu Thọ. Bằng tấm lòng và kiến thức uyên bác về luật pháp, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tìm mọi cách để bênh vực quyền lợi cho những người dân bị chính quyền thực dân và tay sai đàn áp, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân hoạt động vì mục đích yêu nước. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ như "cái gai trước mắt", là "một phần tử nguy hiểm" đối với chính quyền thực dân, nhưng lại có uy tín lớn trong giới trí thức miền nam, là chỗ dựa tin cậy của những người dân bị áp bức, sự hậu thuẫn lớn cho hành động của các chiến sĩ cách mạng, được Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ trân trọng mời tham gia cách mạng để góp sức vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại Tổng hành dinh kháng chiến miền Nam. Ảnh: T.L

 

Ngày 25.4.1947, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị Chính phủ Pháp chấm dứt mọi hành vi chiến tranh, mở ngay những cuộc đàm phán nhằm đi đến một giải pháp hòa bình, sớm kết thúc chiến tranh. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tích cực vận động các nhân sĩ, trí thức ký vào bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn đòi Chính phủ Pháp đáp ứng yêu cầu chính đáng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ trong một tuần lễ đã có hàng trăm luật sư, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nhà giáo, nhà báo... ký tên vào bản Tuyên ngôn bày tỏ sự ủng hộ của mình.

"Ai cũng có một quê hương để yêu, một đất nước để bảo vệ và xây dựng, một dân tộc để phụng sự. Nhà trí thức không thể nghĩ khác, làm khác".

(Luật sư Nguyễn Hữu Thọ)

Đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 57 Ngày sinh của Bác Hồ, luật sư cùng một số nhân sĩ, trí thức tiêu biểu của Sài Gòn - Chợ Lớn trao bản Tuyên ngôn tận tay Cao ủy Pháp tại Đông Dương Ê-min Bô-la-e để chuyển về Chính phủ Pa-ri. Bản Tuyên ngôn được đăng trên báo tiếng Việt và tiếng Pháp, xuất bản trong nước và ở Pháp. Việc làm này đã tác động mạnh đến chính quyền thực dân ở Đông Dương và Chính phủ Pháp, là một bước quan trọng tập hợp lực lượng những người trí thức, các giới đồng bào yêu nước vào cuộc đấu tranh cách mạng ở miền nam thời bấy giờ. Tháng 5.1947, tại Chiến khu Việt Bắc, sau khi đọc bản Tuyên ngôn, Bác Hồ viết thư đánh giá cao việc làm yêu nước của giới trí thức Nam Bộ: "Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn sự ủng hộ của các bạn... Anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc". Nói chuyện với các nhà báo nước ngoài ngày 22.6.1947 về sự kiện này, Bác Hồ đánh giá: "Sài Gòn - Chợ Lớn là nơi quân Pháp đang chiếm đóng. Tỏ lòng ái quốc là một sự nguy hiểm cho người Việt Nam. Thế mà hơn 700 người trí thức và thương gia tư bản Việt Nam ở vùng đó vừa bạo dạn ký giấy đòi Chính phủ Pháp phải đàm phán với Chính phủ Việt Nam". Năm 1948, luật sư Nguyễn Hữu Thọ gia nhập Hội Liên Việt (cùng với Mặt trận Việt Minh, Hội Liên Việt là một hình thức tổ chức của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Đến năm 1951, hai tổ chức Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thống nhất thành Mặt trận Liên Việt), tiếp tục hoạt động đấu tranh hợp pháp giữa lòng địch ở thành phố Sài Gòn và miền nam.

  • T.H (Biên soạn)

(còn tiếp)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh  (08/07/2010)
Nhiều giải pháp đẩy mạnh phát hành báo Đảng trong khu vực  (08/07/2010)
Dân số thế giới sẽ tăng lên 7,8 tỉ người vào năm 2025?  (08/07/2010)
Bổ sung chế độ trợ cấp cho CBCC được cử đi học  (08/07/2010)
Thành lập phòng khám nam khoa  (08/07/2010)
79,1% thí sinh đến làm thủ tục dự thi  (08/07/2010)
Phát hiện côn trùng nghi bọ xít hút máu người   (07/07/2010)
Học sinh tựu trường ngày 10.8   (07/07/2010)
Tình hình phát triển KT-XH có tiến bộ   (07/07/2010)
Gần 32.500 đối tượng chính sách được nhận quà của Chủ tịch nước   (07/07/2010)
Cảnh giác với sốt xuất huyết ở trẻ em   (07/07/2010)
Chính quyền chưa mạnh, người dân lơ là  (07/07/2010)
Doanh nghiệp “khát” lao động kỹ thuật   (07/07/2010)
Tàu nước ngoài cứu 6 thuyền viên Bình Định bị nạn  (07/07/2010)
Chuẩn bị chu đáo, phục vụ tốt  (06/07/2010)