Cách nay 65 năm, thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; theo sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh Bình Định, Hội nghị Trường An lần thứ 2 diễn ra từ ngày 17 đến 19.7.1945 đã chủ trương thành lập đội “Tự vệ cứu quốc” và “Tự vệ sắt” và phát động phong trào quyên góp xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT), huấn luyện quân sự cho tự vệ, rèn chế vũ khí, rút thanh niên lên chiến khu để tổ chức học tập, huấn luyện.
|
Lực lượng vũ trang tỉnh đào đường cắt đứt giao thông Quốc lộ 1A trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu của Bá Sinh
|
* Từ các đội tự vệ
Các đội “Tự vệ cứu quốc” và “Tự vệ sắt” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử là làm nòng cốt trong tổng khởi nghĩa ở tỉnh vào ngày 23.8.1945, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 4.9.1945 tại thành phố Quy Nhơn, chi đội Giải phóng quân đầu tiên của tỉnh mang tên chi đội Phan Đình Phùng được thành lập trên cơ sở tập trung các đội tự vệ. Chiến công đầu tiên của chi đội Phan Đình Phùng là đánh chiếm Nhà băng Đông Dương (Quy Nhơn) đêm 12.12.1945, diệt và bắt 50 tên Nhật, đập tan âm mưu dùng quân Nhật lập đầu cầu tiến công để đánh chiếm Bình Định của thực dân Pháp.
Ngày 20.12.1946, tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chỉ trong thời gian ngắn, quân và dân tỉnh Bình Định đã phá hủy những thành lũy, nhà cửa kiên cố… làm thất bại ý đồ của địch xây dựng các căn cứ quân sự khi tiến công chiếm đóng. Vừa củng cố tổ chức, vừa xây dựng và chiến đấu, LLVT tỉnh đã vượt qua khó khăn, làm tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Điển hình là trận đánh quân Pháp ở cầu Suối Vối - Rộc Dừa ngày 12.11.1947, tiêu diệt hơn một trung đội lính Âu Phi và tấm gương hy sinh của người anh hùng Ngô Mây đã trở thành bất tử.
|
Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, trao mì tôm cho người dân bị cô lập trong lũ ở phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) trong cơn bão số 11 năm 2009. Ảnh: N. Dự
|
Tháng 4.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương tỉnh và huyện, rút các đại đội độc lập về tập trung xây dựng đơn vị mạnh, LLVT đã hình thành 3 thứ quân gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Cuối năm 1949, bộ đội tỉnh, huyện được tập trung củng cố. Các đợt “rèn cán chỉnh quân” cùng với việc cho bộ đội đi thực tế chiến đấu ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng và An Khê đã giúp LLVT tỉnh nâng cao trình độ chiến thuật và cách đánh. Sau hơn 6 tháng ngoan cường chiến đấu, quân và dân Bình Định đã đánh bại cuộc hành quân phối hợp hải, lục, không quân của địch vào khu tam giác: Đề Gi - Chợ Gồm - Phù Mỹ và vùng Tam Quan, Chợ Cát cùng các tỉnh Nam Trung bộ đã làm thất bại bước đầu âm mưu của địch đánh chiếm vùng tự do.
Năm 1950, Ban chỉ huy Tỉnh đội đã xây dựng hoàn chỉnh Tiểu đoàn 50 bộ đội địa phương tỉnh gồm 4 đại đội: 101, 102, 103 và 104. LLVT cơ sở được kiện toàn về số lượng và nâng cao chất lượng đủ điều kiện tác chiến, nhất là các vùng xung yếu. Sau đó LLVT được kiện toàn theo hướng tinh gọn. LLVT ở cơ sở được tổ chức thành hai loại: dân quân là lực lượng rộng rãi và du kích là lực lượng nòng cốt được tổ chức chặt chẽ, trang bị và huấn luyện khá hơn.
