Buổi gặp mặt tôn vinh 88 người vợ liệt sĩ nuôi con thành đạt tiêu biểu của tỉnh, do Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức diễn ra thật xúc động. Tâm sự chân tình của những phụ nữ đã nén nỗi đau mất chồng, mất con để tiếp tục sống, chiến đấu và nuôi con thành đạt thật đáng để mỗi chúng ta hôm nay tự hào và kính phục.
|
Các đại biểu vợ liệt sĩ nuôi con thành đạt tiêu biểu chia sẻ những tâm sự về cuộc sống của mình trong chương trình giao lưu tại buổi gặp mặt.
|
1. Quê mẹ ở Cát Hanh (Phù Cát). Những năm 1960, gia đình mẹ gặp khó khăn chồng chất vì 6 đứa con còn nhỏ, ruộng đất ít, chồng mẹ là ông Lê Kỳ tham gia cách mạng bị địch bắt tù đày, bản thân mẹ bị chính quyền ngụy bắt quản thúc quản chế; không ai dám giúp đỡ gia đình mẹ vì sợ liên lụy.
Chồng mẹ ra tù, thoát ly lên núi tham gia cách mạng và hy sinh năm 1966. Mẹ nhớ lại: “Nỗi buồn bất tận, lòng căm thù giặc cao ngút, nhưng tôi cố kìm giữ và 1 năm sau, tôi động viên 2 con trai là Lê Văn Khanh, Lê Văn Thạch tiếp tục noi gương cha lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Các con tôi nói: Làm cách mạng đâu có dễ, má? Tôi trả lời: Khó mới cần các con đi”.
Vậy là các con trai mẹ lên đường, để rồi 1 năm sau, chỉ trong vòng 7 tháng, mẹ đón nhận 2 tin dữ liên tiếp dội về: 2 con trai của mình hy sinh. Vậy mà cũng chỉ 1 năm sau đó, năm 1970, hai con trai tiếp theo của mẹ lại nối gót cha anh lên đường tham gia cách mạng, rồi bị địch bắt bỏ tù. Sau ngày thống nhất đất nước, hai con trai còn lại của mẹ tiếp tục lên đường làm nghĩa vụ quân sự.
Dẫu năm nay đã 85 tuổi, lại là thương binh hạng 3/4 nhưng khi lên giao lưu, trông mẹ vẫn còn cứng cáp và minh mẫn. Mẹ kể lại chuyện đời mình bằng giọng nhẹ nhàng, bình tĩnh, như thể mấy chục năm qua, mẹ đã quen thuộc với những mất mát đó. Như thể thôi, vì chẳng có nỗi đau mất chồng mất con nào là dễ nguôi ngoai trong lòng những người phụ nữ, như mẹ. Mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Lư, hiện sống tại KV 5, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn).
Với mẹ Trịnh Thị Hột, 70 tuổi, ở thôn Thanh Quang (Phước Thắng, Tuy Phước), chiến tranh, giặc giã không chỉ làm mẹ trở thành góa phụ mà còn bị tù đày. Dẫu chồng hy sinh, phải xa quê đi làm mướn, nhưng mẹ vẫn tham gia làm cơ sở cách mạng. Vì những điều này, mẹ bị địch truy lùng và bắt bỏ tù. Mẹ nhớ lại: “Sống trong tù, nỗi nhớ chồng, thương con cứ ray rứt trong tôi vì các con đã mất cha, giờ lại thiếu sự chăm sóc của mẹ. Chính vì thế, tôi đã cùng những phụ nữ đồng cảnh ngộ một lòng trung thành với cách mạng, đoàn kết đấu tranh cho tới ngày được ra tù”. Khi ra tù, mẹ tiếp tục cố gắng làm thuê làm mướn nuôi 4 con ăn học với ước nguyện: “Dù khó khăn đến đâu, vất vả như thế nào tôi cũng phải nhất quyết cho con ăn học tới nơi tới chốn nhằm có đủ tư thế nối gót cha ông tiếp tục đấu tranh với kẻ thù và xây dựng quê hương”. Mẹ cũng luôn tự nhủ mình phải mẫu mực, nhắc nhở con, cháu cố gắng học tập, xây dựng quê hương, sống xứng đáng với truyền thống của gia đình. Giờ đây, 4 người con của mẹ Trịnh Thị Hột đều đã thành đạt, trong đó có 3 người là cán bộ, công tác tại các ngành của xã Phước Thắng và huyện Tuy Phước.
