Chuyện ghi ở những lớp dạy nghề tình nghĩa
22:3', 24/7/ 2010 (GMT+7)

Gọi là những lớp dạy nghề tình nghĩa, bởi người học không những được miễn hoàn toàn học phí mà còn được bố trí nơi ăn chốn ở miễn phí. Nhiều năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Đồng Tâm đã tổ chức tốt các lớp dạy nghề như thế…

 

Giáo viên phải hướng dẫn tỉ mỉ cho các học viên theo phương châm “nắm tay truyền nghề” là chính.

 

* “Nắm tay truyền nghề”

Gần một tháng nay, sáng nào chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, 28 tuổi, cũng chạy xe máy từ đường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, lên Trung tâm BTXH Đồng Tâm (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn). Ngày 2 buổi, chị đứng lớp dạy nghề may cho những học viên đặc biệt. Lớp buổi sáng có 30 học viên thì có đến 17 em câm điếc, 13 em khuyết tật vận động, giảm thiểu trí tuệ. “Phải nhớ đặc điểm của từng em trong lớp, khuyết tật nặng nhẹ, tính tình có chịu khó hay không, từ đó mới có cách chỉ dạy, hướng dẫn phù hợp”- chị Mai cho biết.

Do đặc thù phần lớn các học viên bị câm điếc, thiểu năng trí tuệ, nên để giúp các em tiếp thu kiến thức, cô giáo Nguyễn Thị Kiều Thu, giáo viên mỹ thuật của Trung tâm phải đứng ra làm vai trò “thông dịch viên”, chuyển tải nội dung học thành ngôn ngữ ký hiệu. Là giáo viên của Trung tâm đã 3 năm, có kinh nghiệm trong giao tiếp với người khuyết tật, song, để chuyển tải trọn vẹn kiến thức cơ bản về nghề cho các em không phải đơn giản. “Dù rất cố gắng, nhưng các em tiếp thu được 70% kiến thức mình truyền đạt cũng là thành công lắm rồi”- cô Thu tâm sự.

Cũng chính vì khả năng tiếp thu thông tin yếu nên các cô giáo phải cố gắng “bù” lại bằng việc chỉ dẫn tỉ mỉ phần thực hành cho các em theo phương châm “nắm tay truyền nghề” là chính. Chị Mai chia sẻ: “Mới đầu cũng nản lắm chứ, nhưng nghĩ lại, họ là những người khuyết tật nên được truyền nghề cho họ là niềm vui, là hạnh phúc nên tôi kiên trì”.

Có tận mắt chứng kiến cảnh các em thực hành thao tác may mới hiểu hết sự khó khăn đối với người khuyết tật khi học nghề. Những bàn chân yếu ớt không thể đạp bàn quay đều đặn, những đôi tay khoèo, cụt không dễ đưa những đường kim mũi chỉ nhỏ xíu. Có em tập đạp một đường thẳng phải mất bốn ngày ròng.

Khát khao có được cái nghề để tự kiếm sống khiến đa số học viên đều tích cực học tập, lấy sự cần cù để bù cho những khiếm khuyết của cơ thể. Kiệt Thị Muộn, nhà ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn là một trong những học viên tích cực nhất. Bị khuyết tật vận động ngay từ lúc mới sinh ra, tay phải và hai chân đều rất yếu, nhưng khi biết tin Trung tâm BTXH Đồng Tâm mở lớp dạy nghề may, Muộn đã đăng ký xin học. Muộn bày tỏ: “Tôi luôn hy vọng được lao động như một người bình thường, để có thể tự lo cho bản thân mình, không phải phụ thuộc vào người thân”…

 

Học viên lớp học may tại Trung tâm BTXH Đồng Tâm trong giờ thực hành.

