Trong những ngày qua, thông tin về một loài bọ xít hút máu người tại Bình Định và một số tỉnh thành đã gây xôn xao dư luận và nhiều ý kiến khác nhau của người dân về nguy cơ gây bệnh từ vết đốt của loài bọ xít này.
Theo khảo sát của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, bọ xít hút máu người thu thập được ở Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến nay đều là loài Triatoma rubrofasciata - loài bọ xít hút máu thuộc giống Triatoma Laporte. Ở Việt Nam trước đây chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu về các loài bọ xít hút máu thuộc giống Triatoma Laporte. Tuy nhiên, có một số tác giả trong và ngoài nước đã ghi nhận sự có mặt của chúng.
Đây là loài bọ xít hút máu người có 3 đôi chân. Đầu, thân và các phần phụ khác nhẵn. Ở rìa thân có sọc màu vàng rất dễ thấy bằng mắt thường. Bọ xít hút máu người có màu nâu đặc trưng, không có mùi hôi, chỉ đốt người vào ban đêm và đốt những người đã ngủ nên chưa có ai thấy trực tiếp bọ xít đốt người.
khi bị bọ xít đốt, tại vết đốt có hiện tượng đau, ngứa, sưng tấy lan rộng ra xung quanh. Sau 3-5 ngày một số vết thương tự lành không để dấu vết gì, một số vết đốt vẫn còn thẫm màu. Tất cả những người bị đốt đều không có biểu hiện sốt, không có biểu hiện buồn ngủ.
Kết quả xét nghiệm máu những người bị bọ xít đốt chưa phát hiện ký sinh trùng Trypanosoma hoặc các hình thể có hình dạng trùng roi Trypanosoma trên lam máu.
Trong thời gian điều tra, nghiên cứu để có những biện pháp phòng chống chủ động và hữu hiệu hơn, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đề nghị các Trung tâm và cơ sở y tế tiếp tục giám sát các dấu hiệu bất thường của người dân khi bị bọ xít đốt; vận động người dân ngủ màn, dùng biện pháp cơ học giết bọ xít.
Dù đến thời điểm này ở nước ta chưa phát hiện ra trường hợp nào bị bệnh do bọ xít truyền, nhưng bọ xít đốt đau và ngứa. Vì vậy, tại các vết đốt nên rửa sạch với xà phòng, không gãi gây các vết xước trên da; đến Trung tâm Da liễu để được hướng dẫn chăm sóc vết thương hoặc uống thuốc chống sưng, dị ứng cần thiết. Bảo vệ cá nhân bằng cách ngủ trong màn tránh bọ xít đốt, nếu màn có tẩm hóa chất diệt côn trùng thì càng tốt. Nếu thấy có bọ xít hút máu người xuất hiện trong nhà, khe tủ, dưới đệm, giường tốt nhất là dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho côn trùng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Ngoài ra cũng có thể ngăn cản sự sinh sôi, phát triển của loài côn trùng này bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên vệ sinh các nơi ẩm thấp như khe giường, gầm tủ, gầm giường, dưới đệm; có thể dùng các hóa chất dùng trong y tế, như Permethrin 50EC, Fendona 10SC, ICON 10 WP (nhóm hóa chất pyrethroid), liều 30mg nguyên chất/m2 để phun.
|