Cả nước đang đẩy mạnh thực hiện CNH-HĐH, hòa nhập với nền kinh tế thế giới, phấn đấu đến năm 2020 nước ta trở thành một nước công nghiệp. Để làm được điều đó, một trong những yếu tố mang tính quyết định là phải xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ KHKT, đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao đủ sức đảm đương nhiệm vụ.
Đối với tỉnh Bình Định, yêu cầu đó cần được thực hiện một cách hiệu quả bằng sự quyết tâm cao để không những không bị tụt hậu mà còn phải trở thành một trong những địa phương trọng điểm phát triển về KT-XH của khu vực miền Trung. Trong phạm vi bài này, người viết muốn trao đổi một số suy nghĩ xung quanh vấn đề thực hiện đánh giá, quy hoạch đội ngũ cán bộ.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay cơ cấu cán bộ lãnh đạo, quản lý với chuyên môn kỹ thuật; cơ cấu độ tuổi, dân tộc, giới… tại một số địa phương, đơn vị còn thiếu đồng bộ, chưa hợp lý; chú ý cán bộ lãnh đạo, quản lý hơn chú ý đội ngũ cán bộ chuyên môn, chuyên gia kỹ thuật. Công tác quy hoạch cán bộ ở một số địa phương, đơn vị chưa được thực hiện một cách triệt để, thậm chí có một số trường hợp đề nghị bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý không nằm trong quy hoạch. Nhìn chung, ở những nơi đó, quy hoạch cán bộ chỉ là hình thức, chưa có tính chọn lọc, tính khả thi. Một số nơi tuy có thực hiện quy hoạch cán bộ nhưng môi trường làm việc của cán bộ chưa được đánh giá một cách triệt để về thực hiện nhiệm vụ.
Trên phương diện nghiên cứu, xin đưa ra một số ý kiến nhằm làm rõ thêm vấn đề.
Thứ nhất: Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương; nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy về quy hoạch cán bộ trong thời kỳ mới cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành. Thực tế cho thấy, ở địa phương, đơn vị nào làm tốt việc quán triệt, nâng cao nhận thức trách nhiệm, chuẩn bị kỹ các bước thực hiện, nội bộ đoàn kết, thống nhất, thì công tác tổ chức cán bộ nói chung, công tác đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ cho những đối tượng đó thường nhẹ nhàng và có hiệu quả. Để làm tốt vấn đề này, đòi hỏi mỗi cấp ủy, người đứng đầu phải có phương pháp để tạo được sự thống nhất cao, phát huy tối đa dân chủ trong mỗi đơn vị.
Thứ hai: Việc đánh giá, quy hoạch cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phức tạp trong công tác tổ chức cán bộ, trong việc xây dựng chất lượng của hệ thống chính trị, do vậy mỗi cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị cũng như các cơ quan chức năng làm công tác cán bộ phải có trách nhiệm cao, quan điểm khách quan để đánh giá đúng, toàn diện và chính xác về phẩm chất, năng lực đích thực của mỗi cán bộ, nhất là những đối tượng được xem xét để quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Những đồng chí ở vị trí càng cao trong hệ thống chính trị càng phải có sự nhìn nhận, đánh giá mang tầm thực hiện nhiệm vụ của những vị trí đó. Để đưa cán bộ vào quy hoạch hay không quy hoạch, cần lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cá nhân làm thước đo chính, trong đó yếu tố không thể thiếu là bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức. Để có cơ sở đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu cơ bản của cán bộ làm cơ sở thực hiện công tác quy hoạch cần tiếp cận nhiều kênh thông tin về cán bộ ấy.
Thứ ba: Công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ đòi hỏi phải mang tính khoa học, phải có sự rà soát, bổ sung. Cho nên phải làm chặt chẽ từng khâu, từng bước và cũng cần phân định rõ cấp nào nên làm trước, cấp nào làm sau để đảm bảo tính logic. Trong quá trình thực hiện quy hoạch cán bộ cần xác định trọng tâm, trọng điểm để phục vụ cho từng thời kỳ, từng giai đoạn, nhưng dù gì cũng cần xác định xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ KHKT, công nhân kỹ thuật tay nghề cao phải đồng thời và gắn kết hữu cơ với nhau; thực hiện có hiệu quả về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo trình độ cao ở mọi khâu, mọi cấp, kể cả đào tạo trong nước và nước ngoài. Có như vậy mới đẩy mạnh được việc phát triển KT-XH một cách đồng bộ.
Thứ tư: Các địa phương, đơn vị phải nhìn nhận rằng việc xây dựng được quy hoạch cán bộ đòi hỏi nhiều công đoạn nhưng để bảo vệ quy hoạch đi đúng định hướng lại là một việc công phu hơn. Do vậy sau khi đã quy hoạch, thì liền kề phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, giúp đỡ để cán bộ có điều kiện rèn luyện, học tập, phấn đấu, không bị những tác động xấu, những mặt trái của cơ chế “thị trường” làm hư cán bộ, dẫn đến “sượng” quy hoạch, hay có những trường hợp được xem xét quy hoạch nhưng không được chú ý rèn luyện, bố trí sử dụng hợp lý, thường gọi là “quy hoạch treo”. Nhưng đồng thời cũng phải nhìn nhận rằng công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ không là “khả thành bất biến” làm một lần là xong, mà phải rà soát, bổ sung một cách thường xuyên, định kỳ và liên tục.
Trên đây là một số suy nghĩ bước đầu, mạnh dạn nêu ra để cùng trao đổi xoay quanh vấn đề đánh giá, quy hoạch cán bộ trong giai đoạn hiện nay, mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi để làm sáng tỏ thêm vấn đề này.
|