Đất nước im tiếng súng đã hơn 35 năm, nhưng còn biết bao liệt sĩ vẫn nằm đâu đó trên chiến trường xưa. Đã có những người lính ngày đêm làm cuộc hành trình đưa đồng đội về nghĩa trang nồng ấm khói hương…
1.
Tháng 8.2004, ông Đặng Ngọc An, thương binh hạng 4/4 bị một trận ốm liệt giường do vết thương cũ ở vùng thái dương tái phát. Khi bệnh tình thuyên giảm cũng là lúc tính tình của ông An thay đổi một cách lạ thường. Khác hẳn với bản tính vui vẻ, cởi mở trước đây, ông đột nhiên ít nói, hay ngồi một mình, hay lục lọi kỷ vật thời chiến tranh. Nhưng thật lạ, hễ thoáng nghe ở đâu có hài cốt liệt sĩ, thần sắc của ông bỗng tươi tỉnh khác thường. Ông đi hỏi cặn kẽ thông tin về nơi nghi ngờ có hài cốt, liên lạc với Huyện đội Hoài Nhơn để được hỗ trợ thêm, và bắt đầu hành trình đi tìm, đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang.
|
Quy tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang. |
2.
Những ngày tháng 7, chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Ngọc An, thôn Cự Tài 2, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn. Ông An cùng hai đồng đội của mình là ông Bảy Lang và ông Bảy Thủy ngồi quanh chiếc bàn nhỏ, với hàng trăm bức ảnh được ghi lại trong hành trình gần 6 năm lặn lội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Nhiều bức ảnh chụp những bộ hài cốt bốc lên vẫn còn lẫn mảnh bom, hình dạng nhiều bộ hài cốt cho thấy khi hy sinh, các anh vẫn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu…
Mặc dù bị thương đến 3 lần, nhưng mãi cho đến năm 1979 ông An mới nghỉ mất sức. “Vết thương cũ hành dữ lắm, bà xã tôi vẫn gán cho tôi biệt danh “cột dự báo thời tiết”, xem ra rất đúng. Cũng may nhờ vợ khéo nuôi nên sức khỏe của tôi mới được ổn định như ngày hôm nay”- ông An hóm hỉnh kể.
khi kể về lần bốc mộ liệt sĩ đầu tiên, giọng ông chùng xuống. Vào tháng 10.2004, bằng một cơ duyên đặc biệt, sau 2 ngày với sự hỗ trợ của Xã đội Hoài Phú, ông đã tìm được và cất bốc hài cốt liệt sĩ Phạm Tất Đạt (quê ở Hải Phòng) ở chân đồi 57, thuộc thôn Mỹ Bình, xã Hoài Phú. Di hài của liệt sĩ được tìm thấy nguyên vẹn, một mảnh pháo còn nằm ngay trong lồng ngực làm cho 3 chiếc xương sườn bị gãy. sau 3 ngày, thật ngẫu nhiên ông Phạm Tất Ứng, em trai của liệt sĩ Phạm Tất Đạt từ Hải Phòng lại vào tìm mộ anh trai mình.
Chính lần tìm kiếm di hài của liệt sĩ Phạm Tất Đạt đã mở đầu hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong gần 6 năm qua của ông An. Và cho đến nay, người cựu chiến binh này đã tìm kiếm và đưa hơn 26 liệt sĩ nằm rải rác ở các chiến trường Liên khu 5 về lại với quê hương, với gia đình; giải tỏa một phần nỗi khắc khoải chờ mong cho nhiều người vợ, người mẹ đang ngày đêm trông ngóng tin chồng, tin con…
|
Ông Đặng Ngọc An (phải) và ông Nguyễn Văn Thủy cùng xem lại sổ ghi chép những lần đi bốc hài cốt liệt sĩ. |
3.
Ngày 7.7 vừa qua, anh Lê Văn Sao, một người chuyên nghề rà phế liệu phát hiện một số hài cốt tại căn cứ Gia Ba, gần ranh giới giữa 2 huyện Hoài Nhơn và An Lão. Sau khi nhận được nguồn tin, ông An và ông Thủy tức tốc lên đường khảo sát. “Qua tìm kiếm và khảo sát địa hình, chúng tôi đã nhặt được một số mảnh vỡ thủy tinh từ bình Rum, lọ chai màu nâu dùng đựng thuốc Ampixiline và thuốc ký ninh bọc đường… Ngay tại vị trí hố đào tìm phế liệu của người rà sắt chúng tôi còn thu được một khóa nịt Trung Quốc, một đoạn ngắn dây dù đã teo cứng… Từ địa hình trũng thấp, giữa các khe núi là một trảng bằng, chúng tôi xác định đây có thể là một bệnh xá dã chiến của Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng”- ông Thủy cho biết.
Khi chúng tôi thực hiện bài báo này, ông Đặng Ngọc An, ông Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Văn Thủy và lực lượng của Huyện đội Hoài Nhơn bắt đầu cuộc hành trình lên dãy Trường Sơn tìm hài cốt liệt sĩ.
Trước mỗi chuyến đi dài ngày như thế, bà Lê Thị Bình, vợ ông lại giúp chồng chuẩn bị bánh tét cùng vật dụng đi đường. Bà chia sẻ: “Gần 60 tuổi rồi, nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần ông tất bật cho những chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ thì sức khỏe và tinh thần của ông ấy lại khá hơn rất nhiều. Tôi rất vui khi được giúp chồng làm công việc đầy tình nghĩa này”.
|