 

* Mở rộng cơ hội cho nhiều người

Từ đầu tháng 7.2010 đến nay, Trung tâm BTXH Đồng Tâm đã khai giảng 2 lớp dạy nghề may cho các đối tượng là người khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh. Lớp khai giảng ngày 1.7 có 15 học viên, kinh phí hơn 18 triệu đồng do Phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) hỗ trợ. Lớp khai giảng ngày 15.7 có 30 học viên, với kinh phí 96 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và một phần kinh phí của Trung tâm.

Thời gian tới, Trung tâm BTXH Đồng Tâm sẽ tiếp tục mở 1 lớp dạy may và 1 lớp dạy nghề đan mây cho 68 học viên là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, con em hộ nghèo, gia đình có công cách mạng, người bị thu hồi đất canh tác… Kinh phí tổ chức 2 lớp học này hơn 207 triệu đồng, thuộc chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Trung ương.

Mỗi lớp học nghề do Trung tâm BTXH Đồng Tâm tổ chức kéo dài khoảng 4 đến 5 tháng. Theo ông Trần Công, Giám đốc Trung tâm, sau khi hoàn thành chương trình học, các học viên có tay nghề đảm bảo sẽ được nhận vào làm việc tại Công ty May Thành Hiệp và các cơ sở may, đan mây trên địa bàn phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn.

Để tuyển sinh cho các lớp học, Trung tâm phải gửi thông báo chiêu sinh xuống huyện, huyện chuyển xuống xã. Học viên có nhu cầu đăng ký làm hồ sơ, cán bộ của Trung tâm trực tiếp xuống cơ sở tuyển sinh. Vì vậy, cần phải có thời gian dài để làm tốt khâu tuyển chọn. Thế nhưng năm nay, nguồn hỗ trợ cho các lớp dạy nghề được giải ngân khá muộn; từ đó, công tác tuyển sinh triển khai quá gấp nên chưa thể tuyển được số học viên theo nhu cầu cho 2 lớp sẽ khai giảng vào cuối tháng 7 và giữa tháng 8 tới.

Đối với các lớp học không đủ kinh phí bao ăn cho học viên, Trung tâm BTXH Đồng Tâm tự vận động nguồn tài trợ, hoặc xuất quỹ của Trung tâm để trợ giúp. Các học viên ở các lớp dạy nghề đều được nhận chế độ ăn như những học viên bình thường ở Trung tâm. Không chỉ lo cái ăn, chỗ ở cho học viên, Trung tâm còn phải đi thuê máy may để phục vụ việc dạy học.

“Điều kiện vật chất của Trung tâm còn thiếu thốn. Để tổ chức tốt các lớp học như thế này, chúng tôi phải đi thuê, đi mượn đủ thứ. Rất mong nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng, để những người kém may mắn được học nghề, kiếm sống dễ dàng hơn…”- ông Trần Công tâm sự.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lãnh đạo tỉnh thăm các gia đình chính sách nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ  (24/07/2010)
Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ  (24/07/2010)
Trường ĐH Quy Nhơn công bố kết quả chấm thi  (24/07/2010)
Tri ân những người vợ, người mẹ…  (24/07/2010)
Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân  (24/07/2010)
Đảng ủy khối DN tỉnh lãnh đạo công tác xây dựng TCCSĐ và đảng viên   (23/07/2010)
Tôn vinh 88 người vợ liệt sĩ nuôi con thành đạt tiêu biểu   (23/07/2010)
Hiệu quả lãnh đạo từ chất lượng cán bộ   (23/07/2010)
913 HS-SV bậc Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp tốt nghiệp  (23/07/2010)
Tấm lòng và những trái tim  (23/07/2010)
115 lao động được tuyển dụng trực tiếp  (22/07/2010)
Nhân sự mới  (22/07/2010)
Toàn tỉnh còn 13.785 hộ dân đang sống ở những vùng nguy hiểm  (22/07/2010)
Nhiều hoạt động “uống nước nhớ nguồn”  (22/07/2010)
Vĩnh Thạnh tập trung phát huy tiềm năng và thế mạnh địa phương  (22/07/2010)