|
Cán bộ, chiến sĩ Đại đội trinh sát (Bộ CHQS tỉnh) trong giờ tập võ. Ảnh: N. Dự
|
Tháng 12.1953, địch mở cuộc hành quân Át-lăng đánh chiếm các tỉnh tự do Liên khu 5. Thực hiện phong trào chiến tranh nhân dân ở địa phương, tăng cường bố phòng, nhất là các vùng ven biển Quy Nhơn và giáp ranh An Khê, đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố LLVT ba thứ quân trong tỉnh, sau hơn 3 tháng (3-6.1954) phối hợp chiến đấu với quân dân Liên khu 5 và trên chiến trường cả nước, LLVT nhân dân Bình Định đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.673 tên địch, trong đó có 1.400 tên bị diệt, hơn 1.000 tên khác bị thương; thu 45 súng các loại, đánh hỏng 6 xe quân sự, góp phần cùng với cả nước giành thắng lợi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
* ...đến quân giải phóng đánh Mỹ anh hùng
Chiến thắng Tà Lốc (1959) là chiến thắng đầu tiên của du kích và nhân dân vũ trang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tháng 6.1960, Ban quân sự tỉnh được thành lập và ngay sau đó, ngày 2.9.1960, Trung đội vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh trong chống Mỹ ra đời. Tháng 10.1960, các phân đội đặc công, trinh sát, thông tin, công binh của tỉnh được thành lập, đội vũ trang của các huyện và một số xã cả đồng bằng và miền núi cũng được hình thành.
|
Lực lượng dân quân tự vệ biển đang tập luyện. Ảnh: N.Dự
|
Tháng 1.1961, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị thống nhất các lực lượng vũ trang miền Nam thành “Quân giải phóng miền Nam”, chuyển Ban quân sự miền Nam thành Bộ chỉ huy giải phóng miền Nam Việt Nam, ở Khu 5, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 được thành lập thay cho Ban quân sự khu. LLVT giải phóng tỉnh Bình Định đến đây đã hình thành, bao gồm: Bộ đội tỉnh, Bộ đội huyện và Dân quân du kích. Tháng 8.1963, tại xã Ân Hữu Tiểu đoàn 50 được thành lập.
Từ nay, LLVT của tỉnh đã phối hợp tốt với lực lượng chủ lực của Quân khu làm nên các chiến thắng vang dội: chiến thắng An Lão (12.1964), chiến thắng Dương Liễu - Đèo Nhông (2.1965) cùng nhiều trận đánh, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tiêu biểu như các trận: Thuận Ninh, Hội Sơn, Đập Đá, Tân Giảng, Bình Thành… làm cho tinh thần lính Mỹ và Nam Triều Tiên hoang mang, bạc nhược.
LLVT tỉnh đã được tặng thưởng 607 Huân chương các loại; 50.116 Huân huy chương cho cá nhân. Đặc biệt ngày 6.11.1978, Quốc hội và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho quân và dân tỉnh Bình Định. Toàn tỉnh có 11 huyện, thành phố; 88/159 xã, phường, thị trấn; 13 đơn vị trực thuộc tỉnh; 47 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. |
Năm 1975, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, quân dân Bình Định tích cực chuẩn bị về mọi mặt, LLVT tỉnh lúc này có 2 trung đoàn được thành lập (Trung đoàn 93 và Trung đoàn 92) trên cơ sở các tiểu đoàn trực thuộc tỉnh đã tiến công lần lượt giải phóng Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước và giải phóng toàn tỉnh ngày 31.3.1975.