|
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh tặng hoa cho mẹ Đinh Thị Minh (Vân Canh) - một trong những người vợ liệt sĩ nuôi con thành đạt tiêu biểu tại buổi gặp mặt.
|
2. Khi người dẫn chương trình buổi giao lưu bày tỏ mong muốn được mẹ Phạm Thị Diễn, 75 tuổi (Cát Tài, Phù cát) chia sẻ những khó khăn, vất vả khi chồng hy sinh, mẹ xin kể bằng một bài thơ do mình sáng tác. Thơ rằng: “Nhìn 5 con dại thơ ngây/ Hương tàn đốm lụn dạ này đớn đau… Anh về chín suối yên thân/ Em còn sống lại ruột bầm héo hon/ Nhớ anh phấn lạt phai son/ Bơ vơ mày liễu hao mòn tấm thân… Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần/ Động viên an ủi bản thân bây giờ/ Để làm ăn nuôi dưỡng con thơ/ Phụng dưỡng cha mẹ đáp đền ái ân/ Vợ hiền em quyết làm tròn/ Tình chồng nghĩa vợ không hề đơm sai…”. Cả hội trường vỗ tay, mẹ cười mà mắt rưng rưng. Là bởi, khi chồng mẹ hy sinh, mẹ mới 32 tuổi, với 5 đứa con thơ dại mà đứa út chưa đầy năm. Kể về người chồng thương yêu của mình, mẹ cười bằng mắt: “Ổng đẹp trai lắm lận, nhà ổng với nhà tui cách nhau có một xóm. Ổng để ý tui lúc tui mới 13 tuổi à. Vậy mà cưới nhau, sống với nhau được có 16 năm thì ổng mất”.
Còn mẹ Đinh Thị Minh (dân tộc Bana, ở thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh), dẫu chồng hy sinh khi con còn ẵm ngửa nhưng mẹ vẫn khắc phục khó khăn để tham gia cách mạng. Mẹ nói đơn giản: “Khi Đảng cần, dân muốn thì mình phải đi. Tôi làm y tá, văn thư, đánh máy, cố gắng phấn đấu dù có khó khổ, nuôi con để con tiếp bước cha nó”.
3. Buổi gặp mặt, giao lưu diễn ra với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có những tràn cười vui, thông cảm bởi phần hỏi - đáp giữa người dẫn chương trình với các mẹ không ăn nhập với nhau, vì có mẹ đã nghễnh ngãng, hoặc nặng tai. Có những khoảng lặng, khi kỷ niệm về người chồng quá cố, về những tháng ngày khó khăn đơn chiếc nuôi con ùa về qua lời kể của một mẹ. Lại có những giọt nước mắt từ dưới hội trường, của con cháu các mẹ cùng tham dự, khi nghe mẹ, bà của mình kể chuyện ngày xưa…
Những người vợ liệt sĩ có mặt tại buổi gặp mặt hôm ấy đều có chồng hy sinh khi tuổi đời của họ còn rất trẻ. Dù mỗi người một hoàn cảnh nhưng tất cả đều nén đau thương thành nghị lực, một mình vượt qua khó khăn, dũng cảm tham gia cách mạng, đảm đang nuôi dạy con khôn lớn, trở thành những người sống có ích cho Tổ quốc.
Họ xứng đáng được các thế hệ hôm nay biết ơn và kính phục.
|