Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; xác định định hướng phát triển, lộ trình, mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng với những bước đi phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn.
|
Thực hiện thủ tục công chứng tại Phòng Công chứng số 3. Ảnh: Ngọc Diên
|
Theo đó, từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ chú trọng phát triển một số tổ chức hành nghề công chứng tại các khu vực có nhu cầu công chứng nhiều và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể là tại 6 khu vực: TP Quy Nhơn với ít nhất là 3 Văn phòng công chứng tại phường Bùi Thị Xuân, phía Tây Nam nội thành (phường Ghềnh Ráng, Nguyễn Văn Cừ và Quang Trung); khu vực Tây Bắc (phường Đống Đa, Khu đô thị mới Nam - Bắc sông Hà Thanh và Khu kinh tế Nhơn Hội); huyện Tuy Phước, Vân Canh với ít nhất 2 Văn phòng công chứng tại thị trấn Vân Canh, thị trấn Tuy Phước; huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh với ít nhất 2 Văn phòng công chứng tại thị trấn Phú Phong và thị trấn Vĩnh Thạnh; huyện An Nhơn với ít nhất 1 Văn phòng công chứng tại thị trấn Bình Định hoặc thị trấn Đập Đá; huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ với ít nhất 2 Văn phòng công chứng tại thị trấn Ngô Mây và thị trấn huyện Phù Mỹ; huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân và An Lão với ít nhất 2 Văn phòng công chứng tại thị trấn Tam Quan (khi huyện Hoài Nhơn chia tách) và thị trấn Tăng Bạt Hổ.
Đồng thời, tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng và phát huy hết năng lực hoạt động của các Phòng Công chứng hiện có, từng bước chuyển các Phòng Công chứng sang chế độ tự trang trải toàn bộ về tài chính; có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển Văn phòng công chứng tại những nơi có điều kiện kinh tế- xã hội còn khó khăn. Từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng.
Đây sẽ là bước tiến quan trọng để hoạt động công chứng thực sự được đổi mới theo chủ trương xã hội hóa, dịch vụ hóa, cải cách thủ tục hành chính, tạo sự cạnh tranh giữa các văn phòng công chứng với các phòng công chứng nhà nước, loại bỏ tư tưởng quan liêu, cửa quyền trong khi thực hiện nhiệm vụ, tạo điều kiện cho nhân dân được lựa chọn, được phục vụ và được thụ hưởng dịch vụ công chứng tốt nhất.
Được biết, tháng 4.1991, Phòng Công chứng số 1 được thành lập tại TP Quy Nhơn; tiếp đến tháng 3.1996, Phòng Công chứng số 2 được thành lập tại huyện Hoài Nhơn. Phòng Công chứng số 3 tiếp tục được thành lập vào tháng 2.2007, tại khu vực Phú Tài và mới đây là sự ra đời của Văn phòng Công chứng Thanh Bình (tháng 10.2009).
Tuy nhiên, số lượng các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh ta hiện nay là vẫn còn ít, chưa đủ để đáp ứng tốt cho nhu cầu công chứng của công dân, tổ chức, nhất là ở TP Quy Nhơn và các thị trấn nơi có đông dân cư. Đặc biệt trong thời gian đến cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội là sự gia tăng ngày càng nhiều số lượng hợp đồng, giao dịch và tính phức tạp trong nội dung của các hợp đồng, giao dịch; cùng với việc thực hiện chủ trương chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND sang tổ chức hành nghề công chứng sẽ làm gia tăng đáng kể nhu cầu công chứng, cũng như công việc của các tổ chức hành nghề công chứng. Vì vậy, Đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh được phê duyệt là điều kiện quan trọng đáp ứng nhu cầu công chứng hiện nay và thời gian tới.
(Sở Tư pháp Bình Định) |