TRẺ EM LÀNG BIỂN:
Loay hoay tìm “sân chơi”
21:20', 13/7/ 2010 (GMT+7)

Thiếu cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí. Trò chơi phổ biến ở các làng biển chỉ là… chạy nhảy trên bãi biển, bơi lội. Ở một số địa phương, tình trạng cha mẹ đi biển dài ngày, trẻ em thiếu sự chăm sóc, quản lý chặt chẽ càng tạo điều kiện cho các em lêu lỏng, giam mình cùng game online trong 3 tháng hè…

 

Sân chơi của trẻ em làng biển chỉ là bãi biển (ảnh chụp ở xã đảo Nhơn Hải).

 

* Nghỉ hè chỉ thế này thôi

Ông Mai Văn Xịn, Khu vực trưởng khu vực 9, phường Hải Cảng (quen gọi là Hải Minh, TP Quy Nhơn) nói sơ lược về đời sống văn hóa, vui chơi giải trí ở làng mình: “Đây là một khu dân cư biệt lập, có 400 hộ dân với gần 2.500 nhân khẩu chia làm 6 tổ dân phố sống trên diện tích đất ở chừng 6.000m2. Không nhà sách, không công viên. 3 tháng hè, trẻ em Hải Minh chỉ biết ở nhà, chơi đùa trên bãi biển, lớp thiếu niên lớn hơn thỉnh thoảng vượt đảo vào Quy Nhơn, đi nhà sách đọc “cọp”, đi công viên, chơi các dịch vụ trò chơi điện tử…

Xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) có 8 thôn, gồm 6 thôn nông nghiệp và 2 thôn ngư nghiệp (An Quang Đông và An Quang Tây, gọi chung là vùng Đề Gi) với khoảng 2.500 học sinh cả 3 cấp. Theo anh Nguyễn Ngọc Bình, bí thư xã đoàn Cát Khánh, ở những hộ ngư nghiệp, tình trạng cha mẹ đi biển dài ngày, các con “tự sống”, “tự chơi” trong mùa hè khá phổ biến. Toàn xã Cát Khánh có trên 10 tiệm internet, tập trung vùng Đề Gi, đối tượng sử dụng đến hơn 90% là thiếu niên và thiếu nhi. Một số phụ huynh chọn giải pháp cho con đi học thêm tại nhà giáo viên địa phương, hoặc gởi con vào học hè, học năng khiếu ở Quy Nhơn.

Chung tình trạng trên, anh Ngô Quang Hoàng, bí thư xã đoàn Nhơn Hải cho biết: “Học sinh Nhơn Hải hè về lại lâm vào tình trạng thiếu sân chơi. Toàn xã có 4 khu dân cư; có 605 học sinh thuộc 3 cấp 1, 2, 3. Nhơn Hải đất chật người đông, trước mặt là biển, núi liền sát sau vách nhà, địa điểm, cơ sở vật chất vui chơi giải trí hầu như chưa có, toàn xã chỉ có 2 điểm internet. Sân chơi của trẻ em Nhơn Hải chính là bãi cát và mặt biển, chơi đùa trên cát, đá banh, bơi lội. 3 tháng hè là quãng thời gian không ngắn, việc sinh hoạt hè tháng 1-2 lần, vài buổi nói chuyện chuyên đề, diễn đàn, vài chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn… không thể đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho các em. Điều may là, Nhơn Hải nhỏ, địa bàn co cụm toàn “người nhà” với nhau, con cái mỗi hộ đều quen mặt nên việc quản lý trẻ trong dịp hè cũng đỡ vất vả”.

* Tổ chức hè: Phải có kinh phí

“Hè năm 2009, chúng tôi vận động được 5 triệu đồng tổ chức chương trình “Hè vui” trong 2 ngày, thu hút trẻ em toàn xã đến tham gia, vui chơi. Năm nay chương trình này không thể thực hiện vì không tìm ra kinh phí. Ấp ủ của những người làm công tác đoàn chúng tôi là hiện thực hóa mô hình trại hè thành hoạt động thường niên, các em tạm thời xa gia đình, sống trong môi trường tập thể cùng trang lứa, cùng tham quan dã ngoại, lao động vừa sức và vui chơi văn nghệ, thể thao… Chúng tôi đã lên chương trình cụ thể, dự toán kinh phí khoảng 15 triệu đồng. 15 triệu đồng mỗi năm để tổ chức Trại hè, hoàn toàn bằng huy động trong nhân dân, kêu gọi tài trợ là một thách thức lớn”- anh Bình chia sẻ.

Lâu nay, việc sinh hoạt hè của thanh thiếu nhi địa phương hầu như được khoán cho Đoàn thanh niên, vai trò của các tổ chức đoàn thể khác khá mờ nhạt. Thêm vào đó, kinh phí hoạt động hè cho một cơ sở đoàn dường như tỉ lệ nghịch với yêu cầu tạo một mùa hè vui tươi, bổ ích. Trên thực tế, việc tổ chức vui hè cho trẻ em không được các địa phương bố trí ngân sách. Những người làm công tác đoàn tại địa phương phải tự thân vận động, kêu gọi tài trợ, phụ huynh đóng góp nếu muốn tổ chức một chương trình sinh hoạt hè tương đối.

* Chúng ta mắc nợ...

Nghỉ hè là thời gian để các em thư giãn, nghỉ xả hơi để lấy năng lượng cho năm học kế tiếp. Việc tạo một mùa hè phù hợp, hấp dẫn và bổ ích cho các em đang rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Khi nhắc đến trẻ em và chăm sóc trẻ em, chúng ta thường nói “hãy dành những gì tốt đẹp nhất đang có cho trẻ em”. Nhưng giữa lời nói và hành động thực tế vẫn còn một khoảng cách quá xa. Người lớn mắc nợ trẻ con những mùa hè vui tươi, nhẹ nhõm và sinh động. Chúng ta lại hay đưa ra quá nhiều lý do để giải thích món nợ này. Năm qua, năm nay rồi có lẽ sẽ còn nhiều năm nữa, thực trạng này sẽ tái hiện khi hè về.

  • Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trao tặng 15 sổ tiết kiệm cho cựu TNXP Bình Định  (13/07/2010)
Góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội  (13/07/2010)
Giám sát việc chấp hành pháp luật trong thi hành án dân sự  (13/07/2010)
Nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương  (12/07/2010)
Đề nghị thành lập Trường phổ thông đa cấp Chu Văn An  (12/07/2010)
Dự kiến ngày 17.7 công bố kết quả thi vào lớp 10 THPT   (12/07/2010)
Kỳ tích của cô bé mồ côi   (12/07/2010)
Yên ả một mùa thi   (12/07/2010)
Mở khóa học tiếng Anh thương mại  (12/07/2010)
Tập trung xây dựng nền QPTD, gắn thế trận QPTD với ANND vững chắc…  (11/07/2010)
Lâm Hoàng Duy Khánh- đảng viên trẻ năng động  (11/07/2010)
Đảng bộ Phòng Tham mưu: Tham mưu đúng, trúng mọi mặt công tác  (11/07/2010)
Ngày 12.7, khai mạc Đại hội Đảng bộ Quân sự tỉnh  (11/07/2010)
Không xảy ra tình trạng ứ khách trong các ngày thi ĐH  (11/07/2010)
Tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh  (11/07/2010)