Sau ngày giải phóng, LLVT tỉnh đã tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh, tổ chức rà phá bom mìn, vật liệu nổ; làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia; tổ chức quy tập mộ liệt sĩ, làm tốt chính sách hậu phương quân đội. Từ năm 1989, sau khi chia tách tỉnh đến nay, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã không ngừng phát huy chủ nghĩa anh hùng, truyền thống quê hương, tập trung làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và Biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên không ngừng được củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Cùng với công tác Quốc phòng, Quân sự địa phương, LLVT tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Xóa nhà tạm”; tham gia làm tốt công tác dân vận, vận động quần chúng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
Từ những đội viên đội “Tự vệ cứu quốc”, “Tự vệ sắt”, chi đội Phan Đình Phùng năm xưa đến những chiến sĩ lập công ở Suối Vối - Rộc Dừa (tháng 11.1947), chiến thắng An Lão (12.1964), Dương Liễu - Đèo Nhông (2.1965) đã chuyển tiếp ngọn lửa truyền thống đến các thế hệ cán bộ, chiến sĩ để có niềm tin, lòng quyết tâm xây dựng LLVT tỉnh xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành, là chỗ dựa tin cậy của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh.
Đội vũ trang tập trung đầu tiên
Cách nay 50 năm, vào ngày 2.9.1960, tại làng Kà Tang, xã Tu-Krông (nay là xã Vĩnh Sơn), huyện Vĩnh Thạnh, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã thành lập Đội vũ trang tuyên truyền 2.9, đây là Đội vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh.
Đội có 35 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Trần Quang Giáo - giữ chức Đội trưởng, đồng chí Đinh Bá Tòng - giữ chức Chính trị viên và đơn vị được trang bị vũ khí gồm: một khẩu trung liên và một số tiểu liên, súng trường.
Tại buổi lễ thành lập, đồng chí Võ Văn Đinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy đọc quyết định thành lập đội vũ trang tuyên truyền 2.9 và giao nhiệm vụ tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, tăng gia sản xuất và chiến đấu. Đại diện cho 35 cán bộ, chiến sĩ của Đội vũ trang tuyên truyền 2.9, đồng chí Chính trị viên đọc lời tuyên thệ: nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để giải phóng quê hương.
Lúc bấy giờ, Mỹ - Diệm đang ráo riết thực hiện chiến lược “Bình Định nông thôn”. Chúng tập trung xây dựng hệ thống chính quyền, kẹp chặt nông thôn, nhất là vùng giáp ranh miền núi, dồn sức xây dựng lực lượng dân vệ và thanh niên chiến đấu. Mặt khác, chúng tổ chức mạng lưới mật vụ, gián điệp cài cắm trong nhân dân.
Trước tình hình đó, Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trương mở đợt vũ trang tuyên truyền phát động nhân dân nổi dậy chống địch. Trước hết là phá tan bộ máy xã, thôn của chúng. Trọng điểm là vùng rìa núi Hoài Nhơn, Hoài Ân, Bình Khê. Đơn vị 2.9 được giao nhiệm vụ đánh trụ sở xã Hoài Tân, với yêu cầu đánh không nổ súng, không để địch chết, mà chỉ bắt sống địch, thu vũ khí, tài liệu, giáo dục phóng thích tại chỗ. Sau 8 ngày đêm dầm dãi mưa nguồn, vượt lũ sông Côn và sông Lại Giang, cán bộ chiến sĩ Đội vũ trang tuyên truyền 2.9 đã tiếp cận mục tiêu và bất ngờ tấn công Trung đội bảo an của địch. Trận đầu ra quân, đơn vị đã thu thắng lợi cả về quân sự và chính trị, góp phần khuếch trương thanh thế cách mạng và tạo điều kiện phát triển cơ sở trên khắp địa bàn tỉnh.
Đến năm 1961, phong trào cách mạng ở các vùng đồng bằng trong tỉnh có những chuyển biến tốt, lòng tin của nhân dân đối với cách mạng ngày càng được củng cố; lực lượng tham gia cách mạng ở các huyện, các xã ngày càng nhiều. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, ngày 3.2.1961, tại làng Kon Hai, xã Lơ Pin, huyện Vĩnh Thạnh, Tỉnh ủy quyết định thành lập Đại đội Tây Sơn, chủ yếu lấy toàn bộ Đội vũ trang tuyên truyền 2.9 chuyển sang. Về sau, cũng chính lực lượng này làm nòng cốt cho Đại đội 2-Tiểu đoàn 50 thuộc tỉnh Bình Định.
|
|