Vĩnh Thạnh là huyện miền núi, kinh tế thuần nông nhưng đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, nguồn vốn đầu tư thiếu… Tưởng chừng cái khó sẽ bó cái khôn, nhưng người dân huyện miền núi này vẫn nỗ lực không ngừng để xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc…
Về công tác ở Vĩnh Thạnh, không ít lần được tiếp xúc với Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đình Kim, song lần này ông mới thật sự cởi mở. Ông bảo, đã một nhiệm kỳ trôi qua, song hiếm khi ông rảnh rỗi để chiêm nghiệm về chặng đường đã qua. Vì vậy, ông coi cuộc trò chuyện với tôi như một cách “nhìn lại để đi tới”…
|
Trung tâm huyện Vĩnh Thạnh hôm nay. |
Là một huyện miền núi, kinh tế của Vĩnh Thạnh phụ thuộc khá nhiều vào nông nghiệp. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao, diện tích lúa lai ngày càng tăng. Năm 2010, năng suất lúa đã đạt gần 52 tạ/ha. Từ nền tảng tăng trưởng kinh tế, Vĩnh Thạnh đã giải quyết tốt các chính sách xã hội; trong 2 năm 2009-2010 đã hỗ trợ xóa 364 nhà ở đơn sơ với tổng số tiền 13 tỉ đồng.
Song, thành tựu nổi bật nhất của Vĩnh Thạnh, theo Bí thư Nguyễn Đình Kim, chính là sự tăng cường công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT- XH, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân. Trong 5 năm qua, toàn huyện có hơn 150 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng số vốn đầu tư hơn 200 tỉ đồng, tăng 2,18 lần so với thời kỳ 2005-2010. Tính cả những dự án đã được phê duyệt, trên địa bàn Vĩnh Thạnh có tới 9 công trình thủy điện. Trong khi đó, Cụm công nghiệp Tà Súc rộng hơn 20ha, đã có 6 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, dự kiến, đến hết năm 2011 sẽ lấp đầy diện tích.
“Đến thời điểm này, cả huyện chỉ còn duy nhất làng O2, xã Vĩnh Kim là ô tô chưa tới được. Sự phát triển của hệ thống giao thông là một kỳ tích”- ông Kim phấn khởi nói. Không phấn khởi sao được, khi mới hôm nào, cán bộ và người dân Vĩnh Thạnh vẫn không nguôi ám ảnh về những con đường đau khổ, nhất là đường dẫn đến làng Kon Trú…
Nói đến hệ thống giao thông của Vĩnh Thạnh, không thể không nhắc đến dự án xây cầu bắc qua sông Côn, nối liền tuyến đường ĐT 637 qua trung tâm thị trấn Vĩnh Thạnh với xã Vĩnh Hiệp. Chỉ chưa đầy 2 tháng nữa, dự án có tổng kinh phí 20-23 tỉ đồng này sẽ chính thức được bấm nút, mở ra hy vọng về một tuyến giao thông huyết mạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, thông thương buôn bán… Nói về hiệu quả của các công trình xây dựng cơ bản ở địa phương, ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: “Các công trình, dự án sau khi hoàn thành đều phát huy hiệu quả rất tích cực”.
Từ nền tảng vững chắc đã hình thành, Vĩnh Thạnh sẽ mở hướng đi lên với việc chia địa bàn huyện thành 3 vùng kinh tế để quy hoạch phát triển phù hợp với điều kiện thực tế. Vùng các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim tập trung cho công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, phát triển nông lâm kết hợp, trồng một số cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê; gắn chăn nuôi trang trại với trồng rừng sản xuất. Vùng lòng hồ Định Bình tập trung công tác trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, trồng rừng cảnh quan phát triển du lịch sinh thái, phát triển nuôi và khai thác thủy sản. Trong khi đó, vùng các xã, thị trấn còn lại đồng bằng tập trung phát triển công nghiệp chế biến các mặt hàng nông lâm sản, chuyển đổi lúa 3 vụ sang 2 vụ ăn chắc, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi gia trại, cây công nghiệp ngắn ngày; phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch nghỉ dưỡng.
Cho đến thời điểm này, một nguồn lực quan trọng của Vĩnh Thạnh - tiềm năng du lịch - vẫn chưa được đánh thức. Các công trình thủy lợi, thủy điện quy mô lớn; những thắng cảnh thiên nhiên và lịch sử kỳ vĩ ở Vĩnh Sơn, suối nước khoáng Vĩnh Trường độc đáo... đều là những điểm dừng chân lý tưởng trong một tour du lịch ấn tượng. Hy vọng một ngày không xa, tour du lịch này sẽ đi vào hoạt động, trở thành một cú hích để đẩy nhanh nhịp độ phát triển của huyện miền núi này…
|