Người ta nói nghề báo là một nghề khó khăn, nguy hiểm. Tuy không phải là kẻ “lớn mật”, nhưng cái máu làm báo cứ trỗi dậy trong tôi mỗi khi nghe một thông tin, một sự kiện nóng. Tôi không phải là phóng viên của một tờ báo nào, trong tay không hề có tấm thẻ hay giấy giới thiệu, chỉ mang chiếc máy ảnh, giắt cuốn sổ. Vậy là đi.
|
Các nhà báo tác nghiệp. Ảnh: Trang Xuân Chi
|
Càng đi, tôi càng thấy nhiều cảnh đời, nhiều góc sáng tối của cuộc sống, nhiều tâm sự muốn được bày tỏ, nhiều tấm gương sáng vẫn còn khuất lấp nơi xa hơn ống kính của phóng viên. Những ngày đầu, khi tiếp cận nhân vật, tôi vẫn còn nhiều lúng túng, nhút nhát, nhưng nghĩ đến trách nhiệm lớn lao của một người viết báo, nghĩ đến “cuộc sống” sau những bài viết, tôi mạnh mẽ hơn.
Nhớ lần nhận điện thoại của một phóng viên Báo Bình Định lúc nửa đêm, anh rủ tôi theo chân lâm tặc ở cửa rừng Ân Nghĩa (Hoài Ân). Một “lời mời” thật hấp dẫn, không suy nghĩ tôi “ô kê” liền. Ngay trong đêm, chúng tôi ăn mặc bụi bặm, mượn một con xe “3 không” như lâm tặc tiến thẳng lên cửa rừng. Đêm ấy, sau khi thu thập được nhiều hình ảnh và thông tin bổ ích, chúng tôi quyết định vào UBND xã khi đã hơn 1 giờ sáng. Bị kiểm lâm, dân quân trực đêm xét giấy, chúng tôi lục hết túi mới biết mình không có một tấm giấy tùy thân nào. Vậy là bị tạm giữ chờ xử lý. Hơn 3 giờ sáng, chúng tôi mới được người quen nhận mặt và được trả tự do. Hơn 2 giờ làm “tù nhân” với tội danh là “lâm tặc” đã giúp chúng tôi có được nhiều cảm xúc trong bài phóng sự “Cuộc chiến chống lâm tặc ở Ân Nghĩa” trên Báo Bình Định.
Một lần khác, vào cuối năm 2008, tôi cùng một số phóng viên của Báo thực hiện loạt bài “Chặn tiền hỗ trợ của ngư dân theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ ở Hoài Nhơn”. Dù được báo trước có một số đối tượng đang chờ nhà báo xuống để “hỏi thăm”, nhưng chúng tôi vẫn không chùn bước. May mà trời hôm ấy mưa to, chúng tôi trùm áo mưa kín mít nên không bị phát hiện…
Cái khó khăn nhất của những người viết báo không thẻ như tôi là tiếp cận các cơ quan chức năng. Chỉ cần họ hỏi “Anh là ai?” thì chỉ có “chết đứng”, thậm chí còn có khả năng bị gán cho tội này tội nọ. Nhiều lúc nghe bạn bè khuyên: “Ai khen đâu mà liều lĩnh vậy?”, tôi chỉ cười trừ. Người viết báo luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình. Đó là, nói lên được sự thật. Tôi hiểu, để bớt “nguy hiểm” cho mình, người viết cần thiết phải “dẫn nguồn”, mà cụm từ này luôn ám ảnh những người viết báo không thẻ như tôi.
Tôi sống bằng đồng lương của nghề khác. Mỗi lần nhận nhuận bút là một lần vui. Niềm vui được hưởng công lao của mình, niềm vui được khao bạn bè (nhiều khi gấp mấy lần nhuận bút)… Và, hơn thế, nó đánh dấu công lao và trách nhiệm của mình. Trách nhiệm trong đưa tin và trách nhiệm với nhân vật của bài báo. Mỗi lần đem lại niềm vui cho ai cũng là niềm vui của chính mình. Và ít nhất tôi cũng một lần được vui như thế khi viết bài “Chuyện của ông Ba mù”. Sau khi báo đăng, gia đình ông Ba mù được bạn đọc hỗ trợ hơn 250 triệu đồng, tuy không cứu được người vợ ông, nhưng cũng an ủi phần nào cho ba cha con ông trong phần đời còn lại.
|