KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH NGUYỄN HỮU THỌ (10.7.1910 - 10.7.2010)
Bài II: Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ - Nhà hoạt động chính trị-xã hội có nhiều cống hiến cho đất nước
16:49', 9/7/ 2010 (GMT+7)

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (1910 - 1996)

Ngày 10.7.2010, chúng ta kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, người trí thức yêu nước chân chính, nhà hoạt động chính trị - xã hội suốt cả cuộc đời gắn liền với những chặng đường lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc trong thế kỷ Hai mươi.

Ngày 16.9.1949, Ban trí vận Thành ủy Sài Gòn - Gia Định tổ chức kết nạp luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại số 5, đường Léon Combes (đường Sương Nguyệt Ánh ngày nay) ngay tại trung tâm Sài Gòn đang bị địch chiếm đóng. Trước cờ Đảng, đồng chí thề suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Kể từ đây, mục tiêu, lý tưởng cách mạng ngày càng rõ hơn đối với con đường mà người trí thức yêu nước đã lựa chọn. Bằng sự tài giỏi về chuyên môn, sự sắc bén của lý lẽ và trách nhiệm của người chiến sĩ cộng sản, qua từng vụ án, đồng chí thường xuyên bênh vực các cán bộ kháng chiến, đấu tranh không mệt mỏi để đem lại quyền lợi cho người dân một cách hợp pháp trước tòa án của thực dân. Là một thành viên của Mặt trận Liên Việt, đồng chí trở thành linh hồn của những phong trào tập hợp, đoàn kết quần chúng đấu tranh cách mạng chống lại thực dân, đế quốc. Khi bị bắt, bị tù đày, đồng chí là tấm gương anh dũng sáng ngời về dũng khí cách mạng, không hề nao núng trước mọi thủ đoạn của kẻ thù. Khi trở thành lãnh tụ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam (MTDTGPMN) Việt Nam, đồng chí là nhân tố đoàn kết các giai tầng trong xã hội, chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Từng sự kiện trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã hun đúc thêm tinh thần yêu nước, trách nhiệm của một trí thức trước vận mệnh của dân tộc. Đồng thời, chính đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã tác động, thức tỉnh, tập hợp, đoàn kết mọi người... làm cho các sự kiện đó trở thành các "tiêu điểm" của cách mạng, lôi cuốn mọi người đi theo. Nhiều sự kiện nổi bật liên quan đến cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ còn mãi ghi lại những dấu ấn không phai mờ cho đến ngày nay như:

Vụ luật sư Nguyễn Hữu Thọ biện hộ cho anh Hoàng Xuân Bình, cán bộ Bộ Tư lệnh Khu 9 (tháng 5.1948) từ "tội phản quốc" do Tòa án chính quyền thực dân Pháp tuyên với mức án từ 5 năm khổ sai đến tử hình chỉ còn là "hoạt động lật đổ" với mức án ba năm tù giam. Đến đầu năm 1949, luật sư bảo lãnh cho anh Bình và kỹ sư Trương Công Phòng (một cán bộ khác của Khu 9) được tự do có điều kiện. Ngày 18.6.1949, anh Hoàng Xuân Bình được tổ chức sắp xếp đưa ra chiến khu hoạt động cách mạng.

Ngày 15.3.1950, với tư cách là Trưởng Phái đoàn đại biểu các giới tại Sài Gòn, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bào chữa cho dược sư Phạm Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn cùng với 21 nhà trí thức trong Ban Chấp hành Hội bị thực dân Pháp đưa ra tòa. Bằng lời lẽ đanh thép và lập luận sắc bén, luật sư buộc thực dân Pháp phải hoãn việc xét xử vô thời hạn 22 nhà trí thức của Hội Liên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn. Giới trí thức Sài Gòn phấn khởi, tin tưởng truyền tai nhau: "Chủ tịch Hội Liên Việt công khai" (tức Trưởng Phái đoàn đại biểu các giới) đấu tranh thắng lợi cho Chủ tịch Hội Liên Việt bí mật.

Phong trào bảo vệ hòa bình của trí thức Sài Gòn đòi thực dân Pháp thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ gắn liền với biệt danh "Ông Hòa Bình" của luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam duyệt một đơn vị vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.

