Tháng 4.2002, thị trấn Bình Dương được thành lập từ một thôn của xã Mỹ Lợi. Tuy “sinh sau đẻ muộn”, nhưng Bình Dương lại có tốc độ phát triển khá nhanh, khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội phía Bắc huyện Phù Mỹ…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn Bình Dương lần thứ II, nhiệm kỳ 2005-2010 đề ra chỉ tiêu giá trị sản xuất bình quân hằng năm tăng 16-17%. Song, trong 5 năm qua, con số này đã đạt đến 24,85%. Trong đó, công nghiệp – xây dựng tăng 29,16%, thương mại – dịch vụ tăng 24,55%, nông nghiệp tăng 3,89%; hình thành cơ cấu kinh tế nghiêng về tỉ trọng của công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.
Công nghiệp và dịch vụ chính là 2 thế mạnh hàng đầu của Bình Dương. Cụm công nghiệp Bình Dương với quy mô 80 ha, hiện đã có 6 doanh nghiệp tiến hành các hoạt động sản xuất. Công nghiệp chế biến cũng phát triển mạnh với các nhà máy nhựa, nhà máy xay xát gạo… Dịch vụ vận tải không ngừng lớn mạnh, hiện nay đã có hơn 200 đầu xe, đội ngũ xe tải, xe khách chất lượng cao rất hùng hậu.
Đi liền với sự phát triển kinh tế, đời sống của người dân nơi đây không ngừng nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt mức 26 triệu đồng (năm 2005 chỉ có 7,9 triệu đồng). Năm 2006, tỉ lệ hộ nghèo của toàn thị trấn là 8,7%, hiện nay chỉ còn 4,3%. Trong giai đoạn 2005-2010, tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 27,1%/năm; năm 2010, tổng thu ngân sách ước đạt 18 tỉ đồng.
Từ những ngày đầu thành lập, thị trấn Bình Dương đã xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm để nhanh chóng đưa Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế - xã hội ở phía Bắc huyện. Tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong 5 năm qua đạt gần 328 tỉ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 52 tỉ đồng, vốn của địa phương 22,7 tỉ đồng… Sự hoàn thiện của cơ sở hạ tầng không khỏi gây cho người ta cảm giác choáng ngợp. Các tuyến đường nội thị rộng rãi, thẳng tắp; trường học, trạm y tế đều xây mới khang trang.
Nói về bí quyết thực hiện tốt công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện bộ mặt đô thị, ông Nguyễn Văn Miên, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Dương, khẳng định: “Phải làm tốt công khai quy hoạch, phương án đền bù. Nhờ lợi thế địa bàn dân cư tập trung, nên các tổ chức hội, đoàn thể dễ gần dân, tích cực vận động, phân tích lợi ích mà những công trình, dự án mang lại cho họ. Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu”.
Ông Miên cũng cho biết thêm, trong giai đoạn kế tiếp, thị trấn đã lên kế hoạch xây dựng mới và bê tông hóa tất cả các tuyến đường giao thông nội bộ thị trấn; đầu tư xây dựng đài tưởng niệm, nhà thi đấu đa năng, sân vận động, công viên, hệ thống chiếu sáng công cộng… Ngoài ra, sẽ xây mới chợ Bình Dương 2 với diện tích 2 ha, số vốn đầu tư lên đến 72 tỉ đồng.
|