Được thành lập từ ngày 15.5.2009, bước đầu Hội Người mù tỉnh đã có những hoạt động trợ giúp, để người mù có cơ hội tiếp cận với các loại hình việc làm, cải thiện đời sống, giảm áp lực phụ thuộc vào xã hội. Tuy nhiên, để các hoạt động này trở thành phong trào sâu rộng vẫn còn nhiều khó khăn…
|
Cơ sở massage khiếm thị của anh Nguyễn Hùng Thanh đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người khiếm thị ở tỉnh ta. |
* Nhiều hoạt động trợ giúp người mù
Để tăng cường năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ còn khá mỏng của mình, năm qua, Hội Người mù tỉnh đã cử 3 cán bộ nguồn tham gia lớp đào tạo cán bộ tại Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù. Ở Trung tâm này còn có 1 học viên của tỉnh theo học lớp giáo viên dạy chữ Braille, làm cơ sở để mở các lớp dạy chữ Braille tại Bình Định. Bên cạnh đó, Hội cũng đưa được 16 học viên theo học lớp massage khiếm thị, 10 người học ở Thừa Thiên Huế, 6 người ở Khánh Hòa. Sau khi kết thúc các khóa học, Hội đã tạo điều kiện để các hội viên có việc làm. Hội cũng kết hợp với các sở, ban, ngành để tạo điều kiện cho một số hội viên bán tăm tre, bán chổi trên địa bàn TP Quy Nhơn và các huyện lân cận.
Đặc biệt, Hội đã phối hợp với Trung ương Hội Người mù Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức chương trình vay vốn sản xuất cho hội viên có nhu cầu. Kết quả, đã có 10 hộ được vay với tổng số tiền 50 triệu đồng, tập trung ở các xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Tiền vay được các hộ đầu tư chăn nuôi, sản xuất chổi, mua bán nhỏ… Theo kế hoạch, Hội sẽ tích cực vận động các nguồn hỗ trợ, đến năm 2011, đăng ký cho hội viên vay đến 100 triệu đồng.
Ngoài công tác trợ giúp việc làm, Hội Người mù còn kịp thời thăm hỏi, ủng hộ về vật chất cho gia đình các hội viên bị ảnh hưởng nặng do cơn bão số 11 năm 2009. Tết Nguyên đán 2010, Hội cũng tặng quà cho hội viên của 6 huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão; kinh phí tổ chức do Trung ương Hội hỗ trợ 9 triệu đồng, Công ty TNHH thương mại DAJCO (Đài Loan) ủng hộ 10 triệu đồng.
|
Người mù cần được xã hội quan tâm hơn nữa, để có thể hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Trong ảnh: Võ Minh Hậu - chàng trai khiếm thị có năng khiếu nghệ thuật đặc biệt- biểu diễn tại chương trình giao lưu “Lời tri ân” do Đài PT-TH Bình Định tổ chức vào đầu tháng 2.2010. |
* Còn nhiều khó khăn
Tuy thành lập đã hơn 1 năm, nhưng Hội Người mù vẫn chưa có trụ sở làm việc. Trụ sở hiện thời của Hội là căn phòng phía trước của Cơ sở Massage, xông hơi, bấm huyệt 155 Trần Cao Vân do anh Nguyễn Hùng Thanh, Phó chủ tịch Hội Người mù tỉnh làm chủ. Nơi đây vốn là chỗ để xe của khách đến xông hơi, xoa bóp, giờ được ngăn ra làm hai: một phần để làm chỗ để xe; một phần kê chiếc bàn, vài chiếc ghế cho cán bộ, nhân viên của Hội ngồi làm việc. Tuy nhiên, bởi nhân viên và khách thường xuyên ra vào… nên nhân viên, cán bộ Hội cũng khó mà “toàn tâm toàn ý” với công việc.
Hiện nay, mọi giao dịch văn bản của Hội đều vẫn phải nhờ gởi qua địa chỉ của Sở LĐ-TB&XH tỉnh (215 Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn). Cái khó này làm cho Hội muốn huy động nguồn Quỹ để hoạt động cũng không dễ. Được biết, Hội Người mù tỉnh Bình Định đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng được bố trí cho một trụ sở làm việc chính thức, để tiện việc giao dịch, đi lại. Nhưng, đến nay, dù Sở Xây dựng đã đề xuất một địa chỉ trên đường Trần Hưng Đạo, nhưng vẫn chưa biết đến khi nào các hội viên Hội Người mù mới có một nơi sinh hoạt!
Theo thống kê của Phòng Bảo trợ Xã hội (Sở LĐ-TB&XH), hiện nay tỉnh ta có 5.424 người mù (2.943 người là nam giới). Có 1.795 người thuộc hộ nghèo, 517 người hưởng chính sách người có công. Chỉ có 1.889 người có việc làm ổn định; 2.330 người có hoàn cảnh khó khăn, 1.828 người khó khăn đáng kể, 1.266 người rất khó khăn. |
Sau ngày thành lập, Hội Người mù tỉnh đã được nhận báo “Đời mới”- một tờ báo dành cho người khiếm thị. Song, hội viên không biết chữ nên không gửi xuống địa phương. Tình trạng mù chữ cũng là một trong những khó khăn lớn nhất cản trở người mù tiếp cận với các công việc ổn định. Thời gian vừa qua, Hội đã tích cực xin UBND tỉnh kinh phí để mở lớp xóa mù chữ Braille. Có lẽ vì kinh phí dự trù khá lớn (52 triệu đồng), nên lớp học này vẫn nằm trên giấy. Ông Bùi Trung Dũng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH), góp ý: Hội phải khảo sát nhu cầu thực tế của người mù, địa điểm, thời gian tổ chức, người đứng lớp; tham khảo ý kiến của sở, ngành liên quan, tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài, có như vậy mới đẩy nhanh việc mở lớp dạy chữ Braille.
Với hầu hết người khiếm thị, việc học nghề cũng như tìm được việc làm rất khó khăn. Anh Nguyễn Hùng Thanh cho rằng: “Rất nhiều người mù thiếu tự tin vào bản thân, chấp nhận sống phụ thuộc vào người khác, thủ tiêu ý chí vươn lên”. Theo anh Thanh, nghề xoa bóp, bấm huyệt, phục hồi chức năng cơ thể là một trong những việc làm thích hợp đối với người khiếm thị. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn chưa thật sự tin tưởng vào loại hình massage khiếm thị, nên cơ hội dành cho người mù chưa nhiều.
Hiện cơ sở của anh Thanh có 10 kỹ thuật viên, tất cả đều là người khiếm thị, trong đó có 7 người trong tỉnh. “Ngoài đảm bảo hoạt động ổn định cho cơ sở của mình, tôi còn có ý định mở một trung tâm hướng nghiệp và đào tạo nghề cho người mù. Có như vậy mới trợ giúp được nhiều người hơn”- anh Thanh tâm sự.
Anh Nguyễn Hùng Thanh, Phó chủ tịch Hội Người mù tỉnh: “Để cải thiện hiệu quả hoạt động của Hội, rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc theo dõi khảo sát tình hình người mù ở địa phương, nhất là những trường hợp khó khăn để Hội kịp thời có biện pháp giúp đỡ”. | |