 

Từ năm 1950 đến 1961, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bị thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam, quản thúc nhiều lần ở Sài Gòn, Lai Châu (Bản Giẳng - nơi "rừng thiêng nước độc" lúc bấy giờ); Sơn Tây, Hải Phòng, Phú Yên. Kẻ thù dùng mọi thủ đoạn từ áp bức, tra khảo dã man đến dụ dỗ, mua chuộc... suốt 9 năm tù đày đồng chí vẫn không hề nao núng, một lòng, một dạ trung kiên với nước, trung hiếu với dân, kiên trì con đường cách mạng. Cứ mỗi lần được trả tự do hay có điều kiện hoạt động là đồng chí lao vào công việc với quyết tâm và niềm tin sắt đá của người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Năm 1960, các giới, các chính đảng, các tôn giáo, các dân tộc... toàn miền nam tham dự Đại hội thành lập MTDTGPMNVN đều nhất trí bầu luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Mặt trận ngay giữa lúc luật sư đang còn bị chính quyền Mỹ - Diệm quản thúc ở Phú Yên.

"Đừng có ảo tưởng rằng những người quan liêu, bảo thủ sẽ tự giác trao cho nhân dân quyền dân chủ, tự giác cụ thể hóa để thực hiện sự nghiệp đổi mới. Vấn đề tùy thuộc rất nhiều vào sự đấu tranh của các tổ chức đại diện cho nhân dân là Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể...".

(Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN Nguyễn Hữu Thọ)

Cuối tháng 11.1961, đồng chí được cách mạng giải thoát khỏi nơi quản thúc của địch ở Phú Yên và về vùng giải phóng. Tại Đại hội lần thứ I MTDTGPMNVN, tháng 2.1962, đồng chí được bầu làm Chủ tịch MTDTGPMNVN. Tháng 3.1964, tại Đại hội lần thứ hai MTDTGPMNVN, đồng chí được bầu lại làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTDTGPMNVN. Tháng 6.1969, tại Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, đồng chí được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn.

Sau khi miền nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, tại Đại hội lần thứ nhất, thống nhất ba tổ chức Mặt trận thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) năm 1977 và Đại hội lần thứ hai (1983), đồng chí được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN. Tháng 11.1988, tại Đại hội lần thứ ba MTTQVN, đồng chí được cử giữ chức vụ Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN và được suy tôn là Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN tại Đại hội lần thứ tư MTTQVN, tháng 8.1994.

Năm 1976, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI và giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 4.1980, đồng chí được giao Quyền Chủ tịch nước, đến tháng 7.1981 được Quốc hội khóa VII bầu làm Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ qua đời tại TP Hồ Chí Minh năm 1996 để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Đồng thời, đồng chí đã để lại tấm gương sáng ngời về nhân cách, phẩm chất của người trí thức yêu nước, người chiến sĩ cộng sản chân chính và người lãnh đạo Mặt trận tiêu biểu. Nhận xét về đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: "Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị và xã hội mà tiếng tăm vươn khỏi ranh giới quốc gia, là một luật sư tài năng, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người Việt Nam trung hiếu, một nhân cách khả kính"

  • T.H (Biên soạn)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thí sinh hài lòng với kết quả thi  (09/07/2010)
Bài I: Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ - Nhà trí thức yêu nước chân chính  (09/07/2010)
Trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh  (08/07/2010)
Nhiều giải pháp đẩy mạnh phát hành báo Đảng trong khu vực  (08/07/2010)
Dân số thế giới sẽ tăng lên 7,8 tỉ người vào năm 2025?  (08/07/2010)
Bổ sung chế độ trợ cấp cho CBCC được cử đi học  (08/07/2010)
Thành lập phòng khám nam khoa  (08/07/2010)
79,1% thí sinh đến làm thủ tục dự thi  (08/07/2010)
Phát hiện côn trùng nghi bọ xít hút máu người   (07/07/2010)
Học sinh tựu trường ngày 10.8   (07/07/2010)
Tình hình phát triển KT-XH có tiến bộ   (07/07/2010)
Gần 32.500 đối tượng chính sách được nhận quà của Chủ tịch nước   (07/07/2010)
Cảnh giác với sốt xuất huyết ở trẻ em   (07/07/2010)
Chính quyền chưa mạnh, người dân lơ là  (07/07/2010)
Doanh nghiệp “khát” lao động kỹ thuật   (07/07/2010)