Lang thang và những phận người
21:6', 9/7/ 2010 (GMT+7)

Đó là chuyện về những người có gia đình, họ hàng ruột thịt nhưng vì những lý do khác nhau lại đi lang thang, phiêu bạt. Chuyện ghi tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh…

1. Ở cái tuổi 57, trông bà T.T.M vẫn còn khỏe mạnh, rắn rỏi lắm. Những năm bà lang thang kiếm sống bằng nghề mót giấy vụn, ai sai gì làm nấy ở chợ Bình Định (An Nhơn), chẳng ai nghĩ rằng cái bao mà bà luôn kè kè bên mình có giá trị hơn 64 triệu đồng: “11 năm tôi giận chị bỏ nhà đi, tôi tiết kiệm được bấy nhiêu tiền. Ăn nhín nhịn thèm, mỗi ngày chỉ dám ăn hai ngàn đồng tiền cơm, còn lại ai cho gì ăn nấy. Đêm đông rét mướt, thì ngủ nhờ dưới mái hiên nhà người ta, người cong lại như con tôm, hai chân xỏ trong cái bao tránh muỗi. Làm được bao nhiêu tiền, tôi để trong cái bao mình xách đi. Đi đâu tôi cũng mang theo, không dám hở ra cho người ta biết mình có tiền, sợ chết có ngày”.

 

Bé Hải con chị H. được một trại viên nhí của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tắm rửa cho.

 

Theo lời bà M, bà có nhà ở thôn An Cửu, xã Phước Hưng, Tuy Phước. Cha mẹ sinh được 4 người con. Đến nay người anh đầu đã mất; một chị lấy chồng ở trong thôn. Người chị kế và bà chẳng hiểu vì sao lại chẳng có chồng, ở cùng trên mảnh đất cha mẹ nhưng mỗi người sống một nhà. Tình chị em lạt hơn nước lã. Cách đây 11 năm, khi chỉ còn cách bốn ngày nữa là đến tết âm lịch, giữa hai người đã xảy ra xích mích. Người chị gái đã dùng cây đánh bà chảy máu mà đến giờ vẫn còn hằn sẹo trên trán, trên môi. Ban đầu bà chỉ định đi ra chợ Phú Đa (Phước Hưng) mua phân về bón ruộng, nhưng chẳng hiểu vì sao bước chân vô định lại khiến bà dừng bước ở chợ Bình Định mãi 11 năm. “Cái số tôi khổ, không chồng không con, tự lập thân. Nhưng điều buồn nhất là tôi đi chừng ấy năm mà không một người chị nào đi tìm kiếm…” - bà rân rấn nước mắt- “Sau này, tôi sẽ không lang thang nữa, mà về nhà làm ăn sinh sống đàng hoàng”.

“Thế nếu như chị bà lại tiếp tục la mắng, hành hung bà nữa thì sao?” -”Không, nếu có gì thì tôi báo chính quyền chứ”. Chuyện tình cảm chị em bà vì đâu nên nỗi, chỉ có người trong cuộc mới biết, nhưng dù sao cũng thấy thật đáng tội cho những người mà tình thân “máu chảy ruột mềm” lại lạt lẽo đến vậy.

2. Năm 2006, chị Võ Thị Kim H. (Hoài Nhơn) đã được đưa về đây trong lúc lang thang ở các chợ Quy Nhơn. Khi ấy thằng con của chị mới hơn 1 tuổi. Trở lại, thì thằng bé “nói như két” và “sỏi sạn” lắm rồi- như lời nhận xét của cán bộ trung tâm. “Con tên Hải, 5 tuổi. Nhà con ở Tam Quan, ba con bỏ đi lâu rồi. Con còn bà ngoại. Má hay đánh con ở lưng lắm….”- thằng bé vừa nghĩ, vừa nói, điệu bộ như “ông cụ non”. Chị H. hiện đang mang thai đứa con thứ tư, dù tuổi đã 42. Hai đứa con lớn hiện ở thị trấn Diêu Trì, làm thuê. Cuộc sống lang thang vạ vật, ngã đâu là giường, cộng thêm với chứng “tàng tàng” của chị… hậu quả là những đứa bé ra đời, nhưng không được nuôi dạy một cách tử tế. Tương lai của Hải rồi sẽ ra sao, cả đứa em chưa ra đời của nó nữa!

3. Nhắc đến ông Hoàng Kỳ P., trên 90 tuổi ở Phước Sơn, Tuy Phước, thì có lẽ những người làm công tác thu gom đã “nhẵn mặt” từ nhiều năm nay. Dù có gia đình và có vợ nhưng ông P. lang thang xin ăn từ nhiều năm nay. Lần nào bị “thu gom” ông và vợ ông cũng hứa sẽ không tiếp tục tái phạm nữa, nhưng rồi lại vẫn “ngựa quen đường cũ”. Cuối cùng, đành phải đưa ông P. ra Trung tâm BTXH nuôi dưỡng. Vậy nhưng, vợ của ông thường xuyên đến Trung tâm, la hét đòi gặp chồng, xin cho chồng được về nhà. Bà thương chồng đến thế hay vì một điều gì khác. Ai còn có thể tin bà nữa hay không, khi mà người ta đã biết rằng ông P. vẫn là lao động chính, hàng ngày vẫn phải đi xin về để chu cấp, nuôi sống mình và cả người vợ vẫn còn khỏe mạnh, chưa đến 60 tuổi của ông.

4. Một cán bộ ở Trung tâm cho hay, người có gia đình lang thang, xin ăn thường có những lý do cho việc làm của mình: vì không muốn phụ thuộc, vì buồn con cái không chu toàn nghĩa vụ, trong khi con cái lại nói rằng mình không hề để cha mẹ như thế. Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ, vì những lý do khác nhau vẫn có những phận người lang thang, xin ăn trong khi vẫn còn gia đình, người thân ruột thịt… thì thật là đau xót; và rồi có người lại tiếp tục cho ra đời một thế hệ kế tiếp mà tương lai cũng chẳng sáng sủa gì, như mẹ con chị H, để lại gánh nặng cho xã hội.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Biểu dương các điển hình tiên tiến ngành BHXH tỉnh  (09/07/2010)
Bài II: Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ - Nhà hoạt động chính trị-xã hội có nhiều cống hiến cho đất nước  (09/07/2010)
Thí sinh hài lòng với kết quả thi  (09/07/2010)
Bài I: Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ - Nhà trí thức yêu nước chân chính  (09/07/2010)
Trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh  (08/07/2010)
Nhiều giải pháp đẩy mạnh phát hành báo Đảng trong khu vực  (08/07/2010)
Dân số thế giới sẽ tăng lên 7,8 tỉ người vào năm 2025?  (08/07/2010)
Bổ sung chế độ trợ cấp cho CBCC được cử đi học  (08/07/2010)
Thành lập phòng khám nam khoa  (08/07/2010)
79,1% thí sinh đến làm thủ tục dự thi  (08/07/2010)
Phát hiện côn trùng nghi bọ xít hút máu người   (07/07/2010)
Học sinh tựu trường ngày 10.8   (07/07/2010)
Tình hình phát triển KT-XH có tiến bộ   (07/07/2010)
Gần 32.500 đối tượng chính sách được nhận quà của Chủ tịch nước   (07/07/2010)
Cảnh giác với sốt xuất huyết ở trẻ em   (07/07/2010)