Nghề sửa chữa điện thoại di động
17:55', 14/7/ 2010 (GMT+7)

Số lượng người sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) ngày càng tăng lên, nhu cầu chăm sóc những “chú dế” cũng tăng theo tỉ lệ thuận. Nghề sửa ĐTDĐ nhờ đó mà “phất”…

* Nghề hút giới trẻ

Không phải là ngẫu nhiên mà nhiều bạn trẻ lại tìm đến với nghề sửa chữa ĐTDĐ. Bởi, nghề này được đánh giá là một trong 100 nghề đắt giá nhất thế kỷ 21, trong khi nhiều nơi lại đang thiếu trầm trọng đội ngũ kỹ thuật viên sửa chữa ĐTDĐ lành nghề.

 

Các học viên đang học nghề sửa chữa ĐTDĐ tại cửa hàng ĐTDĐ Tân trên đường Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn). Ảnh: Nguyễn Phúc
 

Ngày nay, ĐTDĐ không còn là mặt hàng quý hiếm, nhiều tiền hay ít tiền đều có thể “xài”. Máy nào cũng là máy, cũng có lúc trục trặc. Nghề sửa chữa ĐTDĐ hình thành và phát triển ngày càng nhanh, đã thu hút nhiều bạn trẻ.

Ở Bình Định hiện chưa có thống kê chính xác bao nhiêu người làm nghề sửa chữa ĐTDĐ, nhưng con số thực tế có lẽ không ít. Nhu cầu về sửa chữa điện thoại đang có chiều hướng gia tăng theo số lượng máy xuất hiện trên thị trường cũng như các cửa hàng, tiệm ĐTDĐ mọc lên khắp nơi. Ngoài ra, do yêu cầu của khách hàng sửa chữa ĐTDĐ lấy liền nên mỗi cửa hàng, tiệm phải có ít nhất từ 2 thợ trở lên.

Việc đào tạo nghề sửa chữa ĐTDĐ hiện nay trên địa bàn tỉnh đều phụ thuộc vào các cửa hàng, tiệm ĐTDĐ, với mức phí từ 7 triệu đến 8 triệu đồng/khóa.

Theo những người dạy nghề, máy ĐTDĐ gồm 2 phần: phần cứng điện tử và phần mềm tin học. Vì vậy, để có thể sửa máy ĐTDĐ, trước tiên người học phải hiểu về điện tử và tin học. Chức năng của máy ĐTDĐ ngày càng phong phú nhưng kích thước ngày càng bé nên các linh kiện điện tử trong máy rất nhỏ. Ngoài khả năng đo đạc, kiểm tra, tìm hỏng, người học phải chú trọng đến việc thực hành thành thạo các kỹ năng: khò hàn, thay thế, làm chân IC... Người học phải chịu khó khổ luyện thì đôi bàn tay mới đủ khéo léo, đôi mắt mới đủ tinh tường để có thể thao tác trên máy.

Trước khi học sửa các bệnh của ĐTDĐ, học viên phải học cách sử dụng các chức năng của máy, cách bấm các mã số bí mật... Muốn trở thành người thợ giỏi trước hết phải là một người sử dụng thành thạo.

* Thu nhập khá

Hiện nay, mức lương của một kỹ thuật viên sửa chữa ĐTDĐ trên địa bàn tỉnh dao động từ 2 triệu đến 4 triệu đồng/tháng, tùy năng lực tay nghề và tùy quy mô cửa hàng, tiệm.

Theo anh Nguyễn Minh Tân, chủ cửa hàng ĐTDĐ Tân trên đường Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn), sửa chữa ĐTDĐ là nghề theo nhu cầu xã hội nên số lượng người đến đăng ký học ngày càng nhiều, vả lại sau khi ra nghề lại có việc làm và mức thu nhập tương đối cao. Thời gian qua, số học viên đến học nghề tại cửa hàng sau khi ra nghề hầu hết đều có việc làm. Người thì về nhà mở cửa hàng kinh doanh và sửa chữa điện thoại, thu nhập hàng tháng rất cao. Có người xin vào làm việc cho các cửa hàng điện thoại.

Nguyễn Văn Lý, ở xã Phước Sơn (Tuy Phước), sau khi thi đại học rớt, đã xuống Quy Nhơn đăng ký học nghề sửa chữa ĐTDĐ. Sau 8 tháng học, tay nghề em đã khá vững, ra nghề đã có cửa hàng điện thoại trên đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn nhận vào làm việc, với mức lương tháng đầu tiên 1,5 triệu đồng, giờ tăng lên 2,5 triệu đồng/tháng. Lý cho hay: “Nghề sửa chữa ĐTDĐ đang thịnh, lại phù hợp với giới trẻ, ra nghề không sợ bị thất nghiệp”.

Anh Nguyễn Viết Thành, chủ cửa hàng ĐTDĐ TVT trên đường Tăng Bạt Hổ (TP Quy Nhơn), cho biết: “Nhu cầu xã hội phát triển, số lượng người sử dụng ĐTDĐ tăng nhanh nên nhiều tiệm, cửa hàng ĐTDĐ mọc lên, số người làm nghề sửa chữa ĐTDĐ càng nhiều. Do đó, người làm nghề này cần phải có tâm với nghề nếu không, dễ xảy ra tình trạng đổi linh kiện hoặc gian lận trong khi sửa chữa máy cho khách, làm giảm niềm tin của khách đối với nghề”.

Có thể nói số lượng người sửa chữa ĐTDĐ ngày một tăng lên, song trình độ tay nghề thì cũng còn nhiều bất cập. Nguyên nhân hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có một trung tâm dạy nghề sửa chữa ĐTDĐ có uy tín, trách nhiệm và đảm bảo chất lượng “đầu ra” cho người học.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thông tin thêm về loài bọ xít hút máu người   (14/07/2010)
40 triệu lượt người đã vào lăng viếng Bác  (14/07/2010)
Ý thức thị dân  (13/07/2010)
Nghị định 17/NĐ-CP tạo sự thống nhất trong việc bán đấu giá tài sản  (13/07/2010)
Loay hoay tìm “sân chơi”  (13/07/2010)
Trao tặng 15 sổ tiết kiệm cho cựu TNXP Bình Định  (13/07/2010)
Góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội  (13/07/2010)
Giám sát việc chấp hành pháp luật trong thi hành án dân sự  (13/07/2010)
Nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương  (12/07/2010)
Đề nghị thành lập Trường phổ thông đa cấp Chu Văn An  (12/07/2010)
Dự kiến ngày 17.7 công bố kết quả thi vào lớp 10 THPT   (12/07/2010)
Kỳ tích của cô bé mồ côi   (12/07/2010)
Yên ả một mùa thi   (12/07/2010)
Mở khóa học tiếng Anh thương mại  (12/07/2010)
Tập trung xây dựng nền QPTD, gắn thế trận QPTD với ANND vững chắc…  (11/07/2010)