Từ ngày 1.7.2010, Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản chính thức có hiệu lực. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Lê Công Tâm, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh để hiểu cụ thể hơn vấn đề này.
|
Một buổi bán đấu giá công khai tại Trung tâm.
|
* Ông có thể cho biết ý nghĩa của việc ban hành Nghị định 17/NĐ-CP?
- Pháp luật về bán đấu giá tài sản tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc củng cố và phát triển các tổ chức bán đấu giá. Đặc biệt, từ khi có Nghị định 05/2005/NĐ-CP, hoạt động bán đấu giá đạt được những kết quả đáng kể. Số vụ ủy quyền bán đấu giá được công khai, minh bạch; tài sản bán đấu giá cao hơn giá khởi điểm, thu ngân sách nhà nước tăng. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về bán đấu giá tài sản chưa hoàn chỉnh, còn một số tồn tại nhất định, nhận thức của các cấp, các ngành chưa thống nhất. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng những kẽ hở để thông đồng, dìm giá, bảo kê làm cho các cuộc bán đấu giá thiếu tính khách quan, gây thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trước tình hình đó, Chính phủ ban hành Nghị định 17/NĐ-CP để điều chỉnh những tồn tại, hạn chế trên.
* Những điểm mới của Nghị định 17/NĐ-CP là gì?
- Nghị định điều chỉnh việc bán đấu giá các loại tài sản như: tài sản thi hành án; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tài sản là quyền sử dụng đất… Nghị định cũng quy định tiêu chuẩn trở thành đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá và “mọi cuộc bán đấu giá đều phải do đấu giá viên điều hành”. Đây là điểm mới đáng chú ý, giúp đội ngũ đấu giá viên trở thành những người hành nghề chuyên nghiệp.
Điểm mới nữa là quy định đơn vị được phép tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp gồm: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Đồng thời quy định 2 loại hình hội đồng: Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện có chức năng bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do cơ quan tịch thu từ cấp huyện trở xuống. Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt được thành lập để bán các tài sản có giá trị lớn, phức tạp bao gồm cả tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Nghị định còn quy định rõ trách nhiệm giải quyết khiếu nại, bồi thường thiệt hại do lỗi của đấu giá viên, thành viên của Hội đồng gây ra trong khi thực hiện việc bán đấu giá. Điều này giúp giải quyết tình trạng “cha chung không ai khóc” nếu có khiếu nại sau khi cuộc đấu giá kết thúc.
Nghị định quy định rõ: Tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, tổ chức phát triển quỹ đất được phép ký kết hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá. Tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá và UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản bán đấu giá. Đặc biệt, Nghị định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản. Sở Tư pháp giúp 2 đơn vị nói trên thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bán đấu giá tài sản và là cơ quan thực hiện việc đăng ký danh sách đấu giá viên của tổ chức bán đấu giá tài sản trên địa bàn.
* Điều đó tác động như thế nào trong việc tổ chức bán đấu giá tài sản?
- Như đã nói, Nghị định 17/NĐ-CP mang tính thống nhất cao trong quá trình bán đấu giá tài sản. Việc phân định cụ thể đơn vị đứng ra bán đấu giá tài sản hạn chế được tình trạng tổ chức bán đấu giá tràn lan như hiện nay. Nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan được phân định cụ thể sẽ tạo ra “tiếng nói chung” trong quá trình tổ chức bán đấu giá. Mọi cuộc bán đấu giá đều có sự tham gia của đấu giá viên và thông qua Hội đồng bán đấu giá (do Sở Tư pháp quản lý) giúp quá trình đấu giá diễn ra đúng thủ tục, trình tự, công bằng, minh bạch. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn, từng bước đưa hoạt động bán đấu giá trở thành một loại hình dịch vụ chuyên nghiệp.
* Xin cảm ơn ông!
|