Đã chục năm trôi qua, cứ mỗi độ hè về, thành phố Quy Nhơn lại đón hàng chục ngàn sĩ tử khắp nơi đổ về, với ước mơ cháy bỏng được bước vào cổng trường đại học. Thành phố nhỏ như chật chội hơn khi cái nóng ngày hè càng oi bức.
Đã xa lắm rồi cái thời “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ”. Thế nhưng, thời nào cũng thế, đi thi là phải chấp nhận gian khổ. Chỉ có ai từng đưa con em đi thi đại học mới thấm thía nỗi vất vả của “lều chõng” ngày nay, mới hiểu được những sự trợ giúp của người dân địa phương có ý nghĩa với họ như thế nào.
Mùa thi năm nay, người dân Bình Định tiếp tục thể hiện lòng mến khách, tinh thần tương thân tương ái khi số lượng chỗ trọ, suất ăn miễn phí tiếp tục được ưu ái dành cho sĩ tử và người nhà của họ. Một tiểu thương ở thị trấn Diêu Trì có hai căn nhà dùng để chứa hàng, nhưng năm nào cũng thu xếp để cho khoảng hơn 50 thí sinh đến ở trọ miễn phí. Một người chồng làm nghề bốc vác, một người vợ buôn gánh bán bưng ngoài chợ, hàng ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng đủ “đỏ lửa”, nhưng đã 5 năm nay, nhà ông trở thành địa chỉ tin cậy của chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Tuy nhà chật chội nhưng có năm, ông bà tiếp đón hơn chục thí sinh. Không chỉ cho ở miễn phí, gia đình ông còn chăm chút từng bữa cơm cho họ.
Nhiều người có nằm mơ cũng không dám nghĩ, đưa con đến Quy Nhơn thi lại được ở miễn phí trong những khách sạn, nhà nghỉ sang trọng. Ngay cả các sư thầy, ni cô cũng không đứng ngoài cuộc. Suốt 2 đợt thi, chùa Tiên Hội (ở thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn) đã tổ chức nấu gần một ngàn suất cơm chay miễn phí cho thí sinh….
Song, cuộc đời không toàn màu hồng. Giữa muôn vàn tấm lòng nhân ái rộng mở, vẫn có không ít kẻ hẹp hòi tính toan. Với họ, mùa thi là dịp để làm ăn, chặt chém. Bình thường đĩa cơm chỉ 10.000 đồng, đến mấy ngày thi, có quán bán đến 15.000 đồng, dù cơm hay thức ăn chẳng có gì khá hơn. Những chủ nhà trọ tăng giá phòng gấp đôi gấp ba, lại cố “nhét” được càng nhiều càng tốt. Các thanh niên tình nguyện kể, ngày làm thủ tục dự thi, có hai mẹ con một thí sinh đi bộ gần 3 cây số. Hỏi ra mới biết, người chủ nhà bảo gần điểm trường em thi không có nhà trọ, nhà của bà ta đã là gần nhất rồi. Nghe lời các anh chị tình nguyện, hai mẹ con về trả phòng, đến gần điểm thi thuê nhà trọ khác. Người chủ nhà kia cương quyết chỉ trả lại một nửa số tiền trọ mà người mẹ đã trả cho cả đợt thi…
Cũng qua “kênh thông tin” của những người làm tình nguyện, tôi mới biết chuyện có thí sinh đi xe ôm từ siêu thị đến Trường THCS Ngô Mây cách đó chưa đầy một cây số mà phải trả đến 30.000 đồng.
Rất có thể, một năm, hai năm nữa, sẽ không còn hình thức thi đại học tập trung tại các cụm thi. Khi ấy, Quy Nhơn sẽ không còn là điểm đến của các sĩ tử vào mỗi mùa hè. Hy vọng, trong những lần thi cuối cùng được tổ chức tập trung ấy, tất cả người dân quê mình đều dang rộng vòng tay chào đón sĩ tử!
|